Một chiếc máy xúc đang hạ xuống để gom vật dụng mà những người biểu tình bỏ lại khi cảnh sát rào dỡ bỏ các chắn và lều trại trên một con đường chính trong khu vực bị chiếm đóng tại quận Causeway Bay của Hồng Kông, thứ Hai ngày 15 tháng 12 năm 2014. (Ảnh Internet)
HỒNG KÔNG – Cảnh sát Hồng Kông đã phá bỏ rào chắn, thu dọn lều trại và bắt giữ một số người biểu tình vào hôm thứ Hai (15/12) tại trại biểu tình ủng hộ dân chủ thứ ba và cũng là điểm cuối cùng, chấm dứt cuộc biểu tình đã ngăn chặn giao thông trên các tuyến đường của thành phố trong gần ba tháng qua.
Một nhà đàm phán của cảnh sát đã cho 17 người biểu tình một cơ hội cuối cùng để tự nguyện rời khỏi một đoạn đường tại Causeway Bay trước khi cảnh sát bắt từng người lên một xe đang chờ sẵn.
Những người biểu tình, kể cả những người lớn tuổi và nhà lập pháp ủng hộ dân chủ Kenneth Chan, đã không hề kháng cự. Trước đó, họ hô vang “Chúng tôi sẽ trở lại” và kêu gọi Lương Chấn Anh, vị Trưởng Đặc khu mất lòng dân do Bắc Kinh hậu thuẫn, phải từ chức. Những người ủng hộ thì hò hét cổ vũ những người biểu tình trên các vỉa hè. Tới buổi trưa, con đường đã được mở lại hoạt động giao thông.
Cảnh sát được huy động sau khi chính quyền giải tán khu trại chính của những người biểu tình ở gần trung tâm tài chính của Hồng Kông và bắt giữ 249 người không chịu di rời vào hôm thứ Năm (11/12). Trại biểu tình cuối cùng của những người biểu tình tại sân dưới cơ quan lập pháp của thành phố gần khu trại chính, cũng được tự nguyện giải tán vào chiều hôm thứ Hai (15/12). Một trại biểu tình khác ở quận Mong Kok, đã bị cảnh sát giải tán vào cuối tháng 11.
Hiện nay, chỉ có một số ít những người biểu tình vẫn cắm trại bên ngoài Lãnh sự quán Anh.
Những người biểu tình tại Causeway Bay đã bám trụ được 79 ngày, nhưng sau khi hai trại biểu tình bị giải tán, họ đã bỏ cuộc vì nghĩ đằng nào cũng sẽ bị giải tán. Nhiều người đã dọn lều, tư trang, đồ đạc trước khi cảnh sát vào cuộc vào hôm thứ Hai.
Trong một tuyên bố, cảnh sát cho biết, 955 người đã bị bắt vì có hành vi phạm tội liên quan tới việc chiếm đóng. Tổng cộng có 130 nhân viên cảnh sát bị thương và 221 người biểu tình được điều trị y tế do cảnh sát bố trí. Cảnh sát cũng nhận được 1.972 đơn khiếu nại từ công chúng nhưng sẽ chỉ xem xét 106 trường hợp.
Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh phát biểu: “Với việc giải tỏa khu vực bị chiếm đóng tại Causeway Bay, cuộc chiếm đóng bất hợp pháp tại Hồng Kông trong vòng hai tháng qua đã đi đến kết thúc”. Ông ta cũng cho biết thêm rằng các ngành du lịch, bán lẻ, hội nghị và các ngành công nghiệp khác đã phải chịu tổn thất “rất lớn” về kinh tế.
Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ lại đưa ra các số liệu tích cực của ngành bán lẻ và du lịch trong tháng 10, tháng đầu tiên của cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.
Thức tỉnh về chính trị
Những người biểu tình do sinh viên lãnh đạo đã phản đối kế hoạch của Bắc Kinh về việc sàng lọc tất cả các ứng cử viên của cuộc bầu cử đầu tiên cho vị trí lãnh đạo hàng đầu tại Hồng Kông, nhưng họ đã không thể có được sự nhượng bộ đáng kể nào từ chính phủ. Phong trào biểu tình này được biết đến với tên gọi “Phong trào Ô” vì những người biểu tình thường dùng ô để đối phó với hơi cay của cảnh sát. Các cuộc biểu tình được đưa tin trên toàn thế giới và có những ý kiến đối lập tại trung tâm tài chính châu Á này. Sau đó phong trào này bị mất đà khi chính phủ áp dụng chiến lược chờ đợi phong trào đi xuống.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng phong trào biểu tình đã tạo ra một sự thức tỉnh chính trị rộng lớn giữa những người dân của Hồng Kông, đặc biệt là giới trẻ. Các thủ lĩnh biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch bất tuân thủ dân sự của họ thông qua các phương pháp khác để tiếp tục gây sức ép tới chính phủ nhằm đòi hỏi một nền dân chủ thực thụ.
Nghị sĩ ủng hộ dân chủ Fernando Cheung, người đã có mặt để quan sát hoạt động và các vụ bắt giữ của cảnh sát, cho biết việc giải tán điểm biểu tình không có nghĩa là chiến dịch bất tuân dân sự kết thúc .
Ông Cheung phát biểu: “Trong Hội đồng Lập pháp, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức nhằm phản đối thông qua một chiến dịch bất hợp tác” bằng cách, ví dụ, bỏ phiếu phủ quyết yêu cầu ngân sách và gói cải cách bầu cử của chính phủ.
Ông cũng cho biết: “Sẽ có những hành động khác nữa”.
Ông nói rằng mặc dù những người biểu tình đkhông có được sự nhượng bộ của chính phủ đối với yêu cầu của họ, họ đã thành công trong việc tạo nên phong trào dân chủ của thành phố.
Ông Cheung nói: “Thời gian và quy mô của cuộc chiếm đóng đã thể hiện quyết tâm, động lực và sức mạnh đằng sau những người yêu cầu dân chủ ở Hồng Kông. Hơn nữa, đó là sự thức tỉnh của thế hệ trẻ, mà những người trẻ có sức mạnh vô hạn”.
Otto Ng, một sinh viên đại học 18 tuổi, từng cắm trại tại điểm biểu tình chính ở Admiralty, đã đến Causeway Bay để chứng kiến những giây phút cuối cùng.
“Tôi cảm thấy một chút chán nản và tuyệt vọng, nhưng điều này chỉ là khởi đầu, nó không phải là dấu chấm hết. … Chúng tôi vẫn chưa đạt được điều mà chúng tôi muốn. Phong trào đã làm thức tỉnh người dân Hồng Kông.”
Tin từ The Associated Press, cùng tin tức bổ ,sung từ Larry Ong
No comments:
Post a Comment