Triển lãm quốc phòng và hàng không châu Á sẽ mở cửa tại Singapore vào ngày 11.2 tới. Trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Á gia tăng ngân sách quốc phòng, các hãng sản xuất vũ khí lớn trên thế giới cũng tranh thủ cơ hội kiếm tiền.
Quang cảnh một cuộc triển lãm quốc phòng và hàng không châu Á tại Singapore
- Ảnh : singaporeairshow.com
Đây là cuộc triển lãm hai năm tổ chức một lần, dự kiến kéo dài từ ngày 11 - 16/2, theo AFP ngày 9/2.
"Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi. Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục cung cấp những khí tài quân sự tân tiến nhất để đáp ứng nhu cầu an ninh và quốc phòng của khu vực", AFP dẫn lời ông David Perry, Phó chủ tịch hãng sản xuất vũ khí Mỹ Northrop Grumman.
Tại Singapore, Northrop Grumman sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm, trong đó có máy bay không người lái Triton dùng để thực hiện các sứ mạng do thám, tuần tra trên biển.
Hãng Lockheed Martin (Mỹ) cũng sẽ trưng bày các máy bay chống tàu ngầm, máy bay do thám và máy bay trinh sát.
Các hãng Boeing và Airbus sẽ trưng bày những loại máy bay dân sự tân tiến nhất của họ cùng các máy bay không người lái.
Đáng chú ý nhất là P-8A Poseidon, mẫu máy bay chống tàu ngầm hiện đại nhất thế giới, cũng sẽ xuất hiện tại triển lãm.
Các nhà phân tích quốc phòng cho AFP biết cán cân quân sự đang dần dần nghiêng về châu Á. Các quốc gia châu Á đang tăng cường sức mạng vũ trang song song với mức tăng trưởng kinh tế mạnh, cùng với căng thẳng leo thang do tranh chấp lãnh thổ.
Ông Craig Caffrey, nhà phân tích cao cấp thuộc Công ty phân tích và tư vấn ngành công nghiệp quốc phòng IHS Jane's (Mỹ), cho biết kể từ năm 2009 trở đi, chi tiêu quốc phòng ở châu Á - Thái Bình Dương không ngừng gia tăng.
Dự kiến có nhiều hợp đồng mua các máy bay dân sự và quân sự lớn sẽ được ký kết sau triển lãm với trị giá lên đến hàng tỉ USD, AFP dẫn lời các nhà tổ chức triển lãm.
Mới đây, Học viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, trụ sở ở Anh) hôm 5.2 công bố bản báo cáo thường niên Military Balance (Cán cân quân sự) cho thấy chi tiêu quốc phòng ở châu Á đạt 321,8 tỉ USD trong năm 2013, tăng 23% so với năm 2010 (261,7 tỉ USD), trong khi đó châu Âu giảm 2,5% trong cùng giai đoạn.
Theo IISS, việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc khiến các quốc gia châu Á cũng phải tăng cường ngân sách quốc phòng.
Phúc Duy
Sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc buộc các nước Châu Á chạy đua vũ trang (RFI, 09/02/2014)
Tàu ngầm và chiến hạm Trung Quốc tham gia cuộc thao diễn hải quân quốc tế ngày 24/04/2009 ngoài khơi Thanh Đảo, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc.
Việc Trung Quốc phát triển bộ máy quân sự buộc các nước láng giềng phải gia tăng chi phí quốc phòng. Nhận định này không phải là mới, nhưng vừa được các chuyên gia thuộc Học viện quốc tế nghiên cứu chiến lược - IISS, trụ sở tại Luân Đôn, Anh Quốc, khẳng định lại, trong báo cáo thường niên về cán cân quân sự 2014.
Tuy nhiên, trong tương lai, cho dù có tăng ngân sách quốc phòng lên bằng Hoa Kỳ, thì Trung Quốc còn phải mất thêm nhiều thập niên nữa mới có thể cạnh tranh được với sức mạnh quân sự của Mỹ.
