Phạm Trần (Danlambao) - Tổng thống Hoa kỳ Barack Obama sẽ thăm chính thức Việt Nam từ 22 đến 25 tháng 05 (2016). Nhưng Việt Nam sẽ được gì và Mỹ sẽ mất gì nếu đảng Cộng sản Việt Nam cứ bám cổ Trung Quốc mà đu dây?
Hai nghi vấn này phải do Lãnh đạo Việt Nam quyết định vì Việt Nam sẽ có lợi hơn Mỹ nếu những người cầm quyền ở Việt Nam biết nhìn ra lối đi nào có lợi cho đất nước trước bối cảnh họ bị Bắc Kinh bao vây và kìm kẹp mỗi ngày một chặt chẽ hơn.
Yếu tố lịch sử
Trước hết nói về lịch sử thì ông Obama là vị Tổng thống Mỹ thứ ba thăm Việt Nam, kể từ khi hai nước bình thường quan hệ ngoại giao năm 1995 dưới thời Tổng thống Dân chủ Bill Clinton.
Ông Clinton cũng là người quyết định bỏ cấm vận Việt Nam để Hà Nội có thể nối kết mậu dịch với Thế giới theo chủ trương “đổi mới” năm 1986, dưới thời Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh.
Tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam lần đầu vào tháng 11 năm 2000, 25 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Sau đó, ông còn trở lại Việt Nam lần thứ hai vào tháng 12/2006 với tư cách chủ tịch Quỹ Bill Clinton trong chuyến thăm các nước châu Á nhằm vận động hợp tác cho kế hoạch phòng chống HIV/AIDS.
Sau khi mãn nhiệm 8 năm làm Tổng thống ngày 20 tháng 1 năm 2001, ông Bill Clinton còn thăm Việt Nam thêm 3 lần nữa vào các năm 2010, 2014 và 2015 để đánh dấu 20 năm quan hệ ngoại giao giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội.
Vợ ông Clinton, nguyên Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đã thăm chính thức Việt Nam một số lần. Bà chắc chắn sẽ đại diện cho đảng Dân chủ để tranh chức Tổng thống với đối thủ Tỷ phú Donal Trump của đảng Cộng Hòa vào tháng 11/2016.
Nếu đắc cử, Bà Clinton sẽ là vị nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ và cũng là người hiểu nhiều và biết rộng về đất nước và con người Việt Nam.
Về phía Cộng Hòa, Tổng thống George W. Bush cũng đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17 đến 20 tháng 11 năm 2006 khi ông đến Hà Nội dự Hội nghị thượng đỉnh APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation).
Như vậy, đối với các nhà lãnh đạo Mỹ thời hậu chiến Việt Nam thì Việt Nam vẫn chưa bị lãng quên nhờ có vị trí chiến lược đường biển và đất liền quan trọng trong tuyến phòng thủ an ninh ở Biển Đông và miền Nam Trung Quốc.
Vậy chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống mãn nhiệm Obama có gì đáng quan tâm không?
Trước hết, Tòa Bạch Ốc nói: “The President will first visit Vietnam, where he will hold official meetings with Vietnam's leadership to discuss ways for the U.S.-Vietnam Comprehensive Partnership to advance cooperation across a wide range of areas, including economic, people-to-people, security, human rights, and global and regional issues.”
(Tạm dịch: “Trước hết Tổng thống sẽ thăm Việt Nam và sẽ có các buổi họp và thảo luận với các Nhà Lãnh đạo Việt Nam về đường hướng thúc đẩy Hợp tác Toàn diện sâu rộng hơn trong nhiều lĩnh vực, kể cả kinh tế, quan hệ nhân dân, an ninh, nhân quyền, và các vấn đề quan tâm của khu vực và Thế giới.” )
Tòa Bạch Ốc cũng cho biết thêm: “In Hanoi, the President will deliver a speech on U.S.-Vietnam relations. During meetings and events in Hanoi and Ho Chi Minh City, the President will discuss the importance of approving the Trans-Pacific Partnership this year. The President also will meet with members of civil society, the Young Southeast Asian Leadership Initiative, entrepreneurs, and the business community.”
