Thursday, May 12, 2016

Một mất một còn ở Biển Ðông?

Theo Người Việt-12-05-2016 3:54:09 PM 
Lê Phan (theo South China Morning Post)

Ðó là lý luận của một bài phân tích trên tờ South China Morning Post bàn luận về giai đoạn hậu phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Luật Biển.

Căng thẳng đã bùng lên ở vùng Tây Thái Bình Dương chỉ vài tuần trước khi tòa Trọng Tài đưa ra phán quyết về những tranh giành chủ quyền trên vùng biển mà Việt Nam gọi là Biển Ðông, thế giới nay gọi là Biển Nam Trung Hoa, Philippines gọi là Biển Tây.

Bắc Kinh giành chủ quyền qua cái gọi là con đường chín đoạn hay là đường lưỡi bò trên hầu hết vùng biển này, bất chấp sự hiện diện và sinh hoạt của những quốc gia ven duyên. Sự giành chủ quyền này đã đặt Trung Cộng trong thế đối đầu với bốn quốc gia láng giềng và Ðài Loan. Thực ra cũng phải thêm là trong vấn đề Biển Ðông, Ðài Loan thường hỗ trợ cho Bắc Kinh. Philippines đã nộp đơn kiện tại tòa Trọng Tài. Như một nhà ngoại giao Philippines giải thích cho tờ Sydney Morning Herald, “Ðối với Philippines, vụ kiện này sẽ minh định cái gì là của chúng tôi, đặc biệt quyền đánh cá, quyền cho các tài nguyên và quyền áp đặt luật lệ bên trong khu vực đặc quyền kinh tế của chúng tôi. Ðối với cộng đồng thế giới, sự minh bạch về quyền lợi hải dương sẽ bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định và tự do hải hành ở Biển Nam Trung Hoa.”

Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc cho mỗi quốc gia chủ quyền toàn vẹn trong khu vực 12 hải lý tức là khu vực được gọi là “biển nhà.” Luật cũng cho mỗi quốc gia có được một khu vực đặc quyền khai thác kinh tế 220 hải lý dọc theo bờ biển. Trong trường hợp hai quốc gia láng giềng mà khu vực đặc quyền kinh tế chồng lấn vào nhau, hai quốc gia phải đi đến một thỏa thuận về chia sẻ quyền khai thác. Họ có thể đưa nhau ra trước tòa Trọng Tài để phân xử về sự trùng hợp này. Nhưng không có điều khoản nào của Luật Biển cho phép Trung Cộng, mà lãnh thổ thực sự duy nhất nằm ở cách quần đảo Trường Sa hơn 900 hải lý. Và đó chính là lý do tại sao Trung Cộng cấp tốc xây dựng những đảo nhân tạo từ những bãi hay đá chỉ nổi vào lúc thủy triều xuống là một cố gắng để tạo chủ quyền quanh những đảo nhân tạo này. Có điều theo Luật Biển chỉ những hòn đảo có người ở và được cai trị lâu năm bởi một quốc gia thì mới có thể coi đó là một phần của lãnh thổ để đòi chủ quyền.
Vả lại Bắc Kinh đã từ chối tham dự vụ xử trước tòa và nói là sẽ không chấp nhận phán quyết vốn được chờ đợi sẽ được đưa ra trong khoảng tháng 6 này.

Hiện quả không có một giải thích độc nhất nào cho việc tại sao Trung Cộng nay coi việc khẳng định chủ quyền trên Biển Ðông là vô cùng quan trọng. Phải chăng kiểm soát những bãi đá nhỏ xíu như là một phần để kiểm soát tài nguyên mà người ta nghĩ là nằm dưới đáy biển gồm khoáng sản, dầu và khí, chưa kể nguồn tài nguyên hải sản vô giá của vùng biển này. Hay đó là một phần của cảm tưởng ngày càng gia tăng của Trung Cộng về an ninh, đòi hỏi một vùng trái độn cũng như chế ngự hải lộ đi vào vùng bờ biển của họ hay là bảo đảm những hải lộ khỏi chuỗi đảo phòng thủ thứ nhất của Hoa Kỳ để vào Thái Bình Dương. Nó cũng có thể là muốn rửa những mối nhục lịch sử cái thời khi mà một Trung Hoa yếu thế đã phải chấp nhận bị Tây phương và Nhật Bản chế ngự. Và sau cùng, nó cũng là về việc trở thành một cường quốc ít nhất ngang hàng với Hoa Kỳ: một mục tiêu mà các lãnh tụ Trung Cộng thường chưa dám nói ra, nhưng nay ngày cành lộ rõ trong các cuộc tranh luận công khai ở Hoa Lục.

