RFI-Thứ ba, ngày 16 tháng mười hai năm 2014
Trung Quốc giàu hơn Mỹ ? Xe lửa cao tốc, biểu tượng cho sự thành công của TQ trong các ngành công nghệ cao. AFP
Căn cứ vào sức mua và theo tính toán của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, trong năm 2014 Trung Quốc tạo ra nhiều của cải hơn Hoa Kỳ để trở thành siêu cường kinh tế số 1 của thế giới. Bản thân Trung Quốc chưa mở tiệc ăn mừng đón nhận tin vui nói trên vì biết được rằng nhiều thách thức đang chờ đợi. Trung Quốc đã trở nên giàu có nhất thế giới nhưng 1,3 tỷ người dân xứ có giàu lên hơn hay không ?
Từ thế kỷ thứ 19, hoàng đế Napoléon đệ Nhất đã báo trước, ông khổng lồ Trung Quốc khi vươn vai thức dậy sẽ làm rung chuyển cả thế giới. Vừa mới đây, Brett Arends, tác giả xã luận trên tờ báo Market Watch, chuyên giám sát tình hình tài chính thế giới, ghi nhận tin Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 1 thế giới đã « tạo nên một trận động đất về phương diện địa chính trị ». Do đây là lần đầu tiên từ năm 1872 Hoa Kỳ không còn là quốc gia giàu nhất hành tinh.
Không một ai nghi ngờ là Trung Quốc đang trên đà qua mặt nước Mỹ để trở thành nên kinh tế số 1 toàn cầu. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Các dự báo trước đây nêu lên những cột mốc cho sự thay ngôi đổi vị đó là vào năm 2017, 2019 hay 2025, 2030. Nhưng bất ngờ, theo phương pháp tính toán của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF dựa trên sức mua PPP, 2014 là thời điểm lịch sử : Trung Quốc giàu hơn Mỹ, với tổng sản phẩm nội địa GDP toàn năm lên tới 17,6 ngàn tỷ đô la. Trong lúc GDP của Hoa Kỳ trong năm 2014 chỉ đạt 17,4 ngàn tỷ đô la. Tính về trọng lượng, Trung Quốc chiếm 16,5 % GDP toàn cầu, Mỹ chỉ là 16,3 %.
Chỉ số PPP và những giới hạn
Theo đánh giá của giám đốc nghiên cứu kinh tế thuộc ngân hàng Natixis của Pháp, Philippe Waechter, việc Trung Quốc tạo ra nhiều của cải nhất, dù là tính theo sức mua tương đương, PPP nhưng : « Điều đó cũng đủ để phản ánh sức mạnh của kinh tế Trung Quốc, và kèm theo đó là sức mạnh chính trị của nước đông dân nhất hành tinh. Thực tế cho thấy Châu Âu và Mỹ không còn đủ trọng lượng để làm mưa làm gió trên bàn cờ kinh tế và thương mại thế giới ».
Về phần mình, chuyên gia kinh tế Jean Joseph Boillot cộng tác viên của Trung Tâm Nghiên cứu về Triển vọng và Thông tin Quốc tế CEPII, thận trọng hơn. Ông cho rằng hãy còn quá sớm để khẳng định là Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế số 1 của thế giới, bởi sức mạnh kinh tế bao gồm vừa trọng lượng kinh tế được đo lường bằng nhiều yếu tố, mà trong đó GDP chỉ là một.
Bên cạnh chỉ số này còn phải xét đến sức mạnh của một quốc gia về phương diện tài chính, tiền tệ, khả năng kỹ thuật, về sức mạnh của các doanh nghiệp. Mà sức mạnh của các doanh nghiệp luôn được đo lường qua năng suất lao động, qua khả sáng tạo.
Theo chuyên gia kinh tế Boillot, Trung Quốc chưa hội tụ được tất cả những điều kiện vừa nêu.