(Tạm dịch: “Trong thời gian ở Hà Nội, Tổng thống sẽ đọc một Diễn văn nói về mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Và trong các cuộc họp ở Hà Nội và tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng thống sẽ thảo luận về tầm quan trọng của việc cần thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) trong năm nay. Tổng thống cũng sẽ gặp các thành viên của Tổ chức Dân sự, Sáng kiến về Những Nhà Lãnh đạo trẻ Á Châu, các Doanh nhân và Cộng đồng thương mại.”)
Quốc hội Việt Nam dự trù sẽ biểu quyết chấp thuận TPP trong phiên họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV, dự trù khai mạc vào tháng 7/2016. Tuy nhiên lịch thảo luận TPP của Quốc hội Mỹ tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là khi nào thì phe đa số kiểm soát Hạ viện hay Thượng viện Mỹ muốn thảo luận. Việc này cũng phải chờ sau kết quả bầu cử Mỹ tháng 11, bao gồm cả Tổng thống, 30 Nghị sỹ và tất cả 435 Dân biểu Hạ viện.
Viễn ảnh đưa TPP ra trước Quốc Hội Mỹ còn mập mờ hơn vì cả hai ứng cử viên Tổng thống Dân chủ Hillary Clinton và Donald Trump của Cộng Hòa đều không hài lòng với nội dung đã được Hoa Kỳ đồng ý với 11 nước thành viên. Cả hai đều ngỏ ý “phải xem xét”, nếu đắc cử Tổng thống vì TPP không có lợi cho công nhân Mỹ.
Nhân quyền
Trong buổi họp báo sáng 10/5 (2016) tại Hà Nội, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel cho báo chí biết hai bên cũng sẽ “nỗ lực giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại (giúp Việt Nam tháo gỡ bom mìn, tìm quân nhân mất tích và tẩy rửa chất độc da cam v.v…) và tiếp tục thảo luận, mở rộng hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền, cải cách pháp luật.”
Báo chí Việt Nam thuật lời Ông Russel nói rằng: “Phía Mỹ nhận thức rõ Việt Nam là thành tố quan trọng trong nỗ lực tái cân bằng của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tổng thống Obama sẽ thảo luận cùng các nhà lãnh đạo Việt Nam để tìm giải pháp ứng phó với hàng loạt thách thức trong khu vực và toàn cầu, xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế và nguyên tắc chung, giảm bớt căng thẳng trên Biển Đông.”
Như vậy rõ ràng ông Obama sẽ rất bận rộn với một chương trình làm việc dầy đặc từ Hà Nội và Sài Gòn tập trung chính vào 4 lĩnh vực: Hợp tác kinh tế; Nhân quyền; Biển Đông và sửa đổi Luật pháp của Việt Nam cho phù hợp với các tiêu chuẩn và yêu cầu của TPP.
Trong TPP, chuyện phía Việt Nam đang băn khoăn là làm sao có thể dung hòa việc thực thi quyền tổ chức nghiệp đoàn lao động độc lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam của chính phủ; quyền đình công và ngăn cấm nhà nước không được bắt người và giam cầm tùy tiện.
Trong lĩnh vực nhân quyền, chính phủ Obama tuy nhìn nhận đã có những tiến bộ của phía Việt Nam trong mấy năm qua, song nhìn chung vẫn còn nhiều vấn đề Hoa Kỳ quan tâm và mong Việt Nam làm tốt hơn.
Về những điểm Mỹ chưa hài lòng thì đã được viết trong Báo cáo Nhân quyền năm 2015 của Bộ Ngoại giao Mỹ về Việt Nam: “Những vấn đề nổi bật nhất về quyền con người tại Việt Nam là sự hạn chế nghiêm ngặt của chính quyền đối với quyền chính trị của công dân, đặc biệt là quyền của công dân trong việc thay đổi chính quyền thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng; hạn chế quyền tự do của công dân bao gồm tự do hội họp, tự do lập hội và tự do ngôn luận; chưa có sự bảo vệ đầy đủ đối với các quyền về quy trình tố tụng hợp pháp của công dân, bao gồm sự bảo vệ chống bắt giam tùy tiện.”
