“…câu hỏi mà chúng ta đặt ra là: Họ sẽ trở về nước và tiếp tục hoạt động hay sẽ ở lại tị nạn tại nước ngoài? Một khi về nước được nếu may mắn nhà cầm quyền nhượng bộ một cách toàn diện và tạo điều kiện thì các nhân tố trên sẽ có đủ bản lãnh để không bị phân hóa và sử dụng bởi chính hệ thống muốn làm lũng đoạn xã hội dân sự. Đó là điều luôn xảy ra trong một thể chế độc tài toàn trị…”
Sau cuộc theo dõi cuộc tường thuật trực tiếp phiên Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ (UPR) cho Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ và các bình luận trên Facebook của các nhân vật cũng như các vị điều hành của các trang fanpage có thể thấy được vài điều sau :
1) Chế độ cộng sản Việt Nam đã bị dẫn vào sâu trong trận đánh nhân quyền với hơn bốn mươi nước đánh giá rất xấu về tình hình hiện nay tại Việt Nam. Qua những câu trả lời của các đại diện cho nhà cầm quyền, sự chuẩn bị rất "chuyên nghiệp" và bài bản về các vấn đề được chất vấn đã cho thấy sự trơ trẽn của những người phát biểu : Họ đại diện cho một "đường lối" mà nhà cầm quyền sẽ cố gắng lèo lái, ngụy biện và phủ nhận tất cả các đòi hỏi của quốc tế theo những cam kết nhân quyền mà họ đã ký.
2) Tạm thời đã hình thành một mặt trận trong và ngoài nước với những liên kết đẩy mạnh cho sự hình thành của xã hội dân sự. Những khuôn mặt trẻ quen thuộc của giới bloger Việt Nam xuất hiện và có dịp cọ sát với môi trường quốc tế, nâng cao kinh nghiệm hoạt động dân chủ và nhân quyền. Đây là một điểm rất đáng mừng và lạc quan? Sự đóng góp của giới trẻ có mặt tại Geneva này rất xứng đáng vì họ đã được thử thách và rèn luyện qua các cuộc biểu tình và qua các cuộc đối mặt với sự đàn áp của nhà cầm quyền và các trại tù tạm giam. Tuy nhiên câu hỏi mà chúng ta đặt ra là: Họ sẽ trở về nước và tiếp tục hoạt động hay sẽ ở lại tị nạn tại nước ngoài? Một khi về nước được nếu may mắn nhà cầm quyền nhượng bộ một cách toàn diện và tạo điều kiện thì các nhân tố trên sẽ có đủ bản lãnh để không bị phân hóa và sử dụng bởi chính hệ thống muốn làm lũng đoạn xã hội dân sự. Đó là điều luôn xảy ra trong một thể chế độc tài toàn trị khi màn kịch được thông đồng giữa nhà cầm quyền và những nhóm lợi ích đa quốc gia đang muốn nuốt chửng một đất nước hoàn toàn không thể tự bảo vệ được lãnh thổ và con người của mình.
3) Điều không thể chối cãi được là mỗi công dân Việt Nam đều chỉ có thể thấy đượcsự đau đớn và sỉ nhục qua sự thua kém của Việt Nam về rất nhiều mặt trên tinh thần và vật chất. Qua ngôn ngữ ngoại giao, tuy hầu hết các tuyên bố đều quá nhẹ lời cho một đất nước bịt miệng giới bất đồng, nhưng phải nhận ra sự sỉ nhục tập thể cho toàn bộ người Việt trong và ngoài nước.
Sỉ nhục vì gửi hy vọng vào sự phán xét của người nước ngoài: Sự thiếu trưởng thành của một dân tộc với di sản văn hóa vô cùng mâu thuẫn để thực hiện được niềm tin là sẽ có một giải pháp hòa giải giữa những người Việt cùng chung gốc gác với nhau và tự cắn răng giải quyết các vấn đề. Đã không có một trọng tài với những lợi ích và quan tâm cho dân tộc Việt Nam tại cuộc kiểm điểm Nhân Quyền này: Đây là điều cần nhận thấy và có nên vội mừng vì "thế giới đang lắng nghe Việt Nam"? Các nhân viên hành chánh chuyên môn về Nhân Quyền QUốc Tế chỉ quan tâm tới các giá trị phổ cập mà chính họ là người đề xướng và đại diện. Sức mạnh và sự chính đáng của các giá trị này sẽ luôn được đặt sau các thỏa thuận thực tiễn của sự tìm kiếm thị trường và nền kinh tế của đôi bên.
Đau đớn là gần bốn mươi năm qua vẫn chưa có một tổ chức đối lập có trọng lượng và đủ mạnh trong con mắt của những bạn trẻ sẵn sàng "xả thân" vì một tương lai "xã hội dân sự"- một tương lai không thể có khi còn tồn tại chế độ độc tài toàn trị tại Việt Nam. Đây là một quy luật quá hiển nhiên. Sự vô tư coi các hoạt động đối đầu nhà cầm quyền như một cuộc chơi nhẹ nhàng và không gây hậu quả của phần lớn các nhân vật "nổi như còm" trên không gian ảo với sự cục bộ của văn hóa làng xã đang đẩy cuộc vận động dân chủ vào sự bế tắc và không lối thoát. Sự phát triển của các nhóm cục bộ và tôn vinh sự "manh động" đơn giản hóa sự phán xét về những cố gắng nghiêm chỉnh của những tổ chức chính trị đã có sẵn kinh nghiệm hoặc một dự án chính trị với tinh thần "hòa giải dân tộc" là "quá cổ điển"- (họ muốn là người tự sáng tạo ra cái mới?) - quá "lý thuyết" và không "thực tế" (vì không có thông tin hoạt động theo bề nổi : Một thứ văn hóa của mạng Facebook - cái bẫy của chủ nghĩa vị kỷ!).
Sư toàn cầu hóa của các giá trị phổ cập có khả năng hiện đại hóa những tiềm thức đầy mâu thuẫn và đang tự biến dạng với cái thực tiễn của một hệ thống đạo lý không còn nền tảng và đã bị phá hoại một cách trầm trọng như Việt Nam?
Hoặc là sự bi quan của người viết bài này chỉ có một chức năng vô vọng cho một cuộc xét lại của mỗi cá nhân đang tự khoác cho mình một chiếc áo "nhà hoạt động dân chủ" với một hình ảnh tuyệt đẹp và thanh cao của "hoạt động xã hội dân sự" vô cùng trong sáng so với "các thủ đoạn chính trị"? Trong lúc chờ đợi khả năng này, bà con trong và ngoài nước sẽ luôn quyên góp để tự nuôi được cái ảo tưởng của cái bánh vẽ về những liên minh dân chủ sắp tới. "Kết quả là chúng ta đóng kịch, đeo mặt nạ và nói dối với nhau. Những con người như thế không thể xây dựng được với nhau một tổ chức lâu bền vì trong sinh hoạt chung cuối cùng con người thực bắt buộc phải xuất hiện".
Đoàn Trường Giang
No comments:
Post a Comment