GENEVA (NV) .- Sau khi Việt Nam thực hiện thủ tục kiểm điểm định kỳ về nhân quyền (UPR) tại Geneva, áp lực của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam về nhân quyền càng ngày càng mạnh mẽ.
Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ Ban Chấp Hành Thành Đoàn cùng với công an, đầu gấu, ngăn chặn một nhóm blogger phát Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân quyền cho công chúng ngày 8/12/2013 ở Sài Gòn. (Hình: Internet)
|
UN Watch – tổ chức giám sát hoạt động nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, vừa loan báo, vào ngày 25 tháng 2-2014 sắp tới, một số tổ chức quốc tế hoạt động cho nhân quyền toàn cầu sẽ hội họp ở Geneva để chính thức khuyến nghị cộng đồng quốc tế khai trừ Việt Nam khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vì chính quyền Việt Nam không bảo đảm các quyền tự do căn bản cho dân chúng tương xứng với tư cách thành viên của hội đồng này.
Khác với nhiều tổ chức quốc tế hoạt động cho nhân quyền toàn cầu, UN Watch hiếm khi chỉ trích Việt Nam về nhân quyền cho đến khi Việt Nam hành xử thô bạo với ông Phạm Chí Dũng, một nhà báo tự do và là khách mời của UN Watch.
Nhân dịp cộng đồng quốc tế thực hiện UPR với Việt Nam, UN Watch thông báo sẽ tổ chức một hội thảo về “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”, ở Geneve, đúng vào thời điểm cộng đồng quốc tế nghe Việt Nam trình bày Báo cáo về nhân quyền tại Việt Nam. Ông Dũng được UN Watch mời trình bày về “Vai trò của các NGO nhằm thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam”.
Sau khi UN Watch gửi thư mời cho ông Dũng, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã gửi công văn cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị hỗ trợ ông Dũng đến Geneve. Công văn này nhấn mạnh, một trong những yêu cầu chính đối với Việt Nam tại UPR lần này là sự có mặt của các tổ chức dân sự. Tuy nhiên ông Dũng vẫn không thể xuất cảnh, thậm chí còn bị tịch thu hộ chiếu.
Cũng vì vậy, UN Watch lên tiếng tố cáo Việt Nam ngang nhiên xâm hại nhân quyền. Đại diện cho tổ chức này kêu gọi Hội đồng Nhân quyền và Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lên tiếng.
Ngoài UN Watch, ngay sau UPR mà cộng đồng quốc tế thực hiện đối với Việt Nam, tổ chức Bảo vệ các nhà báo (CPJ), công bố danh sách các quốc gia hạn chế tự do báo chí mà CPJ gọi là “sự xói mòn sâu sắc về tự do trên internet”. Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia dẫn đầu về rủi ro đối với nhà báo trong năm 2013.
Theo CPJ, việc trấn áp các blogger tại Việt Nam đã gia tăng đáng ngại trong năm vừa qua. Cho đến nay, blogger blogger Điếu Cày - người được CPJ trao tặng giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2013 vẫn đang bị giam. Trong năm 2013, có 5 bloggers cộng tác thường xuyên với trang tin Dòng Chúa Cứu Thế cũng đã bị kết án tù. Ngoài ra còn có một số blogger như Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào đang bị tạm giam, hoặc bị đánh đập như Nguyễn Hoàng Vi, hoặc bị tống vào bệnh viện tâm thần như Lê Anh Hùng.
CPJ nhận định, do không có báo chí tư nhân, nên tại Việt Nam, Internet là nơi duy nhất để mọi người đưa ra chính kiến và nhà cầm quyền CSVN tìm mọi cách để dập tắt sự phê bình. Chẳng hạn như ban hành Nghị định 72, cấm người dùng Internet dẫn lại thông tin từ hệ thống truyền thông quốc tế. Hàng ngày, hàng giờ, mỗi blogger tại Việt Nam đang phải đối mặt với những đe dọa từ nhà cầm quyền.
Cũng sau buổi UPR thực hiện với Việt Nam, trả lời VOA, ông Benjamin Ismail, phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), khuyến nghị Việt Nam không nên lừa bịp và phớt lờ sự bận tâm của cộng đồng quốc tế về nhân quyền tại Việt Nam.
Ông Ismail cho rằng, thay vì cáo buộc những góp ý, đòi hỏi cải thiện về nhân quyền của cộng đồng quốc tế là “thù địch”, chế độ Hà Nội nên mời giới hoạt động cho nhân quyền quốc tế đến Việt Nam tìm hiểu thực trạng về nhân quyền tại Việt Nam và kêu gọi họ giúp đỡ để cải thiện nhân quyền.
No comments:
Post a Comment