(Baodatviet) - Liên tục có những chỉ đạo về vai trò đổi mới trong phát triển kinh tế Trung Quốc là điều dễ nhận thấy ở ông Tập Cận Bình thời gian qua.
Quyết tâm của ông Tập
Trên nhiều diễn đàn trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh về: “sự bình thường mới” (new normal) của kinh tế Trung Quốc, khi nền kinh tế này chỉ tăng trưởng với tốc độ tương đối cao thay vì tăng trưởng siêu cao.
Vừa qua, trong chuyến đi thị sát tỉnh Giang Tô, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục thể hiện sự quyết tâm này qua từng chỉ đạo cụ thể.
Theo TTXVN đưa tin, tại chuyến đi này một lần nữa ông Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định sự cần thiết của việc đổi mới trong phát triển kinh tế của quốc gia này.
Cụ thể ông cho rằng: Trung Quốc cần dựa vào đổi mới để tiếp tục đạt được kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững.
Để đạt được điều này ông Tập Cận Bình đã kêu gọi sự liên kết mật thiết giữa khoa học công nghệ với kinh tế cũng như sự hòa nhập sâu giữa các ngành công nghiệp, đại học và nghiên cứu. Do đó, cần nhận thức được sự kết nối thông suốt giữa các ngành với khoa học kỹ thuật và nâng tỷ lệ đóng góp của khoa học, kỹ thuật vào tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Tập Cận Bình, chìa khóa của phát triển kinh tế là phát triển phù hợp với quá trình chuyển đổi mô hình và tái cơ cấu nền kinh tế.
Ông Tập Cận Bình còn hối thúc thiết lập cơ chế, chính sách mới nhằm đem lại nhiều lợi ích từ sự đổi mới sản xuất và ứng dụng những lợi ích này vào các ngành nghề.
Ngoài ra ông cũng mong muốn nâng cao khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu, tạo ra những lợi thế mới của một nền kinh tế, mở cửa thị trường trong nước cũng như mở cửa với thế giới.
Nền kinh tế Trung Quốc đang phải trải qua giai đoạn bước ngoặt |
Vì sao?
Không khó để có thể lý giải sự quyết tâm cùng với những chỉ đạo xuyên suốt của ông Tập Cận Bình trong thời gian qua về những đổi mới cần phải có của nền kinh tế nước này.
Trong nghiên cứu của mình PGS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã chỉ rõ kinh tế Trung Quốc hiện đang ở trong giai đoạn có tính chất bước ngoặt.
Tức là những động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh đang suy giảm đến mức nếu không tạo được động lực mới thì nền kinh tế sẽ sơi vào trì trệ, không thể phát triển một cách bền vững.
"Đó là lý do sau khi lên cầm quyền, Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã tập trung nỗ lực vào việc 'thúc đẩy toàn diện cải cách chiều sâu" và tiến hành rất quyết liệt", PGS Quý phân tích.
Theo đó từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu giá trị tăng thấp và đầu tư do Nhà nước chủ đạo, chuyển sang một nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiêu thụ nội địa, phát triển ngành dịch vụ và các ngành công nghiệp giá trị tăng cao.
Thậm chí kể cả việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ chấp nhận mức tăng trưởng giảm thấp và có thể phải giải quyết nhiều vấn đề như bong bóng bất động sản xì hơi, nợ cao và mối đe dọa giảm phát lơ lửng.
Những biểu hiện của giai đoạn này đã được ghi nhận. Các nhà kinh tế của Nomura nhận định chính phủ Trung Quốc sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2015 xuống các mức tương ứng 7% và 3%, so với các mức của năm 2014 là 7,5% và 3,5%.
Lần gần đây nhất Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng là vào năm 2012, từ 8% xuống 7,5% và con số 7% sẽ là thấp nhất kể từ năm 2004.
Việc tăng trưởng kinh tế giảm tốc trong năm nay là lý do để Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức Ngân hàng trung ương) trong tháng trước bất ngờ hạ lãi suất lần đầu tiên trong hơn hai năm.
“Thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài còn là con đường thay đổi công nghệ, là quá trình chu chuyển các ngành nghề, các nhà máy, xí nghiệp công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường sang các nước phát triển và kém phát triển, tạo cho các doanh nghiệp trong nước thay đổi công nghệ mới ít tốn kém nhất”, một vị chuyên gia nhận định trong nghiên cứu của mình.
Thứ Ba, 16/12/2014 07:12
Phương Nguyên
No comments:
Post a Comment