Trung Quốc hiện có một đội ngũ nhân công khoảng 800 triệu người mà không sản xuất ra nhiều của cải hơn so với 160 triệu người lao động ở Mỹ. Theo chuyên gia của viện CEPII năng suất lao động của Trung Quốc chỉ bằng từ 20 đến 25 % so với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên trước khi đi xa hơn, xin dừng lại ở một điểm cơ bản : đó là phương pháp tính theo sức mua tương đương PPP đã được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế sử dụng. Trong báo cáo gần đây nhất được công bố từ tháng 10/2014, IMF quy định rõ phương pháp tính toán của mình. Theo đó khi đo lường GDP bằng sức mua tương đương, có nghĩa là IMF xem xét xem, cùng với một số tiền, một người Mỹ mua được những gì và một người tiêu dùng ở Trung Quốc mua được nhiều hơn hay ít hơn so với một công dân ở Hoa Kỳ.
Đơn giản là vì giá cả ở Trung Quốc và Mỹ không như nhau. Điều đó có nghĩa là thu nhập của một công nhân Trung Quốc tuy thấp hơn so với của một người lao động ở Mỹ nhưng chưa chắc là mãi lực của người dân ở trên quê hương ông Tập Cận Bình thấp hơn so với một công dân ở xứ đã bầu ông Obama làm tổng thống.
Điểm đáng lưu ý thứ nhì là, vẫn căn cứ vào báo cáo gần đây nhất của IMF, nếu không tính theo sức mua PPP mà chỉ căn cứ vào tổng sản phẩm nội địa danh nghĩa – gồm giá thị trường của tất cả các khoản hàng hóa, dịch vụ cùng được sản xuất ra trong phạm vi của một quốc gia trong một năm, và dựa vào tỷ giá hối đoái của thời điểm năm 2014 thì GDP của Mỹ còn cao hơn so với của Trung Quốc đến 70 %.
Nhìn đến một chỉ số thứ ba là thu nhâp bình quân đầu người, dù với GDP gần xấp xỉ như nhau nhưng dân số của Trung Quốc lại đông gấp bốn lần so với Mỹ. Do vậy thu nhập bình quân đầu người ở Đại lục chỉ bằng ¼ so với ở Hoa Kỳ. Vào lúc mà thu nhập hàng năm của một người Mỹ trung bình là 54.700 đô la thì chỉ số GDP/đầu người ở Trung Quốc là 12.900 đô la.
Nhìn từ góc độ thu nhập bình quân đầu người, Trung Quốc tuột xuống hạng thứ 89 trên thế giới, trong lúc Mỹ đứng hàng thứ 10 trong bảng xếp hạng do Qatar dẫn đầu.
Những tín hiệu trái ngược nhau về ông khổng lồ châu Á
Vào lúc mà thế giới thực sự không còn hoài nghi về vị trí số 1 kinh tế của Trung Quốc thì tại Bắc Kinh các nhà cầm quyền đã ra lệnh cho các cơ quan tài chính, ngân hàng mở vạn tín dụng để hỗ trợ các hoạt động kinh tế. Trong tháng 11/2014 tín dụng ngân hàng Trung Quốc tăng 56 % so với hồi tháng 10. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với các dự báo của giới chuyên gia.
Ngoài ra hôm 21/11/2014 ngân hàng Trung ương bất ngờ hạ lãi suất. Câu hỏi đặt ra là phải hiểu tín hiệu mà ngân hàng Trung Quốc vừa bắn đi như thế nào. Theo chuyên gia kinh tế của ngân hàng Pháp, Crédit Agricole chi nhánh đặt tại Hồng Kông, thì đó là một « cốc nước nửa đầy » báo trước Trung Quốc đang chuẩn bị đầu tư thêm. Nhưng sự phấn khởi đó không che giấu được một thực tế đó là chỉ số sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng chậm hơn mong đợi. Và đây là một bằng chứng mới cho thấy kinh tế Trung Quốc hụt hơi.
