Wednesday, December 3, 2014

Giới trẻ văng tục tràn lan, vấn nạn của thành phố Hà Nội

HÀ NỘI (NV) - Những câu chửi bậy một thời chỉ xuất hiện ở những người ít học, buôn bán ghê gớm nơi góc chợ thì nay được không ít “teen” Việt Nam mặt còn “búng ra sữa” văng ra hàng ngày.

Theo Dân Trí, thay vì chào hỏi nhau bằng những câu thông thường, “teen” Hà Nội văng những từ thô lỗ để mào đầu. Nhìn người đi đường thấy “ngứa mắt” teen văng câu chửi thề tục tĩu. Bình luận, nhận xét về nhân vật A, B nào đó, các em cũng văng đủ thứ trên đời.


Hai nữ sinh Hà Nội trong một vụ cãi vã văng tục to tiếng với nhau ngoài đường. (Hình: Zing.vn)

Không chỉ nói tục ngoài đời, nhiều bạn trẻ còn sử dụng facebook như một nơi xả stress bằng những lời tục tĩu.

Mỗi lần nói chuyện, Quang học sinh lớp 10, trường trung học phổ thông Quang Trung, Hà Nội đều thêm một từ tục tĩu vào đầu câu nói. Người vô tình nghe thấy em “bắn một tràng” như vậy đều giật mình, nhưng với bạn bè Quang thì không lạ bởi đây là “bệnh kinh niên” của em này.

Không chỉ riêng Quang mắc phải thói quen xấu này, rất nhiều bạn trẻ cũng tự biến mình thành những kẻ cộc cằn, thô lỗ bằng những từ ngữ thiếu văn hóa nhưng lại xem đấy là chuyện... bình thường.

Học sinh cấp ba nói tục, học sinh cấp hai, thậm chí nhiều em tiểu học cũng văng tục “không thương tiếc.” Bích Ngọc, một nữ sinh lớp 12, trường trung học phổ thông Hai Bà Trưng có thành tích học tập tốt và luôn được thầy yêu, bạn mến.

Ngọc có hai phong cách nói chuyện trái ngược nhau: gặp bố mẹ, thầy cô thì ăn nói lịch sự, lễ phép, gặp bạn bè thì thường xuyên dùng những “từ lóng” để chửi thề như một cách thể hiện... đẳng cấp và thân mật. Khi phát ngôn ra những lời lẽ khó nghe đó, Ngọc và đám bạn thân coi là ngôn ngữ giao tiếp bình thường.

Ở ngoài đời thoải mái cho mình quyền nói tục chửi bậy, khi lên mạng facebook, Huy học sinh lớp 11 trường trung học phổ thông Phan Ðình Phùng e dè và kín đáo hơn bằng cách... viết tắt những từ nói tục.

Huy cùng các bạn của mình “vô tư” nói tục qua bàn phím bằng những cụm từ thoạt trông giống như mật mã... hoặc những từ tục tĩu đã được “cách điệu” bằng cách bóp méo phát âm, nhưng ý nghĩa bậy bạ thì bạn trẻ nào cũng hiểu.

Trên nhiều diễn đàn dành cho giới trẻ, vấn nạn nói tục vẫn luôn là một chủ đề “nóng” khi phụ huynh bày tỏ “không thể chấp nhận được,” còn nhiều bạn trẻ vẫn khăng khăng “không thấy có vấn đề gì.”

Ðối với ông Trần Hùng, quận Kim Mã, việc vô tình nghe được cậu con trai học lớp 7 dùng những từ ngữ khó nghe khi giao tiếp với bạn bè khiến ông lo ngại.

Mặc dù con trai vẫn chưa có biểu hiện vô lễ với người lớn, nhưng theo ông Hùng, nếu không uốn nắn từ sớm thì con anh rất dễ trở thành thói quen, lớn lên chút nữa, ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ có thể sẽ “tự do” văng tục cả ngày. Thậm chí con trai sẽ thô lỗ, cộc cằn, cáu giận, bực tức vô cớ với cả những sự việc nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Trong khi đó bà Hoàng Thị Hà, quận Cầu Giấy cho rằng: “Cần dạy trẻ ‘học ăn, học nói, học gói, học mở.’ Thế hệ chúng tôi không cần dùng những từ ngữ thô lỗ như vậy mà vẫn có thể nói chuyện thân mật, vui vẻ với nhau và thể hiện được cá tính của mỗi người.”

Thói quen nói tục, chửi bậy đang lây lan mạnh trong giới trẻ, ảnh hưởng nhiều đến phát triển nhân cách của nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam. (Tr.N)

12-02-2014 5:32:38 PM

No comments:

Post a Comment