Việt Hà, phóng viên RFA 2014-12-03
Giám đốc Tổ chức Minh bạch Quốc tế Edda Mueller trình bày Báo cáo nhận thức về tham nhũng 2014 tại Berlin, Đức, ngày 03 tháng 12 năm 2014.AFP photo
Tổ chức Minh bạch quốc tế hôm 3 tháng 12 cho công bố báo cáo mới về chỉ số nhận thức tham nhũng 2014 của 175 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Báo cáo năm nay cho thấy tình hình tham nhũng vẫn là một vấn đề ở tất cả mọi nền kinh tế, gây rủi ro đối với tăng trưởng bền vững ở những nền kinh tế mới nổi. Tổ chức Minh bạch quốc tế kêu gọi các nước phát triển thuộc EU, Mỹ cùng hợp tác với các nước thuộc các nền kinh tế mới nổi tìm mọi cách ngăn chặn nạn tham nhũng. Việt Hà phỏng vấn bà Samantha Grant, Điều phối viên khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Minh bạch quốc tế về bản báo cáo năm nay.
Tham nhũng không giảm
Trước hết nói về những điểm nổi bật trong báo cáo mới, bà Samantha Grant cho biết:
Theo tôi, điều mà chúng ta thấy trong báo cáo lần này là một vài nước có nền kinh tế phát triển nhanh quan trọng như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ có tham nhũng đáng kể, một số nước có tăng trưởng kinh tế lớn cũng có tham nhũng lớn. Cho nên rõ ràng là những nền kinh tế mới nổi không thể nào có được một sự tăng trưởng bền vững nếu họ vẫn còn tham nhũng.
Việt Hà: Trong báo cáo mới, tình hình tham nhũng ở các nước khu vực Đông Nam Á có gì biến chuyển?
Samantha Grant: Nếu nhìn vào điểm số chung thì điểm số ở khu vực này tăng rất ít. Nếu so với điểm số trung bình toàn cầu là 43 thì khu vực Đông Nam Á chỉ có điểm trung bình là 38 và điểm này phần lớn có được là do Singapore. Điểm số của nước này vào năm nay là 84. Cho nên nhìn chung mặc dù khu vực này có những tiến bộ nhất định trong một số lĩnh vực, nhất là ở các nước như Thái Lan hay Philippines, nhưng cả khu vực vẫn nằm gần trong số 1/3 cuối bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng năm nay, và chúng ta vẫn thấy những vấn đề tham nhũng lớn.
Về điểm quan trọng của khu vực này thì theo tôi khi chúng ta tiến gần đến năm 2015 với cộng đồng kinh tế ASEAN chung có những gia tăng về trao đổi liên kết giữa các nước trong khu vực và sự tăng trưởng kinh tế thì điểm quan trọng là ban thư ký ASEAN và lãnh đạo các nước phải đặt vấn đề tham nhũng vào chương trình nghị sự của mình.
Điểm số về tham nhũng của Việt Nam không thay đổi trong hai năm qua đang đặt chính phủ Việt Nam vào rủi ro bị mất lòng tin trong công chúng, và rủi ro đối với danh tiếng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế...
- Samantha Grant
Việt Hà: Việt Nam cũng nằm trong báo cáo năm nay, tình hình nhận thức về tham nhũng tại Việt Nam trong báo cáo mới so với năm trước có gì khác?
Samantha Grant: Điểm số của Việt Nam năm nay không thay đổi. Thực tế là điểm số không thay đổi có thể có nghĩa là việc chống tham nhũng đã không được làm đủ và nhận thức về tham nhũng ở Việt Nam vẫn là nghiêm trọng. So với các nước khác trong khu vực, Việt Nam trên thực tế còn chậm chạp hơn trong các quá trình chống tham nhũng.
Khi nhìn vào một nền kinh tế mới nổi, theo tôi, điểm số về tham nhũng của Việt Nam không thay đổi trong hai năm qua đang đặt chính phủ Việt Nam vào rủi ro bị mất lòng tin trong công chúng, và rủi ro đối với danh tiếng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là với các nhà tài trợ và cộng đồng các nhà đầu tư. Cho nên đây là lĩnh vực quan trọng mà Việt Nam nên xem xét để đảm bảo vốn đầu tư nước ngoài sẽ không bị giảm sút và khiến các nhà tài trợ, đầu tư cảm thấy miễn cưỡng khi quyết định đầu tư vào một nơi bị coi là có tham nhũng cao.
Việt Hà: Nếu nhìn vào xếp hạng trong báo cáo năm nay, Việt Nam xếp hạng 119 so với năm ngoái là 116. Nhiều người chỉ nhìn vào xếp hạng trong báo cáo để đưa ra nhận xét về tình hình tham nhũng của một nước. Nhưng dường như điều này không hẳn đã chính xác, vậy điều này có nghĩa gì đối với Việt Nam?
Samantha Grant: Về xếp hạng, xếp hạng số càng lớn thì tình trạng tham nhũng càng nhiều. Ví dụ như năm nay Singapore có xếp hạng 7 mà Việt Nam là 119 tức là giảm xuống 3 hạng so với năm trước. Khi xếp hạng về tham nhũng của một nước bị giảm sút thì điều này có nhiều nguyên nhân. Tất nhiên khi điểm số thay đổi thì xếp hạng cũng thay đổi, nhưng cũng có thể là có nhiều nước được điểm cao hơn và khiến xếp hạng Việt Nam tụt dốc dù điểm số của Việt Nam không thay đổi. Cho nên điều quan trọng là nhìn vào điểm số. Xếp hạng cũng quan trọng nhưng điểm số là phần chính.