Theo các chuyên gia IISS, với tốc độ tăng chi phí quân sự như trong những năm vừa qua, có thể vào cuối những 2030, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tương đương với Mỹ. Nhưng, ngay cả trong trường hợp này, sức mạnh quân sự, kinh nghiệm cũng như khả năng tác chiến xa lãnh thổ quốc gia của quân đội Trung Quốc vẫn kém xa Hoa Kỳ.
Trong năm 2013, chi phí quân sự của vùng Châu Á đã tăng 11,6% so với năm 2010, chủ yếu là do ngân sách quốc phòng của các nước trong khu vực Bắc Á. Riêng ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chiếm hơn một nửa trong tỷ lệ gia tăng nói trên. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hiện nay gấp ba lần của Ấn Độ và còn cao hơn cả tổng chi phí quân sự của Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Đài Loan gộp lại.
Ông John Chipman, Giám đốc IISS, nhận định, các chi phí quân sự này đã thúc đẩy mạnh thị trường vũ khí tại một vùng ẩn chứa nhiều nguy cơ xung đột do các đòi hỏi, tranh chấp lãnh thổ và từ lâu nay đã có nhiều điểm nóng. Châu Á-Thái Bình Dương không chỉ là vùng có khả năng phát triển nhanh, giữ một vị trí trung tâm trong nền kinh tế thế giới, mà còn là nơi tiếp tục gây lo ngại do nguy cơ xung đột và leo thang căng thẳng. Một trong những ví dụ cụ thể là quan hệ Trung-Nhật rơi xuống mức thấp nhất, kể từ một năm qua, do tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điều Ngư, ở biển Hoa Đông.
Về việc chạy đua vũ trang của Trung Quốc, ông Giri Rajendran, chuyên gia về quốc phòng và kinh tế, của IISS, thẩm định, trong giả thuyết Trung Quốc duy trì được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, thì chi phí quân sự của Bắc Kinh sẽ đuổi kịp ngân sách quốc phòng của Washington trong 20-25 năm nữa. Nhưng, "cho dù có đạt mức ngang bằng vào cuối những năm 2030, thì Trung Quốc vẫn còn mất thêm từ 2 đến 3 thập niên nữa mới có được sức mạnh quân sự tương xứng với Hoa Kỳ".
Ngân sách quân sự của Mỹ trong năm 2013 vẫn cao nhất thế giới, 600,4 tỷ đô la, theo sau là Trung Quốc với 112,2 tỷ, tiếp đó là Nga 68,2 tỷ. Nhật Bản đứng thứ 7, với 51 tỷ, Ấn Độ thứ 9 với 36,3 tỷ, Hàn Quốc thứ 11 với 31,8 tỷ.
Ông Christian Le Miere, chuyên gia về hải quân và an ninh hàng hải của IISS, nhấn mạnh : "Các xung đột lãnh thổ, nhất là các xung đột trên biển, đương nhiên là chất xúc tác thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang tại Châu Á".
Theo chuyên gia này, Hoa Kỳ vẫn là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới và nhìn chung, về khả năng triển khai lực lượng tác chiến ra bên ngoài lãnh thổ quốc gia, các cường quốc phương Tây vẫn giữ vị trí thống trị về sức mạnh quân sự, ít nhất là trong nhiều thập niên nữa.
Với một thái độ lạc quan hơn, ông Ben Barry, chuyên gia về chiến tranh trên bộ của IISS, cho rằng "không nên coi sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc là hoàn toàn tiêu cực", bởi vì nhờ vậy, quân đội Trung Quốc có thể đóng một vai trò ngày càng lớn trong các hoạt động của lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hiệp Quốc và hải quân Trung Quốc đã từng tham gia vào chiến dịch chống hải tặc ở Ấn Độ Dương.
Đức Tâm (RFI)
No comments:
Post a Comment