Thursday, May 12, 2016

Quyền biểu tình và phản ứng ở VN

Theo BBC-8 giờ trước 

Biểu tình ở Việt NamImage copyrightOTHER
Image captionNhiều cuộc biểu tình, xuống đường của người dân Việt Nam diễn ra trong thời gian gần đây, trong lúc Quốc hội vẫn chưa thông qua dự luật biểu tình.
BBC và các khách mời thảo luận về biểu tình, chống biểu tình, quyền biểu tình cũng như luật biểu tình ở Việt Nam, nhân diễn biến gần đây của các vụ xuống đường và biểu tình trong cả nước của người dân sau thảm họa môi trường làm cá chết hàng loạt ở các tỉnh duyên hải trung bộ Việt Nam.
Các khách mời tham gia gồm có nhân chứng tham gia các cuộc tuần hành, xuống đường ở Hà Nội và Sài Gòn trong tuần lễ giữa 1-8/05/2016, nhà quan sát lập pháp, Quốc hội, nhà nghiên cứu xã hội dân sự và chính sách pháp luật.
Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ về biểu tình, quyền và luật biểu tình được phát trực tuyến trên kênh Youtube của chúng tôi từ lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam hôm 12/5, tại đây. Mời quý vị bấm vào đây để theo dõi.
Sau sự kiện cá chết hàng loạt từ đầu tháng Tư mà chính quyền đang tiếp tục điều tra nguyên nhân thảm họa, tại nhiều tỉnh thành, địa phương ở Việt Nam đã xuất hiện các cuộc xuống đường, biểu tình của người dân với các thông điệp phản đối gây ô nhiễm môi trường, yêu cầu nhà nước điều tra, truy tìm và xử lý trách nhiệm.
Một số cuộc xuống đường còn mang theo các khẩu hiệu, áp phích yêu cầu 'Biển sạch, chính quyền sạch', được cho là mở rộng từ bảo vệ môi trường sang địa hạt chính trị, xã hội khác.
Chính quyền đã có một số phản ứng, với các phiên họp của chính phủ trung ương, địa phương tìm hiểu nguyên nhân thảm họa môi trường, tìm phương án xử lý hậu quả v.v...
Tuy nhiên, nhiều cuộc xuống đường và tuần hành vẫn diễn ra và truyền thông mạng xã hội phản ánh đã có sự ra tay của chính quyền và các lực lượng gìn giữ trật tự chính thức và 'không chính thức', đặc biệt, một số cáo buộc từ các nhà vận động cho rằng chính quyền một số địa phương đã sử dụng các lực lượng không có 'chức năng, nhiệm vụ' phù hợp, trong việc 'đàn áp', cưỡng chế, giải tán các cuộc biểu tình.
Nhiều bloggers và giới hoạt động nhân quyền trong nước cho rằng nhà nước nên chấm dứt các hình thức 'đàn áp', 'trấn áp' biểu tình và quyền biểu tình của người dân dưới mọi hình thức và cho phép người dân được quyền thực hiện quyền được Hiến định trong Hiến pháp này với tư cách công dân, cũng như trên phương diện quyền con người.
Trên bình diện lập pháp, một dự luật về biểu tình vẫn chưa được Quốc hội Việt Nam thông qua, với Quốc hội khóa 13 ở các kỳ họp cuối cùng đã quyết định 'rời' việc thông qua một văn bản dự luật do Bộ Công an Việt Nam chuẩn bị, sang Quốc hội khóa sau.

Ranh giới mỏng manh

Biểu tìnhImage copyrightOTHER
Image captionRanh giới giữa luật biểu tình và chống biểu tình là 'rất mong manh', theo một Đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Nêu quan điểm về vấn đề quyền biểu tình và luật biểu tình, một Đại biểu Quốc hội của Việt Nam mới đây nói với BBC có "ranh giới mỏng manh" giữa quyền biểu tình và chống biểu tình.
Trước câu hỏi tại sao chưa ra được Luật Biểu tình mặc dù đã tranh luận khá nhiều, Đại biểu Dương Trung Quốc nói:
"Riêng những luật liên quan tới quyền tự do con người thì phải nói nó có ngay trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946 như quyền biểu tình, quyền lập hội, tự do ngôn luận...
"Nhưng có thể nói sau này việc xây dựng luật pháp chỉ hướng tới cái quản lý thôi.
"Lẽ ra là luật về quyền tự do báo chí thì tư duy xây dựng luật pháp của Việt Nam vẫn là luật quản lý báo chí, tôn giáo tín ngưỡng cũng thế và biểu tình thì cũng vậy.
"Cho nên tôi thấy đấy là lý do cho thấy là tất cả các bộ luật ấy dù có đưa ra nhưng nó vẫn bị chưa định hình rõ ràng. Nó là quyền tự do hay là quyền quản lý?
Dư luận xã hội thấy rất cần luật biểu tình. Thậm chí Chính phủ ủng hộ Luật Biểu tình, Thủ tướng cũng ủng hộ Luật Biểu tình nhưng mà vẫn chưa cho ra được luật này Dương Trung Quốc, Sử gia, Đại biểu Quốc hội
"Luật biểu tình thì phải nói là được đặt ra tương đối muộn và chúng ta thấy nhận thức về Luật Biểu tình rất khác nhau.
"Dư luận xã hội thấy rất cần luật biểu tình. Thậm chí Chính phủ ủng hộ Luật Biểu tình, Thủ tướng cũng ủng hộ Luật Biểu tình nhưng mà vẫn chưa cho ra được luật này.
"Bởi vì nó chấp chới ở chỗ Luật Biểu tình và chống biểu tình là nó có ranh giới rất là mỏng manh.
"Cho nên đây nó là yếu tố mà cơ chế làm luật như hiện nay mà do Chính phủ chỉnh thì phải nói là đôi khi thà không có luật còn hơn," ông Dương Trung Quốc nói với BBC.

