Ðỗ Dzũng/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Hôm Thứ Ba, 12 Tháng Bảy, Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) ở The Hague, Hòa Lan, đưa ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” chín đoạn của Trung Quốc trong việc quốc gia này tuyên bố tới 80% chủ quyền ở Biển Ðông. Phán quyết của PCA là kết quả của đơn kiện do chính phủ Philippines nộp năm 2013. Philippines và nhiều quốc gia trong khu vực và một số nơi trên thế giới hoan nghênh phán quyết của PCA, và Trung Quốc, đương nhiên, bác bỏ phán quyết này. Nhật báo Người Việt phỏng vấn một số vị lãnh đạo tôn giáo, giáo sư, nhà hoạt động để hỏi họ phản ứng về chuyện này ra sao, đồng thời, chúng tôi cũng nhận được thông cáo báo chí của một số vị dân cử có ý kiến về vấn đề này.
Hòa Thượng Thích Viên Lý, chủ tịch Tăng Ðoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại, viện chủ chùa Ðiều Ngự, Westminster
“Phán quyết của PCA rất đúng, giúp ngăn chặn chính sách bành trướng của Trung Quốc, đồng thời bảo vệ được lãnh hải cho các nước trong khu vực. Mong rằng Việt Nam học Philippines, chỉ có vậy mới giải quyết được mọi chuyện trong hòa bình, không cần phải mua thêm vũ khí, đầu tư quốc phòng.”
“Cho dù phán quyết không mang tính cưỡng hành, nhưng nó cho mọi người thấy cái sai của Trung Quốc, để có hành động sáng suốt hơn.”
Linh Mục Mai Khải Hoàn, thành viên Hội Ðồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ
“Tôi rất đồng ý với phán quyết của PCA, rất hợp lý và công bằng. Trung Quốc không thể tự vẽ ‘đường chín đoạn’ như là một sự áp đặt, vì đây là hình thức xâm lăng các nước khác.”
“Việt Nam nên kiện để nói tiếng nói của mình, đồng thời tranh đấu cho công lý, để cho cả thế giới thấy, hành động sai trái của Trung Quốc.”
Ông Bùi Diễm, cựu đại sứ VNCH tại Washington, DC
“Với phán quyết này, Trung Quốc muốn nói gì thì nói, đây là thất bại của họ trên trường quốc tế, bởi vì các quốc gia khác đều thừa nhận phán quyết này. Phán quyết của PCA cũng là cơ bản để về sau Việt Nam có thể đòi lại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời, để ngư dân Việt Nam có thể tiếp tục sinh sống nghề biển trong ‘đường lưỡi bò.’ Chỉ có chính quyền Việt Nam là còn vẫn ngập ngừng, bởi vì sợ ‘há miệng mắc quai.’”
“Tuy nhiên, để tận dụng phán quyết của PCA không phải dễ vì nội tình ASEAN vẫn còn rắc rối. Ví dụ, Cambodia thì bị Trung Quốc mua chuộc, còn tổng thống mới của Philippines chỉ trích Mỹ can thiệp vào Trung Ðông, rồi còn định hợp tác với Bắc Kinh nữa. Còn Malaysia và Indonesia thì cứng rắn hơn nhiều. Ví dụ, Indonesia dám bắt tàu cá Trung Quốc, thậm chí còn bắn chìm nữa, và mới đây gia tăng hiện diện quân sự tại đảo Natuna, gần ‘đường lưỡi bò.’”
Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez, đồng chủ tịch Nhóm Congressional Caucus on Vietnam, thành viên cao cấp Ủy Ban Quân Sự Hạ Viện, và thành viên Ủy Ban Nội An Hạ Viện
“Tôi hoan nghênh phán quyết của PCA, tuyên bố Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào để tuyên bố chủ quyền trong khu vực Biển Ðông. Ðây là một thắng lợi quan trọng cho người dân Philippines cũng như người dân Việt Nam mà chủ quyền lãnh thổ của họ đã bị liên tục đe dọa khi Trung Quốc hung hăng xâm lấn các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”
“Thiệt hại về môi trường và mối quan tâm về an ninh toàn cầu dính liền với nhau tại Biển Ðông. Khi xây các đảo nhân tạo bằng cách bồi đắp hàng tấn cát sỏi lên bãi san hô mỏng manh, Trung Quốc đã gây thiệt hại nặng nề đến các bãi san hô quý giá này và làm giảm lượng cá trong một vùng sống nhờ vào hải sản hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Trung Quốc đã tiếp tục phát triển và quân sự hóa vùng đất trong vùng Biển Ðông đe dọa an ninh và ổn định khu vực, có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy nặng nề cho đời sống kinh tế và ổn định chính trị đối với nhiều quốc gia trong vùng.