Washington, nói là không can thiệp và không đứng vào với phe nào trong vấn đề tranh giành lãnh thổ, tuy vậy vẫn cương quyết duy trì quyền tự do hải hành trên toàn hải lộ này, và Tổng Thống Barack Obama đã nói là Trung Cộng sẽ phải trả giá nếu họ đi ngược lại với những luật lệ quốc tế.

Trung Cộng mấy ngày gần đây đã lớn tiếng tuyên bố là hơn một tá quốc gia ở Á Châu, Âu Châu và Phi Châu đã ủng hộ một phần nào lập luận của Bắc Kinh rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ chỉ có thể giải quyết giữa các quốc gia trực tiếp liên hệ, không có sự can thiệp của những kẻ không có tranh chấp lãnh thổ. Ðứng đầu danh sách của những quốc gia này, theo Bắc Kinh, là Nga, Ấn Ðộ, Ba Lan, Sudan, Pakistan, Belarus và ngay cả Brunei, một trong bốn quốc gia tranh giành chủ quyền với họ. Bộ Ngoại Giao Trung Cộng, qua lời của viên chức phụ trách biên giới và hải vụ, tuyên bố hôm tuần rồi là vụ kiện ở tòa trọng tài là “trò hề chính trị dưới vỏ bọc pháp lý.” Hơn thế ông này còn bảo là tòa đã làm cho tư cách công tâm của tòa đã bị đặt câu hỏi vì tòa đồng ý cứu xét vụ này, mặc cho có sự chống đối của Trung Cộng.

Báo chí nhà nước đã gọi vụ kiện này là một mưu kế do Hoa Kỳ chỉ đạo nhằm thúc đẩy tinh thần bài Trung Quốc và bao vây Trung Quốc. Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng Sản, viết trong một bài bình luận hôm cuối tuần trước “Những vấn đề Biển Ðông chỉ là một cái cớ để Hoa Kỳ nhúng tay vào những vấn đề vùng và quấy động căng thẳng trong cố gắng cô lập Trung Quốc.”

Không rõ Trung Cộng sẽ phản ứng ra sao trước một phán quyết, nhưng một phán quyết thuận lợi sẽ là một đòn nặng cho chính nghĩa của Trung Cộng khi họ vẫn bảo là họ là một thành viên đứng đắn và tôn trọng pháp luật của cộng đồng quốc tế. Nó cũng làm cho những tranh giành chủ quyền của Trung Cộng trở thành thiếu căn bản hơn và đưa ra một tiền lệ cho các quốc gia láng giềng đang tranh giành chủ quyền.

Tiến Sĩ Bonnie Glaser của Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế ở Washington nói là những cố gắng hiện nay của Trung Cộng để tìm ủng hộ ngoại giao chắc khó thành công, ngay cả nếu Bắc Kinh sử dụng kinh tế “cây gậy và củ cà rốt”. Bà Glaser nói, “Bài học là quyền lợi của Trung Quốc không quan trọng hơn quyền lợi của các quốc gia khác. Sức mạnh không làm cho người ta có quyền. Không thể giành bạn bằng cách đe dọa.”

Mặc dầu Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN) đã cố tìm cách hòa giải, vấn đề này đều có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến họ. Cùng với Philippines, các thành viên của hiệp hội là Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng có những tranh chấp chủ quyền với Trung Cộng, chưa kể vụ đụng độ giữa Indonesia và ngư dân Trung Cộng ở quần đảo Natuna. Trong một tuyên bố đưa ra tháng rồi, Bắc Kinh nói họ đã đạt được thỏa thuận với Cambodia, Brunei và Lào rằng tranh chấp phải được giải quyết qua điều đình giữa các phe phái liên hệ, và nó phải không ảnh hưởng đến liên hệ giữa Trung Quốc và ASEAN. Nhưng phát ngôn nhân chính phủ Cambodia là Phay Siphan đã được tờ Phnom Penh Post nói là không có thỏa thuận mới nào đạt được cả, chỉ là một vụ thăm viếng ngoại giao bình thường.

