Sunday, February 9, 2014

Những bước đi cần thiết

“…Sự tỉnh ngộ, hối tiếc và cuối cùng là bỏ Đảng của những đảng viên, trí thức này chắc chắn là được dựa trên tấm lòng của họ đối với đất nước, nhân dân, và ở một mức độ nào đó, được dựa trên sự dũng cảm, chấp nhận hy sinh. Nhưng để xây dựng một quốc gia, tấm lòng là cần nhưng không đủ…”

Cuối cùng, những điều tất yếu phải xảy ra cũng đã xảy ra. Trên con đuờng tiến đến dân chủ, năm 2013 được đánh dấu bởi hàng loạt những chuyển biến đột phá bắt buộc phải có của nhiều nhà trí thưc có đầu óc cách tân ở Việt Nam. Không có những buớc tiến này, cuộc tranh đấu vì dân chủ sẽ không bao giờ mang lại kết quả đáng mong muốn. Các tiến triển năm 2013 đã hé mở cho thấy lực lượng dân chủ ở trong nước đang đạt tới một tầm vóc mới mang tính chất quyết định.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, sự sụp đổ của hệ thống Xã hội chủ nghĩa thế giới đã mang tới Việt Nam một làn sóng tỉnh ngộ của nhiều trí thức và cán bộ cộng sản. Nhưng nhìn chung, ngoài một số đòi hỏi cải cách ít nhiều mang tính triệt để của những Trần Độ, Trần Xuân Bách, Hà Sỹ Phu, ...tâm lý phổ biến của những trí thức cách tân vẫn là tha thiết tới chủ nghĩa cộng sản, gắn bó với Đảng; mong muốn của họ vẫn là xây dựng và đổi mới Đảng. Kể từ đó đến nay, đúng 20 năm đã trôi qua. Đó có lẽ là một thời gian quá dài cho sự trải nghiệm đau đớn và bẽ bàng để nhiều người nhận ra rằng Đảng và chế độ cộng sản Việt Nam là những thực thể không có khả năng cải tiến. Đoạn kết tất yếu của thất vọng là sự rũ áo ra đi. Một trong những sự kiến chấn động năm 2013 là phong trào tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản của nhiều cán bộ cộng sản có tiếng.
Sự tỉnh ngộ, hối tiếc và cuối cùng là bỏ Đảng của những đảng viên, trí thức này chắc chắn là được dựa trên tấm lòng của họ đối với đất nước, nhân dân, và ở một mức độ nào đó, được dựa trên sự dũng cảm, chấp nhận hy sinh. Nhưng để xây dựng một quốc gia, tấm lòng là cần nhưng không đủ. Đáng mừng là từ vài năm gần đây, và đặc biệt là trong năm 2013, nhiều nhà trí thức đã tiến những bước xa hơn, và trường hợp ông Lê Hiếu Đằng là một ví dụ điển hình. Từ những băn khoăn dằn vặt, kiến nghị xây dựng, phê phán gay gắt rồi rũ áo ra đi và cuối cùng là kêu gọi hay cổ xúy cho việc thành lập một đảng đối lập mang tên Dân chủ xã hội, ông Đằng và những đảng viên, trí thức như ông đã nhận ra rằng, để dành được dân chủ, đất nước bắt buộc phải có một thực thể chính trị công khai đối lập với Đảng cộng sản Việt Nam.
Cho đến hôm nay, sau cái chết của ông Đằng, sự hình thành một Đảng Dân chủ xã hội vẫn chỉ là một ý tưởng. Có lẽ nhiều trí thức Việt Nam và thân hữu của ông Đằng biết rõ rằng ngoài việc phải đối phó với sự đàn áp của chính quyền cộng sản, sự tạo lập và vận hành một tổ chức đối lập đứng đắn không bao giờ là một nước cờ đơn giản. Nhiều phân tích thời cuộc cho rằng, điều đáng mừng là sau lời kêu gọi tâm huyết của ông Đằng đã không có một ai vội vã ra tuyên bố thành lập Đảng Xã hội dân chủ Việt Nam để rồi phải học lại kinh nghiệm không mấy khích lệ từ vụ Đảng Dân chủ phục hoạt của cố giáo sư Hoàng Minh Chính. Có nhiều lý do để tin là nhiều trí thức dân chủ ở Việt Nam đã nhận ra tác dụng thực của những tổ chức mỏng manh, sơ sài, ra đời chỉ cốt lấy tiếng vang.
Tuy vậy, sự thận trọng không đồng nhất với hành động chần chừ, chờ đợi. Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ, và sự băng hoại xã hội cũng như nguy cơ mất nước khẩn thiết đòi hỏi Việt Nam phải đổi thay thể chế, trong đó, sự hình thành một hoặc vài tổ chức đối lập dân chủ là điều bắt buộc phải có. Chỉ khi có sức ép do hoạt động của các tổ chức đối lập, chính quyền cộng sản mới chấp nhận những buớc đi cải tổ hệ thống chính trị. Để đạt mục tiêu đó, có thể nhận thấy vào những tháng cuối năm 2013, nhiều nhà dân chủ Việt Nam đã vuợt thoát khỏi cái bóng của chính mình, chân nhận ra và bắt đầu những bước tiến cần thiết bắt buộc phải kinh qua.
