Sunday, February 9, 2014

Từ ngữ, chính trị ở nước ta (Xích Tử)

Chủ nhật, 09 Tháng 2 2014 17:22

“…Người ta nói “dân chủ nhưng phải có kỷ cương”, “dân chủ nhưng phải có luật pháp”, làm như thể dân chủ đối lập với luật pháp, song khi cần đổi màu, người ta trích nguyên văn giáo trình ra rằng “dân chủ và nhà nước pháp quyền là anh em sinh đôi”….”

concacke01
Việt Minh tổ chức “Cách mạng tháng Tám” thành công, đặt tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cũng hơi lạ vì trật tự của các từ khi dịch sang tiếng nước ngoài; đúng ra là Cộng Hòa Việt Nam Dân Chủ. Tuy nhiên, cái lạ hơn là tại sao đã là Cộng Hòa rồi lại còn Dân Chủ; có nước cộng hòa nào hình thành theo trào lưu cách mạng dân chủ trên thế giới từ thế kỷ XVIII mà phi dân chủ đâu?
Vậy nhưng chưa đủ, tên nước còn thêm 3 tiêu ngữ “Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc” cho giống với “Tự Do – Bình Đẳng – Bác Ái” của Cộng Hòa Pháp. Ba tiêu ngữ đó vừa là mục tiêu chung của quá trình phát triển đất nước, lại vừa độc lập với nhau trong bản chất chính trị của chế độ, trong trình tự đấu tranh giành lấy và do vậy, chưa hẳn có quan hệ nhân quả hoặc thống nhất với nhau: độc lập chưa chắc tự do và hạnh phúc, và ngược lại. Từ tư duy phân biệt ấy, sau này ông Hồ mới có câu nói gọi là chân lý nổi tiếng “Không có gì quí hơn độc lập tự do”, nghĩa là có những cái quí bằng, song không biết đó là cái gì; hạnh phúc chăng?
Xem ra những cái tên thật dài của những nước chậm tiến, bị thực dân hóa đó chỉ là một kiểu “Tại đây có bán cá tươi” thôi. Đến tên nước bây giờ, thực sự không biết để gọi cái gì, và ngay cả mục tiêu “độc lập” trong tiêu ngữ đó cũng phải xem lại, vì đã là “xã hội chủ nghĩa” thì dứt khoát phải tiến lên cộng sản chủ nghĩa, mà cộng sản chủ nghĩa thì không có độc lập từng nước nữa.
Trong thời kỳ “đổi mới”, Đảng CSVN xây dựng cương lĩnh chính trị với đủ thứ đặc trưng của “chủ nghĩa xã hội Việt Nam” nhưng cũng thấy chưa đủ, lại còn thêm mục tiêu “xã hội công bằng dân chủ văn minh”. Ở đó, một lần nữa họ cũng tách từng mục tiêu ra, làm như thể công bằng không bao hàm dân chủ và công bằng dân chủ không phải là văn minh vậy. Sau đó từ“dân chủ” lại được bàn bạc một cách thận trọng nhưng quyết liệt để chuyển ra phía trước từ “công bằng”. Chỉ vậy thôi nhưng nhân dân mất vài ba chục tỷ đồng đóng thuế để soạn thảo nghị quyết, hội thảo lấy ý kiến và tổ chức đại hội để “thông qua”.
Té ra, từ ngữ và chính trị quan trọng thật, giống như sự kiêng kỵ từ ngữ trong tôn giáo và húy trong thời phong kiến vậy. Theo đà đó, người ta có những cách nói rất lạ, chẳng hạn, tách “đồng chí” ra khỏi “đồng bào”, tách đảng ra khỏi quân và dân (“Toàn đảng, toàn quân, toàn dân”), tách “đồng chí” khỏi “các bạn”, phân biệt một cách có chủ ý giữa “công dân”, “nhân dân” và “dân” trong những ngữ cảnh khác nhau. Người ta nói “dân chủ nhưng phải có kỷ cương”, “dân chủ nhưng phải có luật pháp”, làm như thể dân chủ đối lập với luật pháp, song khi cần đổi màu, người ta trích nguyên văn giáo trình ra rằng “dân chủ và nhà nước pháp quyền là anh em sinh đôi”. Người ta nói đất nước có nền dân chủ gấp triệu lần các nước tư bản, song tổ chức được hình thành bởi nền dân chủ là Quốc hội thì lại được ngày càng được dân chủ hóa. Người ta nói “mở rộng dân chủ” nhưng lại không cho biết độ rộng đó là bao nhiêu và hiện tại đang “rộng” đến đâu. Người ta nói nhà nước là của dân, do dân, vì dân nhưng khi cần vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng thì lại nói nhà nước và nhân dân cùng làm. Người ta nói: “xã hội hóa” các hoạt động trong đời sống xã hội như giáo dục, văn hóa…nhưng bản chất nó đã là xã hội rồi; và từ “cách mạng” đến nay, khi đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, cá nhân và tư nhân, gia đình, làng xã, tôn giáo và có lúc cả Tổ quốc nữa, bị triệt bỏ, quốc hữu hóa, hợp tác hóa hoặc quốc doanh hóa, quốc tế hóa thì còn đường mướp nào mà không “xã hội”?
Và trong những ngày này, người ta đang cố chứng minh cho thế giới rằng đất nước có chính sách nhân quyền rất tốt bằng những viện dẫn thực tiễn và văn kiện, hiến pháp, luật pháp, chủ trương đường lối, trong khi, từ ngữ diễn đạt cho khái niệm này lại lập lửng, lúc là “nhân quyền”, lúc lại là “quyền con người”, khiến cho người dân trong nước và những người sử dụng tiếng Việt khác không biết đâu mà mần; vì cùng với sự lập lờ từ ngữ ấy, khái niệm này được định nghĩa trong từng hoàn cảnh cũng khác nhau, chẳng hạn mức độ thừa nhận tính phổ quát và những lập luận ngụy biện về tính riêng của khu vực, của từng quốc gia, dân tộc, nền văn hóa. Chỉ phân tích sự lập lờ đó, người ta cũng biết thái độ và hành động thực tiễn của chế độ “chúng ta” thực sự ra sao.
Xích Tử
Nguồn: Dân Luận

No comments:

Post a Comment