Tờ South China Morning Post, dẫn lời một vị giáo sư ở Viện Ðại Học Nhân Dân ở Bắc Kinh, khuyến cáo là đừng nói quá về những ủng hộ này vì “ảnh hưởng của họ khá giới hạn và rõ ràng họ đã đánh đổi sự chấp nhận vì lợi ích kinh tế.”

Một số các nhà ngoại giao ASEAN đã lên án cố gắng của Trung Cộng tìm cách chia rẽ ASEAN. Tiến Sĩ Daniel Wei Boon Chua của Viện Ðại Học Nanyang ở Singapore, khuyến cáo về hậu quả của một khối ASEAN chia rẽ “Một khi ASEAN không đồng ý về Biển Ðông, chúng ta có thể chờ đợi... những quốc gia giành chủ quyền sẽ tấn công lẫn nhau.”

South China Morning Post nhận định là ngay cả đến các cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Cộng cũng khuyến cáo đừng quá lạc quan, ghi nhận là hầu hết những đồng minh của Bắc kinh “không hẳn ủng hộ chủ quyền và quyền lãnh thổ của Trung Quốc một cách hoàn toàn ở Biển Hoa Nam.” Giáo Sư Thời Ân Hoằng, một chuyên gia về bang giao quốc tế, nói là biện minh của Trung Cộng cho chủ quyền, nằm trong cái gọi là bằng cớ lịch sử, không được các quốc gia láng giềng ủng hộ, khiến cho Bắc Kinh khó mà có được thêm ủng hộ quốc tế. Ông nói, “Không chối cãi được là chúng ta sẽ đơn thương độc mã trong cuộc chiến tại Biển Hoa Nam. Liên hệ với các nước láng giềng là quan trọng, nhưng chúng ta đã ý thức được là không có sức mạnh quân sự, chúng ta sẽ không thắng nổi cuộc chiến này ở Biển Hoa Nam. Ðó là lý do ngày càng có nhiều dấu hiệu là giới lãnh đạo hiện nay có vẻ đã đặt ưu tiên cho việc tăng cường quyền lực mạnh (vũ lực) trong ba năm qua và khó có thể lùi bước trước áp lực gia tăng của quốc tế.”

Giáo Sư Chua của Singapore thì bảo là phán quyết của tòa trọng tài sẽ đặc biệt quan trọng cho những quốc gia nhỏ như Singapore vốn cảm thấy an toàn hơn khi luật lệ được tôn trọng bởi các cường quốc. Nhưng ông cũng thêm “thật là điên cuồng khi nghĩ là phán quyết của tòa tự nó sẽ giúp đem lại một sự giải quyết tranh chấp. Có triển vọng là phán quyết sẽ không làm Trung Quốc giảm tốc độ xây dựng đảo tí nào cả.”

Cả Giáo Sư Glaser lẫn Giáo Sư Jerome Cohen, chuyên gia về luật Trung Cộng của Viện Ðại Học New York, đều nói là sự bác bỏ của Trung Cộng về một hệ thống dựa trên luật lệ sẽ làm cho họ trông như là một kẻ bắt nạt đối với thế giới. Nhắc đến những lời tấn công của Bắc Kinh vào tòa trọng tài, ông Cohen bảo, “Những cố gắng như vậy dĩ nhiên chỉ làm hại thêm cho cố gắng có được sức mạnh mềm (soft power) mà Trung Cộng theo đuổi lâu nay.”

Các chuyên gia quân sự Trung Cộng được tờ Post dẫn lời nói là Bắc Kinh chắc sẽ trả đũa với phán quyết bằng cách gia tốc việc xây dựng trên bãi Scarborough, vốn chỉ nằm có 230km cách bờ biển Philippines. Bắc Kinh cũng có thể tuyên bố vùng Nhận Diện Phòng Không ở Biển Ðông, như họ đã làm ở Biển Hoa Ðông trong một việc leo thang tranh chấp với Nhật Bản về chuỗi đảo Senkaku/Ðiếu ngư.

Giáo Sư Thời thì nói là tranh chấp giữa Trung Quốc và Hoa kỳ cùng các đồng minh trong vùng sẽ trở thành chuyện bình thường ở vùng Á Châu-Thái Bình Dương. Ông nói, “Căng thẳng sẽ leo thang bởi, đối với các lãnh tụ Trung Quốc, mục tiêu tối hậu là làm cho quân đội của họ mạnh đủ để từ chối Hoa Kỳ quyền tự do hải hành và từ từ đuổi các quốc gia tranh giành khác ra khỏi Biển Nam Trung Hoa.”


No comments:

Post a Comment