Thursday, May 12, 2016

Vì sao công an Sài Gòn thường đàn áp người biểu tình mạnh tay hơn?



Nhiều người ngạc nhiên tại sao trong cuộc biểu tình bảo vệ môi trường và phản đối cách xử lý chậm chạp, không minh bạch trước thảm họa cá chết, biển “chết” của nhà cầm quyền ngày 8.5 vừa qua, lực lượng công an các loại của SG cư xử với người biểu tình mạnh tay hơn công an ở Hà Nội, họ lao vào đánh, đấm, đạp đến đổ máu bất cứ ai, không từ cả phụ nữ, trẻ em.

Nhưng thật ra nhiều người quên rằng từ trước đến giờ các cuộc biểu tình ở SG luôn luôn bị đàn áp dữ dội hơn ở Hà Nội. Thường trong lần đầu tiên bao giờ biểu tình ở SG cũng rất khí thế, người đi rất đông, đông hơn Hà Nội, nhưng chỉ được một, cùng lắm là hai lần, là bị ngăn chặn, dập tắt ngay lập tức, trong lúc ở Hà Nội nhà cầm quyền vẫn có thể nới tay và các cuộc biểu tình vẫn có thể lai rai diễn ra.

Điều này xuất phát từ trong tâm thế, cách nhìn, chính sách, chiến lược của nhà cầm quyền đối với vị trí của mỗi thành phố cũng như đối với người dân hai thành phố.

Đối với nhà cầm quyền, dân SG (và cả miền Nam) vẫn là “con ghẻ”, là công dân hạng hai, không phải là “con ruột” như dân Hà Nội (và miền Bắc). Thành phố này “phức tạp” hơn hiểu theo nghĩa ngoài thành phần con em của chế độ cũ, con em của người Việt ở hải ngoại (mà phần lớn trong số đó ra đi ngay sau ngày 30.4.1975), thì cái ý thức bám vào bộ máy nhà nước cũng ít. Khác với ngoài Bắc và Hà Nội, đa phần vẫn dính vào một cơ quan, cục, vụ…nào đó của nhà nước, số người ở SG làm việc cho các công ty tư nhân, làm ngoài luồng, nghệ sĩ tự do khá nhiều, nên cũng ít bị phụ thuộc vào cơ chế, sổ lương hưu hơn và do đó khó kiểm soát hơn.

Trong chiến lược, chính sách phát triển của nhà nước cộng sản, họ luôn luôn chỉ muốn phát triển SG về mặt kinh tế là chính, còn đầu tư về văn hóa, chính trị là cho Hà Nội. Chỉ có những người làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở SG mới thấm hiểu cái chiến lược ngầm này; cũng như có một thực tế là dưới chế độ cộng sản, qua các đời lãnh đạo khác nhau nhưng luôn luôn kìm giữ cho SG về mặt chính trị, văn hóa “bảo hoàng” hơn Hà Nội. Còn sự phóng khoáng, tự do trong đời sống xã hội hay tư tưởng là do từ tính khí, bản chất của người SG chứ không phải do chiến lược của lãnh đạo.

Trong cách đối xử với mọi phong trào dân sự xã hội hay người bất đồng chính kiến, công an SG đã nhiều lần tỏ ra "khát máu” hơn công an Hà Nội. Có vẻ như nhà cầm quyền vẫn e ngại rằng các phong trào dân sự, biểu tình vốn là “truyền thống” của giới trí thức, sinh viên học sinh SG từ thời chế độ cũ, mà chính Việt Cộng là bậc thầy trong việc kích động, giựt dây, lợi dụng các phong trào này để phá hoại chế độ VNCH. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi bây giờ lúc nào chúng ta thấy họ cũng nhai đi nhai lại các luận điệu “biểu tình là do các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá nhà nước “ta”, chế độ “ta”…

Hiểu như thế để thấy rằng dù Lê Thanh Hải hay Đinh La Thăng hay bất cứ ai lên làm Bí thư thành phố SG thì từ chiến lược phát triển cho đến cách đối phó với người dân cũng sẽ không hy vọng có gì khác.

12-05-2016

Song Chi

(FB Song Chi)

No comments:

Post a Comment