“Với phán quyết này, tôi kêu gọi Trung Quốc hãy tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền lãnh thổ của Philippines, Việt Nam, và các quốc gia ASEAN nói chung. Trung Quốc có trách nhiệm làm giảm căng thẳng mà họ đã gây ra trong vùng. Pháp luật phải được tuân thủ. Giải quyết các tranh chấp về biển một cách ôn hòa là mối quan tâm hàng đầu đối với các chính quyền và xã hội dân sự tại Philippines, Việt Nam và các nơi khác tại Châu Á.”
Giám Sát Viên Andrew Ðỗ, Ðịa Hạt 1, Orange County
“Ðây là một phán quyết xác nhận lại chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa căn cứ vào những chủ quyền được ghi nhận trên các tài liệu lịch sử. Ðây cũng được coi là một chiến thắng của người dân Việt Nam trong nước và đồng hương tại hải ngoại đã bền lòng trong việc chống lại âm mưu xâm lược lãnh thổ và lãnh hải của kẻ thù truyền kiếp Bắc Phương.”
“Chính quyền CSVN nên noi gương Philippines trong việc sử dụng quyền hạn pháp lý của mình, nhất là khi chính quyền VNCH trước đây cũng đã chính thức lên tiếng phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải miền Nam Việt Nam với Tòa Án Quốc Tế.”
Giáo Sư Lê Xuân Khoa
“Phải nói phán quyết của PCA là thắng lợi cho Philippines, nhưng là thắng lợi còn lớn hơn cho Việt Nam. Nói chung, cái ‘đường chín đoạn’ coi như vứt rồi! Kế đến, các bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý của Trung Quốc đều bị PCA bác bỏ.”
“Ngoài ‘đường lưỡi bò,’ Philippines chỉ có tranh chấp về bãi cạn Scarborough, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Còn Việt Nam, ngoài ‘đường lưỡi bò’ có tranh chấp nhiều hơn, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ðáng lý Việt Nam phải kiện trước mới đúng, nhưng qua phán quyết của PCA, thì Việt Nam mừng thầm, không cần phải kiện nữa, để từ đây, có thể mặc cả với Trung Quốc, đặt vấn đề là Bắc Kinh phải tuân thủ, giải quyết sòng phẳng.”
“Riêng về Trường Sa, có thể có một số người không đồng ý với tôi, nhưng thật sự ngày nay, không thể chỉ có giải quyết giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà còn có các nước liên quan tuyên bố chủ quyền, như Ðài Loan, Philippines, Malaysia, và Brunei. Cho nên, Trường Sa phải được giải quyết đa phương, phải có sự ủng hộ của ASEAN.”
“Trở lại với phán quyết của PCA, Việt Nam phải xác định kiên quyết hơn. Trong khi dân chúng Philippines hò reo, chưa thấy dân Việt Nam làm điều này, mặc dù có một số trường hợp, nhưng vẫn còn dè dặt.”
Giáo Sư Phạm Cao Dương
“Ai cũng thấy, đây là thắng lợi chung cho các nước Ðông Nam Á có tranh chấp ở Biển Ðông, trong đó có Việt Nam. Ðây là thắng lợi đầu tiên, nhưng liệu Việt Nam và các nước khác có thừa thắng xông lên không, vì đây mới chỉ là vấn đề pháp lý thôi, rồi còn Hoàng Sa, Trường Sa, và các đảo bồi đắp, tôi nghĩ vấn đề vẫn còn đó. Riêng đối với Việt Nam thì ‘há miệng mắc quai.’ Không làm thì không được, mà làm thì bị kẹt công hàm Phạm Văn Ðồng, cùng một số văn bản khác nữa, và có khi còn lòi ra nhiều thứ khác.”
“Cho đến nay, Trung Quốc đã chiếm được một số đảo, ví dụ như Hoàng Sa và một số ở Trường Sa, có các cơ sở quân sự, liệu họ có ‘tiến’ nữa hay không, chưa ai biết. Trong chiến đấu có từng giai đoạn, bây giờ là thắng bước đầu, còn những bước kế tiếp khó đoán được.”
Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, điều phối viên Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam
“Cũng giống như đa số người Việt Nam, tôi rất vui khi thấy PCA đưa ra phán quyết, vì mình thấy công lý được thực hiện. Việt Nam có phản ứng với sự nô nức của người dân, nhưng quan trọng hơn, là phải có phản ứng của chính quyền Việt Nam.”
“Tôi nghĩ, không những đối với Việt Nam và Philippines, mà phán quyết này còn tạo tiền lệ tốt cho các quốc gia trong khu vực, và tôi hy vọng Việt Nam cũng làm như vậy (kiện). Luật quốc tế hầu hết không có giá trị cưỡng hành, vì quốc gia là chủ thể cao nhất. Tuy nhiên, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ phải hành động sao đó cho phù hợp vì là cường quốc, phải tuân thủ luật quốc tế.”
13-07-2016
No comments:
Post a Comment