Thursday, May 12, 2016

Chuyện 'truyền hình cưỡi chổi'

Nguyễn Hùng BBC Tiếng Việt 1 giờ trước 

Image copyrightGETTY
Image captionNguyễn Hùng nói cây chổi đáng lo ngại hơn là chiếc mà Đảng Cộng sản dùng để quét và che đậy thông tin
Họ gọi đó là "cây chổi ma thuật".
Chiếc chổi trong những thước phim quay cảnh người nông dân dùng nó quét rau cho rách để trông giống bị sâu ăn, một cách làm được cho là để khiến người tiêu dùng tin rau không bị phun thuốc sâu, tức rau sạch.
Chỉ có điều chiếc chổi đó do phóng viên VTV mang tới và những lời nói đó cũng do phóng viên yêu cầu nông dân nhập vai.
Cho tới nay biên tập viên Phạm Phương, tác giả của "cây chổi ma thuật", đã lên tiếng xin lỗi và cũng bị đình chỉ công tác.
Sau sự cố xảy ra với chương trình 'Điều ước thứ 7' và gần đây là vụ rắc rối bản quyền khiến kênh YouTube của VTV bị đóng cửa, đây là một sự cố lớn khác khiến niềm tin của người xem truyền hình vào VTV thêm lung lay.
Nhưng với cách tổ chức của VTV nói riêng và cách quản lý báo chí ở Việt Nam nói chung, câu nói hài hước "đừng để sự thật xen vào câu chuyện" lại đúng trong nhiều trường hợp.

Sinh mạng chính trị

Đơn cử trường hợp cuộc xuống đường của hàng ngàn người, đại diện cho nhiều tầng lớp khác nhau, ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 8/5.
Hàng ngàn người xuống đường là chuyện hiếm khi xảy ra.
Hàng trăm người bị bắt là chuyện bất thường.
Hàng chục người bị hành hung, nhiều khi bởi những người mặc thường phục, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân và hàng triệu người trên mạng xã hội.
Sự việc xảy ra với người Việt Nam tại trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.
Image copyrightHOANG MY UYEN
Image captionNhững hình ảnh người biểu tình bị hành hung vắng bóng trên truyền hình
Image copyrightOTHER
Image captionHàng ngàn người đã xuống đường hôm 8/5 ở thành phố Hồ Chí Minh
Image copyrightOTHER
Image captionNhiều người bị tấn công bằng tay chân và hơi cay
Nhưng nếu theo dõi truyền hình nhà nước, phương tiện truyền thông bao trùm cả xã hội và tới được với nhiều người nhất, chuyện đó chưa hề xảy ra.
Nếu có đưa tin, điều dễ xảy ra là một bản tin phỏng vấn những người dân "bức xúc" với những người biểu tình kiểu như Viet Vision đã đưa.
Để thấy tầm quan trọng của VTV, chỉ cần nhìn vào thực tế là người đứng đầu đài truyền hình quốc gia luôn phải là một ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản, một trong số vài trăm nhân vật quyền uy nhất Việt Nam.
Tại Việt Nam hiện nay, ngoài VTV, chỉ có Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân và Thông Tấn xã Việt Nam (chỉ vừa mới có lãnh đạo lọt vào Ban Chấp hành Trung ương năm nay) có lãnh đạo là ủy viên trung ương.
Như vậy có thể thấy các cơ quan ngôn luận đặc biệt này càng phải chịu sự chỉ đạo sát sao của Đảng Cộng sản.
Lãnh đạo các cơ quan này ngồi trong những cuộc họp quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương và tham gia bầu ra Tổng Bí thư cũng như các vị trí khác trong Bộ Chính trị.
Họ không chỉ có chức vụ nghề nghiệp mà còn có sinh mạng chính trị cần phải giữ.

Chổi nhỏ, chổi to

Những bê bối gần đây của VTV xảy ra trong bối cảnh tập đoàn truyền thông BBC, bản thân cũng gặp một số bê bối, phải chờ chính phủ gia hạn Hiến chương cho phép BBC thu mỗi năm 145 bảng của mỗi hộ gia đình xem truyền hình trực tiếp qua TV hay ứng dụng iPlayer của BBC.
Mặc dù chính phủ hiện thời của Anh bị tố cáo muốn can thiệp vào BBC nhưng cuối cùng sự độc lập tối đa của BBC vẫn được tôn trọng.
Bất chấp các đồn đoán trước đó về chuyện chính quyền sẽ có quyền bổ nhiệm đa số quan chức trong hội đồng điều hành BBC, điều này đã không xảy ra.
Theo tuyên bố của chính phủ Anh hôm 12/5, BBC được quyền bổ nhiệm đa số quan chức trong hội đồng điều hành và như vậy sẽ giữ toàn quyền quyết định nội dung.
Điều này thể hiện qua việc BBC công bố lời nói lỡ miệng của Nữ hoàng rằng quan chức Trung Quốc "thô lỗ" khi bỏ họp ra về và dọa hủy chuyến thăm của ông Tập Cận Bình hay phỏng vấn nhiều người chỉ trích Thủ tướng David Cameron trong vụ Hồ sơ Panama.
Báo chí chỉ có thể độc lập nếu họ không phụ thuộc tài chính vào chính quyền hoặc nếu phụ thuộc tài chính phải có cơ chế đảm bảo chính quyền không thể can thiệp vào công việc của cơ quan truyền thông.
Đối với BBC, chính quyền không đươc phép bổ nhiệm các vị trí chủ chốt trong tập đoàn, đảng đối lập Lao động luôn phản đối bất cứ sự can thiệp nào của chính quyền Bảo thủ hiện nay vào BBC và ngành tòa án độc lập với chính quyền luôn có khả năng bảo vệ tập đoàn truyền thông Anh nếu có tranh chấp giữa BBC và chính quyền.
Ở Việt Nam "chiếc chổi ma thuật", nếu suy nghĩ kỹ, không phải là điều gì lạ.
Nó vẫn luôn được những người quản lý truyền thông của Đảng dùng để quét các thông tin bất lợi cho họ vào một góc và phủ bạt kín mít.
Vậy nên nếu xử lý sự cố chổi nhỏ mà chổi to vẫn còn đó thì lòng tin của những khán giả thức thời vẫn luôn chỉ có giới hạn nếu họ thực sự có lòng tin.

No comments:

Post a Comment