Trong biến động dân chủ gần đây và hiện nay ở Việt Nam, người ta trông đợi nhiều vào nhóm 72 trí thức, còn được gọi là Nhóm 72, đã soạn thảo và công bố kiến nghị sửa đổi Hiến pháp vào dịp chính quyền Hà Nội lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Hiến pháp mới 2013. Cách đây 7-8 năm, khi được hỏi về mối liên hệ với một thanh niên đã bị chính quyền bắt giam vì đã đăng tải những bài viết đòi dân chủ và cảnh báo nguy cơ xâm lấn của Trung Quốc, một trí thức có tên tuổi từ lâu và hiện là một trong những linh hồn của Nhóm 72 đã trả lời: "Tôi khâm phục cậu ấy, nhưng tôi không liên hệ vì hành vi của cậu ta là hoạt động chính trị." Bản thân nhà trí thức này là tác giả của hàng loạt những bài lý luận phân tích thời cuộc, phê phán chế độ độc đảng và đòi thực thi dân chủ. Cách đây 7-8 năm, không nhận hành động trên của mình là hành vi chính trị, nhà trí thức này đã chỉ coi những bài viết, những buổi nói chuyện của mình là "góp ý ôn hoà để xây dựng đất nước".
Suy nghĩ và hành động trên đã là một hiện tượng hết sức phổ biến của nhiều trí thức Việt Nam có đầu óc cách tân. Nó là lý cớ cho kết luận của một chính trị gia tại Pháp: "Ở Việt Nam vẫn thiếu vắng một tầng lớp trí thức chính trị." Lý do quan trọng cho hiện tượng này là sự đàn áp tàn bạo và tinh vi của hệ thống an ninh chính trị Việt Nam, nhưng có lẽ, nguồn gốc quan trọng hơn lại nằm ở mối hy vọng và sự chờ đợi vào thiện chí của chính quyền. Mối kỳ vọng này kéo theo hàng loạt các cố gắng mềm mỏng nhưng kết cục hầu như là vô hiệu. Thực tế cho thấy những thỉnh nguyện hay yêu sách đã bị chặn đứng một cách phũ phàng trước một bên là bức tường thủ cựu ý thức hệ cộng sản và một bên là quyết tâm sắt đá bảo vệ lợi quyền của tầng lớp tư bản đỏ.
Ngày nay, nhiều chỉ dấu cho thấy, trong năm 2013, rất nhiều trí thức cách tân ở Việt Nam đã khẳng định được rằng, bị kẹp giữa hai thế lực hắc ám trên, hy vọng đổi thay quốc gia chỉ bằng lý luận, dù sắc bén đến đâu, hay chỉ bằng kiến nghị, dù tâm huyết đến đâu, chỉ là ảo tưởng. Để đưa đất nước tiến lên, trí thức Việt Nam đã biết mình bắt buộc phải mạnh mẽ hơn kể cả về nhận thức và hành động.
Nhiều người coi hiện tượng quan trọng nhất trong năm qua tại Việt Nam là các hoạt động của nhóm 72 trí thức. Ngay sau khi Quốc hội Việt Nam bỏ ra ngoài tai một cách tuyệt đối ý kiến của nhân dân và nhắm mắt thông qua bản Dự thảo Hiến pháp mới, lời tuyên bố ra ngày 29/11/2013: " Quốc hội khóa XIII đã thông qua một bản hiến pháp thể chế hoá cương lĩnh của Đảng cộng sản Việt Nam, coi thường nguyện vọng của đông đảo nhân dân muốn xây dựng một hiến pháp làm nền tảng cho một chế độ dân chủ với nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân và vì dân. Như vậy, Quốc hội khóa XIII đã tự chứng tỏ không đại diện cho nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc; hiến pháp này không thật sự là hiến pháp của nhân dân và người dân có thể sử dụng quyền bất tuân dân sự của mình" đã cho thấy một thái độ dứt khoát, một quyết tâm hành động ở mức cao hơn, hợp lý hơn của Nhóm 72. Các hoạt động "bất tuân dân sự" thoát ra khỏi vị thế "cầu xin" và tâm thức "mong Thánh Đế hồi tâm" chắc chắn sẽ mang lại những bước tiến tốt đẹp cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Năm 2013, khác với mấy năm trước, vị trí thức đã từng xa lánh những thanh niên "tham gia hoạt động chính trị" nay đã thường xuyên gặp gỡ giới trẻ xuống đường, đã thăm hỏi và động viên những tù nhân chính trị. Cùng với sự dũng cảm dấn thân "bất tuân dân sự", khi chính thức bắt tay với những sinh viên, thanh niên sôi sục đòi tự do, nhân quyền, những nhân vật trí thức như ông và bạn bè của ông hình như đã vượt qua được sự chờ đợi yếm thế để sẵn sàng đảm nhận vai trò chủ động tiên phong trong công cuộc tranh đấu vì một quốc gia dân chủ và thịnh vượng. Đó là con đường chính trị lương thiện và đầy vinh quang mà đất nước có quyền đòi hỏi những người trí thức yêu dân chủ phải đi qua. Tuy còn rất nhiều điều cần thiết lẽ ra đã phải làm, trong đó có việc bắt tay với những tổ chức dân chủ đứng đắn trong cũng như ngoài nước, nhưng với những hoạt động của nhiều nhân vật trong nhóm 72 trí thức vào mấy tháng gần đây, phong trào dân chủ Việt Nam đã bắt đầu đi những bước tiến bắt buộc phải trải qua. Năm 2013, vì vậy, đã mang lại cho người Việt rất nhiều hy vọng.
Berlin, 02/2014
Phạm Việt Vinh

No comments:

Post a Comment