Nhìn từ phía Ngân hàng JP Morgan cũng tại Hồng Kông thì cho dù Ngân hàng Trung ương và chính quyền khuyến khích người dân đi vay, nhưng bản thân các ngân hàng thương mại cũng rất thận trọng khi mà rủi ro phá sản đang được cho là ở mức độ tương đối cao. Về phần tư nhân cũng đang dè dặt. JP Morgan e rằng, hiện tượng tiền rẻ sẽ không giúp cho tư nhân đầu tư thêm mà chỉ khuyến khích họ đi vay nợ mới để thanh toán nợ cũ, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà đầu cơ làm giàu. Bằng chứng cụ thể là chỉ số chứng khoán trên thị trường Thượng Hải đã tăng vọt 20 % kể từ khi Bắc Kinh hạ lãi suất chỉ đạo và mở van tín dụng.
Chuyên gia kinh tế Pháp thuộc viện CEPII Jean Joseph Boillot kết luận : nguy cơ kinh tế Trung Quốc bị chựng lại, chưa thực sự cận kề. Điều đáng quan tâm là mức nợ chính thức và không chính thức của tư nhân cũng như các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Vào mùa xuân vừa qua, thủ tướng Lý Khắc Cường nêu lên đe dọa nhiều tập đoàn Trung Quốc bị vỡ nơ. Trong ấn bản đề ngày 14/03/2014 nhật báo tài chính Mỹ The Financial Times đặt câu hỏi phải chăng tại Trung Quốc thời kỳ các tập đoàn và doanh nghiệp ỷ lại vào Nhà nước để đi vay bừa bãi mà không hề sợ bị phá sản đã đi qua ? Tính chung cả nợ của Nhà nước và tư nhân Trung Quốc đã lên tới hơn 200 % GDP.
Cơ quan thẩm định tài chính Fitch nhắc lại, vào cuối 2008 tổng nợ công và tư nhân của Trung Quốc chỉ tương đương với 131 % GDP nước này nhưng tỷ lệ đó đã nhảy vọt lên thành 218 % vào tháng 12/2013. Bên cạnh đó, theo thẩm định của một chi nhánh thuộc ngân hàng Citic của Trung Quốc, 90 % các doanh nghiệp ở Đại lục vì không vay được tiền ngân hàng nên đi mượn tín dụng của các cơ quan tài chính « không chính thức ». Hệ quả là vào cuối năm 2012 hệ thống ngân hàng ‘chui’ còn được gọi là « shadow banking » ở Trung Quốc quản lý một khối nợ tương tương với 44 % GDP.
Khủng hoảng của mô hình tư bản Trung Quốc
Trong cuốn sách mang tựa đề « Karl Marx à Pékin – Les Racines de la Crise en Chine Capitaliste »- nhà xuất bản Démopolis, 2014- nói về nguyên nhân khủng hoảng trong mô hình tư bản Trung Quốc, giáo sư Mylène Gaulard, giảng dậy tại đại học Grenoble nhấn mạnh : nhược điểm lớn nhất của mô hình kinh tế Trung Quốc là hiệu quả quá tồi của guồng máy sản xuất. Thêm vào đó, từ giữa những năm 1990 tới nay, tỷ lệ thu lại tiền lời so với một số tiền đầu tư nhất định lại liên tục bị tụt giảm. Hệ quả trực tiếp là những ai có vốn, đem tiền đi đầu cơ thay vì đầu tư vào khu vực sản xuất hay để mở mang các dịch vụ.
Vẫn theo giáo sư Gaulard, yếu tố này giải thích cho cơn sốt địa ốc ở Trung Quốc trong gần một thập niên vừa qua, khi mà một đồng nhân dân tệ được đầu tư vào nhà đất, đem về lợi nhuận cao. Hiềm nỗi, quả bóng địa bất động sản cứ được thổi phồng lên mãi, có lúc sẽ phải vỡ ra, kéo theo đó là hệ thống tài chính ngân hàng.
Báo cáo đề ngày 15/11/2014 của ủy ban giám sát ngân hàng Trung Quốc cho biết, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc tăng 72,5 tỷ nhân dân tệ -tương đương 11,8 tỷ đô la. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2005. Lo ngại cỗ máy kinh tế đồ sộ của Trung Quốc giảm tốc độ lại càng rõ nét.