Báo cáo viết tiếp: “Những vi phạm quyền con người khác bao gồm việc tước đoạt sinh mạng tùy tiện và trái luật; công an tấn công và dùng nhục hình; bắt giữ người và giam cầm tùy tiện do các hoạt động chính trị; công an tiếp tục ngược đãi nghi can trong quá trình bắt giữ và tạm giam, kể cả việc sử dụng vũ lực làm chết người, cũng như các điều kiện khắc khổ của trại giam, và từ chối quyền được xét xử nhanh chóng và công bằng. Chính quyền hạn chế các quyền tự do ngôn luận và trấn áp những người bất đồng quan điểm; thực hiện kiểm soát và kiểm duyệt báo chí; hạn chế quyền tự do sử dụng Internet và tự do tôn giáo; duy trì việc theo dõi chặt chẽ thường xuyên các nhà hoạt động; và tiếp tục hạn chế quyền riêng tư và quyền tự do hội họp, tự do lập hội, và tự do đi lại. Chính quyền tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký của các tổ chức phi chính phủ (NGO), trong đó có các tổ chức nhân quyền. Nhà chức trách hạn chế sự thăm viếng của các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền vốn không đồng tình với sự giám sát của chính quyền.”
Vũ khí - biển đông
Phía Việt Nam tất nhiên không hài lòng với kết luận về tình trạng nhân quyền của Việt Nam nên luôn luôn nêu ra lý do nhân quyền phải “phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam” để biện hộ cho hành động đàn áp và hạn chế các quyền tự do công dân. Việt Nam cũng luôn luôn bác bỏ cáo buộc đang giam giữ không xét xử và trái pháp luật khoảng 400 người đấu tranh dân chủ, nhân quyền và tự do mà Tây phương gọi là “tù nhân chính trị”.
Phía Hà Nội chưa bao giờ nhận có giữ các tù nhân chính trị mà chỉ bắt giam những người vi phạm luật pháp Việt Nam, tiêu biểu như Kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, Blogger Nguyễn Hữu Vinh tự Ba Sàm, Luật sư Nguyễn Văn Đài và Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, phụ tá của Ba Sàm v.v…
Vậy tại sao Mỹ lại liên kết những tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam với việc bán vũ khí sát thương cho Hà Nội?
Bởi vì Quốc hội Mỹ là nơi giữ tay hòm chìa khóa của việc bán buôn này. Nhiều Nghị sỹ và Dân biểu, tiêu biểu chư Chủ tịch Ủy ban Quân viện của Thượng viện là Nghị sỹ John McCain, cựu tù binh ở Hỏa Lò, Hà Nội đã công khai đòi Hành Pháp Mỹ phải chứng minh Việt Nam tôn trọng nhân quyền và phải có những tiến bộ cụ thể thì ông mới chấp thuận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Phía Việt Nam, trong một số cuộc họp cao cấp với Mỹ, tiêu biểu như cuộc họp tại Hà Nội giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter (Mỹ) và Đại tướng Phùng Quanh Thanh hồi tháng 6/2015, ông Thanh đã yêu cầu Mỹ tháo gỡ lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam vì nhu cầu tân trang cho quân đội.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Carter ngày 01/06/2015, ông Thanh nói, qua lời người Thông dịch, rằng: "Việc tháo bỏ toàn diện lệnh cấm bán vũ khí nằm trong phạm vi quyền lợi chung của hai quốc gia. Tôi nghĩ rằng quyết định này không nên ràng buộc với vấn đề nhân quyền."
(“Speaking during a news conference after the meeting with Carter, Thanh said through an interpreter that the full removal of the weapons sales restrictions would be “in line with the interests of both countries. And I think we should not attach that decision to the human rights issue.”, AP, 06/01/2015)
Xung quanh tin đồn Tổng thống Obama có thể công bố quyết định bán vũ khí sát thương cho Việt Nam khi ông đến Hà Nội, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel khẳng định tại Hà Nội ngày 10/5 (2016) rằng Hoa Kỳ “chưa có quyết định như vậy”.
Tuy nhiên ông cũng lưu ý các nhà báo: “Chúng ta cần nhớ rằng, năm 2014, Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, giúp Việt Nam tiếp cận các vũ khí phục vụ khả năng phòng vệ và tăng cường bảo vệ bờ biển. Nó là nhu cầu chính đáng của Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền. Việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm cho thấy mối quan hệ chiến lược về an ninh và quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ đang ngày càng lớn mạnh”.
Sở dĩ có tin Tổng thống Obama có thể sẽ công bố quyết định bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vì Bộ trưởng Quốc Phòng Ash Carter đã xác nhận ông ủng hộ việc này.
Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Quân viện của Thượng viện Mỹ ngày 28/04/2016, Chủ tịch Ủy ban, Nghị sỹ John McCain hỏi ông Carter: "Liệu ông có gỡ bỏ những giới hạn về vũ khí đối với người Việt Nam?"
