Thursday, May 12, 2016

Giới trẻ và các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường sống

Chân Như, phóng viên RFA 2016-05-11  
cover.jpg
Hình ảnh biểu tình vì môi trường vào ngày 8 tháng 5 vừa qua.

Vào chủ nhật vừa qua, ngày 8 tháng 5 năm 2016, người dân của 2 miền Nam Bắc đã tiếp tục xuống đường biểu tình một cách ôn hòa để kêu gọi chính quyền Việt Nam phải có câu trả lời cho người dân về việc hàng loạt cá chết tại các tỉnh miền Trung. Khác với lần trước, cuộc biểu tình lần này đã có những đàn áp và bắt bớ ở cả hai miền.
Chân Như: Xin chào các bạn, Lâm Duy, Quang, Hoàng Thành và Từ Anh Tú. Chân Như được biết tất cả các bạn đều tham dự cuộc xuống đường tuần hành ôn hoà vào chủ nhật vừa rồiTrước hết xin hỏi 2 bạn trong miền Nam đó là bạn Lâm Duy và Quang, các bạn đã xuất phát từ điểm nào và bạn chứng kiến những gì. Mời Lâm Duy trước tiên.
Lâm Duy: Tôi tới khu vực biểu tình là công viên kế bên nhà thờ Đức Bà vào lúc 8:30. Tất cả bãi gởi xe trong khu vực đều bị đóng cửa. Đúng 9 giờ cuộc biểu tình diễn ra, họ cầm những biểu ngữ và dương cao lên. Lực lượng thanh niên xung phong mặc áo xanh lá cây và một số người là trật tự đô thị và công an đứng đó chỉ đạo rằng không để cho đoàn người đi tiếp tục.
Người biểu tình theo ước tính của tới khoảng 500 người. Trong số đó có một số nghệ sĩ tên tuổi như thành viên trong nhóm nhạc rock Microwave, anh đã đánh guitar cho các bạn hát theo.
Em thấy số lượng thanh niên xung phong, số lượng mật vụ công an chìm ở xung quanh khu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có thể là cũng xấp xỉ ngang bằng người đi biểu tình chứ không ít hơn.
- Quang, TP.HCM
Đi được không xa tới chân tượng Đức Mẹ Maria, công an bắt một cách ngẫu nhiên những người biểu tình lên xe bus và di chuyển những xe bus đó đi về phía theo tôi được biết là sân vận động Hoa Lư để tập kết ở đó. Một điều tôi thấy rất là xúc động là khi những xe bus chở những người biểu tình chạy trên đường Lê Duẩn, thì những người dân hai bên đường vỗ tay hoan nghênh vì ý chí của người biểu tình và để cổ võ tinh thần cho họ. Một số người còn giơ biểu tượng chào 3 ngón tay, thể hiện sự tôn trọng, đây là biểu tượng trong phim The Hunger Games, tôi thấy đây là một chi tiết rất hay và xúc động.
Chân Như: Cám ơn chia sẻ của Duy, còn bạn Quang đã có mặt trong đoàn biểu tình từ khi nào?
Quang: Nhóm của em là nhóm tự phát bao gồm những người bạn chơi với nhau, rất yêu môi trường cũng như hết sức bất bình trước sự im lặng của chính quyền. Tụi em không bị kích động bởi bất cứ nhóm nào mà do tự phát tuần hành ôn hòa. Tụi em xuất phát rất sớm 7:30 đã đi bộ dần dần ở Sài Gòn và hẹn nhau ở Bưu Điện. Đến 9 giờ kém 10 tập trung ra gần phía nhà thờ Đức Bà hướng về phía công viên.