Đồng tiền là sức mạnh
Từ sau 1945 người ta thường nói, "Hoa Kỳ hắt hơi, thế giới cảm lạnh". Câu nói đó cho thấy Mỹ chi phối toàn cảnh kinh tế của thế giới tới mức độ nào. Giờ đây thế giới run sợ chờ xem khi nào thì ông khổng lồ Trung Quốc sẽ hắt hơi.
Trước mắt Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng của mình với toàn thế giới qua các dự án đầu tư được tính bằng bạc tỷ. Vào thời điểm đen tối nhất, khi mà khối euro bị đe dọa tan vỡ, nhiều nước ở Châu Âu đã đặt nhiều kỳ vọng vào các dự án đầu tư của Trung Quốc.
Châu Phi luôn đón tiếp các nhà lãnh đạoBắc Kinh như thượng khách và xem Trung Quốc là một đối tác mới rất đáng tin cậy, một cột trụ trong chiến lược phát triển của châu lục ở phía nam bờ Địa Trung Hải.
Trong mắt các nhà cầm quyền ở châu Mỹ La Tinh, Trung Quốc là một lá bài để làm đối trọng với ảnh hưởng quá lớn của Hoa Kỳ. Bản thân nước Nga, Matxcơva đang lâm vào thế kẹt trước gọng kềm trừng phạt của Âu, Mỹ đã phải xoay sang Bắc Kinh.
Với hơn 3.800 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ, Trung Quốc dễ dàng thuyết phục Ấn Độ, Brazil, Nga và Nam Phi thành lập một ngân hàng phát triển mới để làm đối trọng với những định chế tài chính đa quốc gia vốn được đặt dưới trướng của Hoa Kỳ.
Dự án Con đường Tơ lụa trên biển của thế kỷ 21 mà ông Tập Cận Bình đề xuất đang làm mê hoặc khá nhiều quốc gia liên quan. Trong bài tham luận gần đây giáo sư Mỹ, Jeffrey Sachs, giảng dậy tại đại học Columbia, -New York nhìn nhận : không có gì bảo đảm những hoài bão lớn của Trung Quốc sẽ được thực hiện một cách dễ dàng, cũng không ai tin rằng tương lai kinh tế của Trung Quốc sẽ thanh thản.
Về mặt đối nội, các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh phải giải quyết rất nhiều vấn đề từ chênh lệch giàu nghèo quá lớn, đến thách thức về ô nhiễm môi trường, từ vấn đề ổn định tài chính đến đe dọa nợ công … Nhưng không thể phủ nhận những thành công quá ngoạn mục của đất nước rộng lớn này để Trung Quốc vươn lên thành một siêu cường của thế giới trong một thời gian ngắn kỷ lục.
Vả lại, ảnh hưởng mà Bắc Kinh có được ngày nay trên bàn cờ quốc tế, phần nàoTrung Quốc đã giành lấy được nhờ những tính toán thiển cận của Washington.
Giáo sư Sachs so sánh : vào lúc mà Trung Quốc tung tiền ra để mua chuộc cảm tình của thế giới, để thiết lập những mối bang giao có lợi cho cả đôi bên, Bắc Kinh tránh sa lầy vào bất kỳ một cuộc xung đột võ trang nào, thì Hoa Kỳ tập trung vào Trung Đông với những cuộc chiến kéo dài, lãng phí sức lực hết trên mặt trận Irak rồi lại tới Syria.
Trước mắt, sự kiện Trung Quốc đã hay đang qua mặt nước Mỹ để giành lấy vị trí số 1 kinh tế không thay đổi gì trong cuộc sống của 1,3 tỷ dân. Người lao động vẫn là chủ lực và thường trả giá đắt cho phép lạ kinh tế Trung Hoa.
Đằng sau những tòa cao ốc ở Thượng Hải : mặt trái của phép la kinh tế TQ.REUTERS/Aly Song
No comments:
Post a Comment