(SASC chairman John McCain: “You would support lifting restrictions on provision of weapons to the Vietnamese?”)
Bộ trưởng Carter đáp: "Chúng ta đã thảo luận chuyện này trước đây, và tôi trân trọng sự lãnh đạo của Ngài Chủ tịch về vấn đề này, tôi tán thành."
(Carter’s response: “We’ve discussed this in the past, and I appreciate your leadership in that regard, Chairman, and yes.”) (theo mạng báo Breaking Defense, 28/04/2016)
Theo ông Russel, tình hình Biển Đông không chỉ là mối quan tâm của các nước có tranh chấp chủ quyền mà còn là vấn đề lớn của cả thế giới.
Vấn đề vũ khí Mỹ có thể sớm vào Việt Nam đã được đặt ra từ khi Trung Quốc gia tăng ngân sách Quốc phòng lên 7,6% chi tiêu quân sự so với năm 2015, hay lên tới 146 tỷ USD. Đồng thời Bắc Kinh cũng xây dựng sân bay và các căn cứ quân sự, bến cảng nước sâu cho tầu chiến sử dụng tại Hoàng Sa và tại vùng 7 bãi đá chiếm được của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988.
Trung Hoa cũng đang đe dọa an ninh đối với Phi Luật Tân ở hai khu vực Bãi Cỏ Mây (Ayungin Reef khoảng 120 hải lý cách bờ biển Philippines trong khi cách bờ biển Trung Quốc hơn 800 hải lý), và Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) trong cùng khu vực được Trung Hoa khoanh vùng trong hình Lưỡi Bò, hay còn gọi là đường 9 đoạn. Phi Luật Tân đã kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế và vụ kiện sẽ được xét xử trong thời gian gần.
Mỹ và biển đông
Vì sự hiện diện quân sự phi pháp của Trung Hoa ở Biển Đông mà Hoa Kỳ, dưới quyền Tổng thống Obama, đã xoay trục quân sự từ Châu Âu và Trung Đông về Á Châu-Thái Bình Dương từ năm 2010.
Do đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel mới nói tại Hà Nội hôm 10/5 (2016): "Phía Mỹ nhận thức rõ Việt Nam là thành tố quan trọng trong nỗ lực tái cân bằng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương."
Ông Ruissel nói với báo chí ở Hà Nội rằng nhiều nước bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm việc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa các thực thể Bắc Kinh chiếm đóng.
Ông nói: "Hai ngày trước, tôi có mặt tại Lào cùng các phái đoàn cấp cao các nước để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Hầu như các bên đều bày tỏ quan ngại về Biển Đông. Các quan chức cấp cao cho rằng các bên cần tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền của mỗi nước theo luật".
Ông nói thêm: "Mỹ không đứng về bên nào trong tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông mà thiên về luật pháp quốc tế. Là quốc gia hùng mạnh, Mỹ đảm bảo thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không ở mọi khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép. Tuy nhiên, Washington sẽ không thỏa mãn nếu các nước nhỏ không được hưởng các quyền như Mỹ." (theo Zing.VN, 10-05-2016)
Nhà ngoại giao Mỹ còn vui vẻ và tự tin nói thêm rằng: "Nếu Hải quân Mỹ, lực lượng hùng mạnh nhất thế giới, không đảm bảo được các quyền này, những nước yếu hơn khó có thể hiện thực nó. Nếu chiến hạm Mỹ không thực hiện được việc đảm bảo các quyền lợi chính đáng, tàu hàng và tàu cá khó có thể đi qua mà không bị lực lượng hùng mạnh khác ngăn cản". (Zing.VN, 10-05-2016)
Như vậy, khi Tổng thống Obama đến Hà Nội thăm Việt Nam với tư cách một Nhà Lãnh đạo cường quốc hàng đầu Thế giới thì hẳn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Lãnh đạo nhà nước Việt Nam phải suy nghĩ xem họ muốn đưa đất nước về đâu.
Những người này không thể chỉ biết nhìn xa 5 năm hay 10 năm mà họ phải thấy tương lai đất nước dài hơn, nếu muốn thoát Trung mà vẫn bảo vệ được quyền lợi Tổ quốc, chủ quyền và vẹn toàn lãnh thổ.-/-
(05/016)
No comments:
Post a Comment