BÌNH THUẬN (NV) - Ðược xây dựng đến cả triệu đô la, song mới sử dụng hơn một năm, bệnh viện huyện Hàm Tân đã xuống cấp nghiêm trọng, gây dư luận từ nhiều phía.
Theo tờ Tuổi Trẻ, ông Trần Anh Tuấn, giám đốc Sở Xây Dựng Bình Thuận có phúc trình gởi Sở Y Tế tỉnh này nêu rõ, bệnh viện hỏng do thi công không đảm bảo.
Gạch lót nền ở bệnh viện bong tróc, vỡ nát như thế này. (Hình: Tuổi Trẻ)
Bác Sĩ Nguyễn Văn Sang, phó giám đốc bệnh viện Hàm Tân, cho biết cơ quan dọn từ bệnh viện cũ về bệnh viện mới xây này từ giữa tháng 3, 2013, đến cuối tháng đã thấy xuất hiện tình trạng nứt nẻ.
“Khi nền nhà nứt nẻ như vậy thì đơn vị thi công cho sửa lại, lót gạch mới ở một số nơi, nhưng sau đó nền nhà lại phồng lên nặng hơn. Chúng tôi không yên tâm khi làm việc trong cơ sở vật chất như vầy,” Bác Sĩ Sang quan ngại.
Ngày 20 tháng 11, ông Nguyễn Thành Tâm, phó chủ tịch tỉnh Bình Thuận đã tổ chức kiểm tra thực địa tại bệnh viện Hàm Tân. Qua kiểm tra cho thấy, khối nhà hành chính-cấp cứu-xét nghiệm bị bong tróc gạch lót nền hành lang, phòng kế toán; hiện tượng thấm nước, bong sơn một số tường; sảnh và một số sàn thấm nước, bong sơn có vết nứt. Trên sân thượng của khối nhà này, nền gạch cũng bị phồng lên bất thường.
Còn tại hạng mục khối điều trị nội trú, khoa mổ, X-quang, có hai cánh cửa nhôm kính bị hư, một cửa ray bị kẹt; khoa ngoại có khu vệ sinh bị thấm, tường bị thấm tại một vị trí; khoa Ðông y nền hành lang có hiện tượng bị lún cục bộ.
Không chỉ phần vỏ là cơ sở hạ tầng của bệnh viện bị hư hỏng, phần ruột là các trang thiết bị cũng xuất hiện tình trạng hư hỏng.
Tại hội trường của khối nhà hành chính-cấp cứu-xét nghiệm, bàn ghế tại đây trong hợp đồng mua sắm do giám đốc cũ của bệnh viện, nay đã chuyển công tác ký ghi là gỗ dái ngựa, nhưng thực chất là ván ép.
Chỉ vào chân của bục phát biểu làm bằng “gỗ dái ngựa ghi trong hợp đồng,” một vị bác sĩ thốt lên: “Gỗ dái ngựa không thể bị mọt ăn nặng như thế này. Ðây là ván ép, ai mua đồ gỗ về dùng cũng biết.”
Bệnh viện huyện Hàm Tân được khởi công tháng 9, 2009 và đưa vào sử dụng tháng 3, 2013 do Sở Y Tế tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư với quy mô thiết kế 100 giường, tổng mức đầu tư trên 59 tỷ đồng (gần $3 triệu) lấy từ vốn trái phiếu chính phủ, nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động khác.
Ông Nguyễn Quốc Việt, phó giám đốc phụ trách Sở Y Tế Bình Thuận, cho biết cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ. (Tr.N)
12-02-2014 5:26:08 PM
No comments:
Post a Comment