Cập nhật: 16.12.2014 07:46
Tàu tuần duyên của Trung Quốc
Lập trường có tính gây hấn của Bắc Kinh trên Biển Đông có thể buộc Hoa Kỳ phải tăng cường sự hiện diện trong khu vực để ngăn chận những hành vi khó lường của Trung Quốc, theo một bài báo đăng trên ấn bản Hoa ngữ của tờ Want China Times của Đài Loan hôm nay.
Tờ báo dẫn lời bà Linda Jakobson, một nhà nghiên cứu độc lập thuộc Viện nghiên cứu Lowy ở Sydney, nhận định những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đã chuyển “từ kiềm chế sang cương quyết”. Theo nhà nghiên cứu này, Bắc Kinh có thể điều một số lớn tàu hải giám ra để đối đầu với lực lượng Việt Nam trong Biển Đông.
Hành động leo thang này có thể buộc Hoa Kỳ phải can thiệp quân sự. Bà Jakobson nói có nhiều phần chắc Hoa Kỳ sẽ không có lựa chọn nào khác hơn là thiết lập thêm căn cứ quân sự tại các nước đồng minh ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, để trong trường hợp cần thiết, có thể triển khai phi đạn chống các tàu hoạt động trong các vùng biển lân cận.
Chính sách về Biển Đông của Bắc Kinh ngày càng “khó lường hơn”, theo nhà nghiên cứu này, bởi vì các chính quyền địa phương, cơ quan thi hành luật pháp, quân đội Trung Quốc, các công ty khai thác tài nguyên và ngư dân Trung Quốc đã lợi dụng chính sách đó để xin tài trợ và xin giấy phép để tăng cường các hoạt động của họ, cũng như phát triển các địa điểm du lịch.
Tờ báo của Đài Loan hôm thứ Bảy tường trình rằng một hộ tống hạm trang bị tên lửa hành trình của Trung Quốc đã đối đầu với một tàu hộ tống tàng hình lớp Gepard và một tàu hộ tống khác của Việt Nam gần bãi Gạc Ma, tức Johnson South Reef, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang xây một phi đạo dài 2000 mét.
Hôm Chủ nhật, Bộ Ngoại giao Philippines ra thông báo nói rằng việc Việt Nam tuyên bố lập trường trước tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc có lợi cho vụ khiếu kiện của Philippines, vì sự tham gia của Việt Nam “cổ vũ cho quyền pháp trị, và nỗ lực tìm những giải pháp hoà bình, không bạo động để giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông, dựa trên luật pháp quốc tế.”
Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine cho rằng làm như vậy không phải là Việt Nam đã tham gia vụ kiện của Philippines, mà đó chỉ là một bước tối thiểu, vì giới lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa thống nhất, có nên khởi kiện Trung Quốc hay không.
“Việc khởi kiện Trung Quốc rất là quan trọng bởi vì không những nó sẽ bảo vệ các quyền lợi của Việt Nam, mà còn cho thế giới thấy là Việt Nam đang bảo vệ an ninh hàng hải, và an ninh cũng như ổn định trong khu vực. Nhưng mặc dù hiện nay thế giới và các nước trong khu vực đang mong chờ một hành động cụ thể rõ ràng từ Việt Nam thì trong giới lãnh đạo họ chưa thực sự đồng tình để làm cái chuyện đó.”
Hôm 11 tháng 12, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tái khẳng định lập trường trước sau như một của Việt Nam. Đó là “kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận, cũng như các quyền mà Trung Quốc mô tả là “lịch sử” của họ đối với các vùng biển bên trong “đường đứt đoạn” mà Bắc Kinh đã “đơn phương đưa ra”.
Trung Quốc vẫn một mực bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông là “bất hợp pháp và không có hiệu lực”, đồng thời gay gắt đả kích Philippines là “hành động như trẻ con” khi đưa Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế. Bắc Kinh nói Philippines lẽ ra phải hành động hợp lý hơn, xét các quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước ven Biển Đông, kể cả Philippines, ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhau hơn.
Tòa án Trọng tài thường trực ở La Haye cho Trung Quốc tới ngày 15 tháng 12 để trả lời đơn kiện của Philippines.
Trong cuộc họp báo thường lệ hôm 15 tháng 12, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố, tòa án La Haye không có quyền tài phán đối với với các cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nhận định rằng trong cuộc tranh chấp biển đảo, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì thái độ cứng rắn, tuy nhiên nếu cứ tiếp tục gạt bỏ những đòi hỏi chính đáng của các nước khác và vơ lấy hết quyền lợi về cho riêng mình, thì dần dà dài Bắc Kinh sẽ phải trả giá cho thái độ bất hợp tác với quốc tế. Giáo sư Ngô Vĩnh Long:
“Lẽ dĩ nhiên là Trung Quốc tiếp tục ương ngạnh và theo đuổi cái chính sách tằm ăn dâu, tiếng Anh gọi là salami slicing đó, thì Trung Quốc sẽ tiếp tục chiếm và xây dựng ở trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng tới một lúc nào đó thì các nước sẽ cùng nhau phản ứng, và khi các nước cùng phản ứng, thì Mỹ và các cường quốc khác sẽ có lý do để cùng đứng ra bảo vệ an ninh cho khu vực.”
VOA: Thưa Giáo sư, Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế, nhưng nếu tòa xử Philippines thắng kiện, thì điều đó có sẽ lót đường cho Việt Nam khiếu kiện Trung Quốc ra trước tòa án không?
“Vâng, nếu Phi Luật Tân thắng kiện thì nước được lợi lớn nhất là Việt Nam bởi vì chủ yếu vụ kiện của Phi Luật Tân là về đường 9 đoạn, tức là đường lưỡi bò, cho nên nếu Philippines thắng Trung Quốc trong cái vụ kiện này thì Việt Nam sẽ là nước dĩ nhiên là được lợi nhất.”
Theo lịch trình, tòa án trọng tài của Liên Hiệp Quốc sẽ ra phán quyết vào cuối năm tới hoặc đầu năm 2016.
Nguồn: Want China Times, Singaporelawwatch, abs-cbnnews
No comments:
Post a Comment