Đúng như bạn Duy nói một nhóm đã ngồi trong công viên và cầm những biểu ngữ với những lời lẽ “chúng tôi cần biển, chúng tôi cần cá, chúng tôi không cần thép”. Mọi người ca hát nhưng đã bị cô lập và em thấy số lượng thanh niên xung phong, số lượng mật vụ công an chìm ở xung quanh khu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có thể là cũng xấp xỉ ngang bằng người đi biểu tình chứ không ít hơn. Tất cả các tuyến đường Pauster, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du, Đồng Khởi đều bị chặn bằng rào thép kẽm gai. Tuy bị cô lập nhưng đoàn người cũng rất ý chí và đã vượt qua được những rào chắn đi được một đoạn tới trước trường Hòa Bình bên hông tượng đài Đức Mẹ Maria thì lại bị cô lập. Họ đã cho tầm 5-6 chiếc xe chắn ngang và song song dồn những người biểu tình vào sát tường và từ đó họ dùng hơi cay, vũ lực để bắt những người biểu tình ôn hòa đó lên xe buýt.
Tuy bị bắt nhưng khi đi ngang các tuyến đường em thấy những người trong xe rất ôn hòa họ kéo màn, vẫy tay chào những người dưới đường, và những người dưới đường đáp lại tinh thần đó cũng bằng cách vỗ tay hoan hô. Những người đi coi bên ngoài rất bức xúc, rất buồn. Hôm nay là ngày Chủ nhật buồn. Thật sự là tất cả những người biểu tình vừa tự hào với những người bị bắt lên xe nhưng rất buồn, thậm chí là muốn phát khóc luôn.
Chân Như: Xin cám ơn 2 bạn trong Nam. Trở ra Hà Nội, trước hết, Hoàng Thành có thể cho quý thính giả nghe đài biết cuộc biểu tình của nhóm Thành đã bắt đầu từ khi nào hay không và chuyện gì đã diễn ra?
Hoàng Thành: Như cuộc hẹn 9 giờ có mặt ở Nhà hát lớn nhưng khi đến địa điểm thì có một số rào chắn cộng thêm những biển ghi “chống tụ tập ở nơi đây”, bên đường đã có những cuộc biểu tình nhỏ. Ngay lúc đó an ninh mật vụ có những xe phường họ bắt nguội những số lẻ giơ biểu ngữ “Còn biển còn dân” hoặc “Tôi muốn chọn cá sống”. Lúc đó tình thế rất hỗn loạn.
Khi tụi em quyết định đi cùng các nhóm nhỏ để hướng tới bờ hồ thì trên đường, những người ở đằng sau bắt đầu bị ngăn cách và họ bắt những người đeo máy ảnh và chuyên quay video. Khi dòng người bắt đầu đông lên, đi khoảng tầm 100 mét thì những người (em nghĩ họ là an ninh) chỉ đeo băng bảo vệ và chặn hai đầu để cho nhóm người không đi được thêm. Lúc đó nhóm người đã ngồi lại để tọa kháng. Khoảng tầm 5 phút, họ bắt đầu dồn lại và đuổi những người không liên quan khỏi nhóm người tọa kháng và đưa những người tọa kháng lên xe buýt và em có ở trong đó. Nhóm của em bị đưa thẳng lên số 6 Nguyễn Trãi, Hà Đông khoảng tầm 10 giờ kém 30. Bắt đầu tầm 5 giờ chiều thì mọi người đã được thả ra dần cứ cách nhau khoảng tầm 10 phút và em là người ra cuối cùng.
bieutinhvaienphapVN.jpg
Một bạn sinh viên cầm bên cạnh biểu ngữ là một quyển sổ tay hiến pháp Việt Nam năm 2013.
Chân Như: Từ Anh Tú lúc đó đang ở đâu?
Từ Anh Tú: Khoảng 9 giờ em và một người bạn đã đến cửa Nhà hát lớn. Thực ra, trước khi đến đấy, trên đoạn đường em đi ngay từ đầu thành phố Hà Nội em đã thấy rất nhiều công an và khi đến nơi thì lực lượng công an rất hùng hậu. Sau khi đến nhà hát lớn, họ ngăn cản không cho đến thì mọi người rủ nhau ra bờ Hồ Gươm, định đi tuần hành về tượng đài Lý Thái Tổ. Khi gần đến tượng đài công an bắt đầu nhảy xuống và đàn áp, đa số mặc thường phục và đeo băng đỏ. Sau khi họ đàn áp và bắt những người đi biểu tình thì em và một số anh em trong câu lạc bộ Hoàng Sa có ngồi lại với nhau và tính đi đòi người. Trong lúc đang ngồi thì bị công an tiếp tục lao vào quán café và bắt một người trong nhóm em. Lúc đó vào facebook và được biết họ đem người sang bên công an quận Long Biên và Hà Đông. Do tụi em ở gần Long Biên nên quyết định anh em rủ nhau sang Long Biên để kêu gọi nhau đến đòi người.