Liên kết về tham nhũng
Việt Hà: Khi quan hệ trao đổi kinh tế thương mại giữa các nước trên thế giới ngày một gia tăng, tình hình tham nhũng ở một nước có ảnh hưởng thế nào đối với tham nhũng những nước khác?
Samantha Grant: Theo tôi chắc chắn là có những liên quan. Khi những mối liên kết về kinh tế thương mại toàn cầu gia tăng thì chúng ta cũng thấy sự gia tăng những liên kết về tham nhũng. Điểm quan trọng trong báo cáo năm nay, dù là chúng ta nhìn vào điểm số của Trung Quốc hay Anh hay Mỹ là những nước có những ảnh hưởng lớn, và ngày một mạnh lên các nước ASEAN về cách mà họ làm ăn và trong tham nhũng, họ có những cơ hội để thúc đẩy việc chống tham nhũng, và thực hiện những cách làm ăn minh bạch, nói ví dụ như luật về chống đút lót của Anh mới được đưa ra.
Thế nhưng những công ty của các nước này lại thực hiện việc tham nhũng ở các nước khác mà đôi khi chúng ta đã chứng kiến, mặc dù nước của họ có điểm số nhận thức về tham nhũng rất cao. Cho nên họ làm ăn như thế nào ở các nước khác lại là một câu hỏi…. Điều mà chúng tôi đang xem xét ở Đông Nam Á là các nước này phối hợp thế nào với các công ty nước ngoài để đảm bảo là họ làm ăn minh bạch và không có tham nhũng ở nơi nào khác. …
Việt Hà: Một điểm được báo cáo đề cập đến là vấn đề các quan chức chính phủ tham nhũng che giấu tài sản của mình ở nước ngoài. Điều này đã được chứng minh ở Trung Quốc qua chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ nước này. Vậy làm thế nào để có thể chống tham nhũng hiệu quả trong nước khi mà các quan chức vẫn có thể gửi tiền và tài sản ở nước ngoài?
Samantha Grant: Những nỗ lực chống tham nhũng của một nước sẽ bị phá hỏng nếu các quan chức tham nhũng còn giấu tài sản ở các nước khác. Cho nên đây là khu vực quan trọng đối với chúng tôi để theo dõi những người chủ thực sự là ai và nạn rửa tiền… dù đó là ở Virgin Island hay Caribbean hay bất cứ nơi nào ở châu Á. Theo tôi một trong những điểm quan trọng mà chúng tôi muốn thấy là mọi nước, đặc biệt là Mỹ, các nước thuộc EU, những nước thuộc G20 nên thiết lập hệ thống đăng ký công để làm rõ ai thực sự quản lý, ai là chủ thực sự của mọi công ty, để chúng ta có thể thấy rõ những mối liên hệ và hối lộ nằm ở đâu. Họ nên yêu cầu chính các công ty của họ phải thiết lập sự minh bạch và chống tham nhũng trong công ty khi công ty của họ nói ví dụ từ Anh sang đầu tư ở Việt Nam chẳng hạn.
Khi những mối liên kết về kinh tế thương mại toàn cầu gia tăng thì chúng ta cũng thấy sự gia tăng những liên kết về tham nhũng.
- Samantha Grant
Việt Hà: Báo cáo năm nay là báo cáo thứ 20 của Tổ chức Minh bạch quốc tế về nhận thức về tham nhũng. Theo bà trong 20 năm qua, báo cáo đã giúp được gì cho các nước trong việc chống tham nhũng?
Samantha Grant: Một trong những điểm quan trọng mà báo cáo nhận thức tham nhũng đã làm được là tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công chúng hiểu được qua những con số quan trọng về nhận thức về tham nhũng ở khu vực công. Nó cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho mọi người nói về tham nhũng và tạo điều kiện cho báo chí viết về tham nhũng và để so sánh, biết được những gì đang diễn ra.
Mặc dù một mặt những điều này nghe còn nhỏ nhưng mặt khác tham nhũng vốn bị che giấu nay bị rọi ánh sáng vào ở diễn đàn công chúng thì đây là một bước tiến lớn. Cho nên thực tế là mọi người đang nói về tham nhũng và thực tế là các chính phủ đang phải đối phó với những áp lực công chúng vì họ bị xếp hạng thấp trong nhận thức về tham nhũng thì đó cũng là một kết quả của báo cáo.
Tôi có một ví dụ điển hình là Malaysia, chính phủ nước này đã rất cởi mở khi họ thấy điểm số của họ trong báo cáo không cao và họ hỏi ý kiến làm thế nào để có thể cải thiện tình hình. Cho nên thực tế là công chúng có được một công cụ đơn giản hơn để hiểu được những gì đang diễn ra ở nước họ và các chính phủ phải chịu sức ép quốc tế và bị giám sát bởi xã hội dân sự thì đó là những gì mà báo cáo đạt được trong vòng 20 năm qua.
Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
No comments:
Post a Comment