Vì sao 'nặng tay'?

Chia sẻ với BBC Việt ngữ ngay trước thềm Hangout, phóng viên Soe Win Than từ ban BBC Burma (Miến Điện) so sánh về xử lý và đối phó biểu tình ở Việt Nam với cách thức của chính quyền quân sự của Myanmar nhiều năm về trước.
Image captionMột cuộc biểu tình trong vụ cá chết hàng loạt ở Hà Nội.
Ông nói: "Các chính quyền chưa chấp nhận dân chủ luôn quan ngại các cuộc biểu tình, phản đối của công chúng. Họ e rằng nếu đi quá giới hạn, thì sẽ thách thức quyền lực của chính quyền.
"Lý do các chính quyền nặng tay với nhân dân và người biểu tình, sử dụng các biện pháp trấn áp, đàn áp, đe dọa, thậm chí khủng bố, là như vậy và là do họ không tin, chưa dám tin vào nhân dân.
"Ngày nay, ở Myanmar, mặc dù còn chưa hoàn chỉnh, nhưng các cuộc biểu tình, bãi công, bãi thị, phản đối có thể diễn ra mà không có sự e ngại như trước, vì tôi tin rằng chính quyền đã dám tin vào nhân dân, đã biết tôn trọng nhân dân.
"Mặt khác, họ biết rằng khủng bố, đàn áp người dân, anh không thể thực hiện được đại trà, làm được hết, anh chỉ làm được điểm, mà nếu anh nặng tay quá, có thể để lại hậu quả rất khó lường cho tương lai.
"Tốt nhất là tôn trọng dân, lắng nghe dân và các cuộc biểu tình của sư sãi, sinh viên ở Myanmar ngày trước, bị khủng bố, đàn áp, trấn áp mạnh như thế, nhưng có ngăn nổi các phong trào và xu thế dân chủ, dân quyền và cải tổ ở đất nước của chúng tôi đâu," nhà báo Soe Win Than nói.
Quan sát tình hình các vụ biểu tình ở Việt Nam gần đây trong vụ cá chết hàng loạt, cũng như theo dõi phản ứng đối phó biểu tình của chính quyền Việt Nam, nhà báo Ngô Ngọc Văn, từ BBC Tiếng Trung và Thế giới vụ (World Service) nêu quan điểm:
"Tôi thấy chính quyền Việt Nam nên đi thẳng vào vấn đề, xem xét nguyên nhân, tìm hiểu thiệt hại, bàn bạc phương án bồi thường thiệt hại, xử lý môi trường, tổ chức đối thoại, lắng nghe dân chúng v.v... hơn là có các động thái mà tới nay bị cáo buộc là khá nặng tay với dân, với người biểu tình.
"Ở Trung Quốc, cảnh sát và quân đội hiện cũng đã ngại nặng tay với người dân, với người biểu tình, sau vụ đàn áp Thiên An Môn, ở phương diện cá nhân, nhiều viên chức bị hội chứng ám ảnh 'flash-back', sau khi tham ra các vụ ra tay ấy, còn với chính quyền, thì các chính phủ ngại bị cộng đồng quốc tế lên án, phê phán.
"Tôi cũng chưa rõ vì sao ngay trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama mà Việt Nam chọn cách này để đối phó với các phong trào dân sự? Cách thức mà sử dụng bạo lực có thể có vẻ ổn ngay hôm nay, tức thì với chính quyền, nhưng về lâu về dài, nó có thể gây phương hại, rủi ro rất lớn cho vị thế của các chính quyền, chính phủ lựa chọn những cách thức ấy," nhà báo Ngô Ngọc Văn nói với BBC Việt ngữ.

No comments:

Post a Comment