Chân Như: Xin cám ơn các bạn, tại Hà Nội thì cũng có đàn áp nhưng chắc chắn rằng không mạnh và bạo lực bằng tại TP. HCM, vậy thì trước hết xin hỏi bạn Quang, có mặt tại đó thì bạn nhận xét sao về cách hành xử của những nhân viên an ninh trong cuộc tuần hành ôn hoà này và đặc biệt là hình ảnh một người mẹ không quản ngại che chở cho con gái của mình khi chị bị an ninh đánh và đạp vào mặt đang được lan truyền khắp trên internet?
Quang: Trước hết là em rất tội cho dân mình vì dân đóng thuế để trả lương cho những người này và em cũng không biết những người này họ nhận lương mỗi tháng là bao nhiêu để làm công việc này. Em nghĩ bản thân họ nếu có lương tâm, có lòng tự trọng họ thì nên từ bỏ công việc này. Em cũng mong rằng người thân của những người hiện tại đang làm việc này cũng khuyến khích họ từ bỏ việc đàn áp bởi vì cá và muối sẽ đến trong bếp của từng nhà chúng ta, nó sẽ không chừa ai hết. Chúng ta hưởng một bầu trời chung, hít một không khí chung, không ai là ngoại lệ hết. Rất phẫn nộ!
Chân Như: Nhận xét của Lâm Duy về hình ảnh này?
Lâm Duy: Tất nhiên đó là những hình ảnh buồn. Nhiều khi mình kêu gọi lương tâm của những người đã đàn áp những người biểu tình hôm nay có lẽ hơi phí lời. Tuy nhiên, mình đã chứng kiến một bạn sinh viên cầm bên cạnh biểu ngữ là một quyển sổ tay hiến pháp Việt Nam năm 2013, và thậm chí, bạn ấy còn nói cho những người an ninh hay những nhân viên của công ty cổ phần thanh niên xung phong về những quy định của hiến pháp về quyền biểu tình; về trách nhiệm bảo vệ môi trường của mỗi công dân được quy định trong hiến pháp về quyền tự do ngôn luận, tự do cá nhân; không ai bị bắt nếu không có lệnh của tòa án hoặc phạm tội quả tang... Tuy nhiên, những người đứng gần đó họ hoàn toàn không quan tâm, việc của họ là làm những điều được bảo.
Mình muốn nói một ý, có thể ngày hôm nay họ bắt vài trăm người nhưng những người không bị bắt còn đông hơn như vậy. Những câu chuyện về cuộc biểu tình hôm nay sẽ được những người chưa bị bắt kể lại cho bạn bè và người thân của họ. Và những câu chuyện đó không thể bị bắt giữ bởi những chiếc xe bus hay những đồn công an. Mình nghĩ từ những câu chuyện có thật như thế, người ta sẽ tự trang bị hiểu biết về kiến thức luật pháp, về lương tâm, trách nhiệm đối với cuộc sống, môi trường và đất nước của họ.
Chân Như: Còn Hoàng Thành, nhận xét của bạn khi xem thấy những tấm hình ấy?
Hoàng Thành: Về phía họ, em thấy hành xử của họ rất tệ và họ không dựa theo luật pháp, đó là một hành động vô nhân tính. Còn về phía em, khi xem thì có lòng thương tâm, không thể ngăn cản cảm xúc của mình. Em không trực tiếp chứng kiến nhưng nó đã mang lại cho em niềm cảm xúc nào đó để mình càng quyết tâm hơn trong những vấn đề đấu tranh, về lý lẽ và những điều đúng đắn nhất. Bên cạnh đó, em còn mong rằng những người bị nạn như họ, chẳng hạn như đã bị công quyền đàn áp, đánh đập, có niềm tin nhất định để không bị lay chuyển trong tình huống xấu nhất và mong họ tự hào với hành động của họ.
