Tuesday, December 16, 2014

Đảng Cộng Sản Trung Quốc “gửi lời hỏi thăm” Epoch Times bằng những vụ tấn công mạng Bởi: Tác giả: Leo Timm, biên dịch: Bruce Phan

Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc họp chính trị ở Bắc Kinh tháng ba năm 2013. Nhiều cuộc tấn công mạng ​​nhắm vào trang web Epoch Times (Đại Kỷ Nguyên) phiên bản tiếng Trung xảy ra gần đây, đặc biệt trong thời gian Đảng chính thức thanh trừng Chu Vĩnh Khang. (Feng Li / Getty Images)
Khoảng thời gian cao trào trong cuộc chiến nội bộ Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là thời điểm nhạy cảm và hoàn toàn tránh né sự dòm ngó của truyền thông trừ các tin tức phục vụ cho mục đích phe phái.
Vào ngày 5/12, khi Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc tuyên bố cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang bị bắt giam với nhiều tội danh từ ngoại tình, tham nhũng cho đến tiết lộ bí mật quốc gia, các tin tặc bị tình nghi làm việc cho chính quyền nước này đã tiến hành hàng loạt vụ tấn công mạng vào trang tiếng Trung của thời báo Đại Kỷ Nguyên (Epoch Times).
Vụ tấn công bắt đầu từ ngày 1/12 và kéo dài cả tuần sau đó, đây là đợt tấn công mới nhất vào Đại Kỷ Nguyên sau hàng loạt vụ việc tương tự kể từ năm 2000, thời điểm trang web tiếng Trung này được thành lập, một nhân viên kỹ thuật cho biết.
Trong sự kiện công bố Chu Vĩnh Khang bị điều tra vào Tháng 7 vừa qua, trang tin này cũng bị tấn công, mục tiêu là nhằm ngăn chặn lan truyền thông tin vụ việc ra công chúng.
Trong các cuộc tấn công mạng, người chủ mưu thường rất khó xác định; tuy nhiên, trong một buổi phỏng vấn, nhân viên kỹ thuật của trang tin nhận định, các cuộc tấn công vào máy chủ này có đầy đủ tính chất của hoạt động tin tặc do chính quyền Trung Quốc chỉ đạo, với mục đích gây nghẽn hoặc ngắt kết nối nhằm ngăn chặn độc giả tiếp cận thông tin của Đại Kỷ Nguyên.
Cụ thể, các khoảng thời gian tấn công thường là thời điểm nhạy cảm dễ đoán biết, như lúc đấu đá nội bộ ĐCSTQ đạt cao trào, và người đọc trong nước đang “khát” các thông tin không bị kiểm duyệt cùng các phóng sự, bình luận, giải thích sự kiện bị che dấu.
Một bài báo có tựa đề “Bóc trần sự tàn bạo của Chu Vĩnh Khang – Lịch sử đẫm máu” cũng là một trong những nguyên nhân tấn công. Trong đó tiết lộ việc ông Chu có liên quan đến hoạt động mổ cướp nội tạng từ tù nhân lương tâm còn sống, sự việc đã đụng mạnh vào điểm “nhạy cảm” của chính quyền Trung Quốc. Dù Chu Vĩnh Khang đã bị truất phế, nhưng tội ác thật sự của người đàn ông này khi tại vị vẫn sẽ không bao giờ được công khai.
Đây là cách làm thường thấy trong lịch sử chính trị của ĐCSTQ: hệ thống có thể trừng phạt cá nhân phạm tội, còn bản thân chế độ thì không ai được quyền chỉ trích, cơ chế của Đảng cho phép cơ quan quyền lực này khủng bố chính trị các cá nhân hay nhóm người bị gắn nhãn thù địch.
Một trong các “nhóm thù địch” này có Pháp Luân Công, môn tu luyện Phật gia bị đàn áp từ thời Giang Trạch Dân còn tại quyền. Lo sợ sự hồi sinh các giá trị truyền thống mạnh mẽ sẽ làm lung lay “Đảng tính” trong quần chúng, ông Giang đã dùng vị thế chính trị, vận dụng mọi nguồn lực tài chính nhằm thực hiện chiến dịch đàn áp, xóa sổ Pháp Luân Công.
Quay lại thời điểm đầu 2012, trong cuộc thanh trừng Bạc Hy Lai, nhân vật cốt cán và là đồng minh của Chu Vĩnh Khang, Đại Kỷ Nguyên cũng bị tấn công DDOS (từ chối dịch vụ). Khi đó, ông Bạc bị cáo buộc với các tội danh tương tự như tham nhũng, lăng nhăng, kéo theo rắc rối cho hàng nghìn quan chức Đảng liên quan. Tuy nhiên, ông Bạc cũng là cánh tay đắc lực trung thành và giàu nhiệt huyết của Giang Trạch Dân trong các chiến dịch đàn áp nhóm người bị cho là thù địch.
Theo tài liệu thu thập được của ký giả Ethan Gutmann trong cuốn “Thảm sát” (The Slaughter) và một bài đăng trên trang tin của Liêu Ninh, ông Bạc có thể là người đã đứng ra tạo điều kiện và hỗ trợ cho hoạt động thu hoạch nội tạng học viên Pháp Luân Công rồi đem thi thể người chết đi bán để nhựa hóa và phục vụ các buổi trưng bày triển lãm.
Mặc dù, chính quyền Trung Quốc hiện mong muốn xóa bỏ vây cánh chính trị của ông Giang vốn đã ăn sâu bám rễ từ những thập niên 90, thông qua việc thanh trừng các quan chức cấp cao như Chu Vĩnh Khang, nhưng các lãnh đạo Trung Quốc đương thời không cho người dân thấy được khát vọng cải cách toàn diện cũng như việc phơi bày mức độ bạo lực trong các chiến dịch chính trị của Đảng. Những kiểu bóc trần như thế có lẽ sẽ làm suy yếu tính hợp pháp cùng năng lực kiểm soát chính trị của cơ quan quyền lực này.
Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung hiện nay đang là nguồn tin đáng tin cậy của đọc giả đại lục và nước ngoài, cập nhật liên tục tin tức, sự kiện, bình luận, và những diễn biến quan trọng tại Trung Quốc. Bất chấp các cuộc tấn công, nhiều người vẫn sử dụng công cụ vượt tường lửa để tiếp cận tin tức mới nhất từ website. Lượng truy cập thường tăng gấp đôi khi có các sự kiện quan trọng xảy ra.
Nhân viên kỹ thuật Epoch Times hiện đã quen với các cuộc tấn công “định kỳ” này. Một thành viên của trang hài hước châm biếm, “Đảng lại gửi lời hỏi thăm” khi có đợt tấn công mới.

No comments:

Post a Comment