Em cũng chứng kiến được cảnh cũng tương tự ở Hà Nội: họ cũng đánh đập những phụ nữ bế trẻ con.
- Từ Anh Tú, Hà Nội
Từ Anh Tú: Mặc dù không có mặt tại đó nhưng em cũng chứng kiến được cảnh cũng tương tự ở Hà Nội: họ cũng đánh đập những phụ nữ bế trẻ con. Em thấy hành động đàn áp thì không thể dùng từ nào để diễn tả hết được. Nói chung, nó thể hiện một sự côn đồ và không có chút tình người. Em nghĩ đây không phải là hành động của một con người bình thường.
Chân Như: Theo các bạn, nếu cuộc biểu tình này tiếp tục leo thang vào các tuần kế tiếp, thì các bạn sẽ vẫn tiếp tục ngọn lửa này không? Và làm cách nào để chúng ta lôi cuốn thêm nhiều các bạn trẻ khác cùng nhau tham gia xuống đường để nói lên nguyện vọng của mình?
Quang: Em khẳng định với anh, em và những người bạn của em sẽ tiếp tục cho đến khi nào nhà cầm quyền có những lời giải thích thỏa đáng về sự ô nhiễm môi trường như hiện nay. Làm thế nào để khuyến khích bạn bè xuống đường với mình thì hiện tại bây giờ sử dụng facebook để nói lên cảm nghĩ, suy nghĩ của mình. Dần dần em tin mọi người thông qua những hình ảnh, những clip họ đã được xem, thấy, đọc được từ báo chí về tác hại của môi trường, họ sẽ thấy tâm tư cảm tình của mình trong đó thì em nghĩ sớm hay muộn họ sẽ thức tỉnh và xuống đường thôi.
Lâm Duy: Có một câu nói mà mình rất tâm đắc tức là khi thời khắc chúng ta ngừng bảo vệ lẫn nhau thì đó chính là lúc chúng ta đánh mất đi nhân tính. Mình không nghĩ biểu tình là cách duy nhất để chúng ta có thể nói lên suy nghĩ của mình trước những tình trạng về thực phẩm, về ô nhiễm, về tính minh bạch của chính quyền. Mình có thể sử dụng nhiều cách khác, như sử dụng mạng xã hội facebook, sử dụng lời truyền miệng của mình cho người khác và bằng cách chia sẻ những thông tin một cách chính xác và khách quan. Có những người họ thay đổi bản thân họ hoặc họ thay đổi nhận thức của người khác thì đó cũng là cách có thể đóng góp vào việc thay đổi một vấn đề, không nhất thiết phải xuống đường biểu tình.
Hoàng Thành: Em nghĩ rằng có, chắc chắn sẽ còn tiếp tục bởi vì sự việc vẫn đang tồn tại và tiếp diễn thì ngay bản thân em cũng như nhiều người khác nữa sẽ đến tận cùng của câu chuyện vì những chuyện này ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của toàn dân mà cụ thể là em.
Từ Anh Tú: Chắc chắn anh em câu lạc bộ Hoàng Sa của em sẽ vẫn còn tham gia dù có thể sẽ có người này hay người kia bị bắt, nhưng những anh em còn lại sẽ tham gia cho đến lúc thành công vì vấn đề Formosa không đơn giản chỉ là cá chết ở miền Trung mà còn tác động lâu dài đến toàn bộ đất nước Việt Nam này.
Chân Như: Xin cám ơn tất cả các bạn đã dành thời gian để đến với chương trình, cũng như cám ơn những gì các bạn đã và đang làm cho đất nước Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/YouthForum/viet-youth-peaceful-protest-cn-05112016122320.html/051116-ddbt.mp3

No comments:

Post a Comment