Wednesday, December 3, 2014

'Chiếm nhà công vụ,' chuyện chỉ có ở Việt Nam

HÀ NỘI (NV) - Quốc Hội Việt Nam đang thảo luận về phương thức giải quyết tình trạng chiếm dụng nhà công vụ, một trong những vấn nạn cho thấy hệ thống công quyền ở Việt Nam không giống bất kỳ xứ nào.

Vấn đề chiếm dụng nhà công vụ bị hâm nóng sau khi vụ lùm sùm liên quan tới ông Trần Văn Truyền, cựu tổng thanh tra chính phủ bùng lên hồi đầu năm nay.


Một góc khu nhà công vụ mang tên Hoàng Cầu ở quận Ðống Ða, Hà Nội. Phần lớn nhà trong khu này bị các viên chức cao cấp chiếm dụng để cho thuê lại. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)

Ông Truyền từng là bí thư Tỉnh Ủy Bến Tre, phó chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN, sau đó làm tổng thanh tra chính phủ Việt Nam.

Khi còn đang đảm nhiệm chức vụ bí thư Tỉnh Ủy Bến Tre và tổng thanh tra chính phủ, ông Truyền nhiều lần đăng đàn, dạy dỗ về “đạo đức cộng sản,” khoe rằng có nhiều người đem tiền đến biếu nhưng ông không... nhận!

Ðến cuối tháng 2 năm nay, báo giới Việt Nam làm dư luận rúng động khi công bố một số thông tin, hình ảnh liên quan đến khối tài sản khổng lồ của ông Truyền bao gồm nhiều biệt thự, nhà mặt tiền Bến Tre, Sài Gòn. Tất cả những bất động sản đắt tiền này đều được chính quyền các địa phương, thậm chí là quân đội cấp, bán với giá rẻ hoặc cho thuê. Chưa kể một căn nhà công vụ ở Hà Nội, được chính quyền Việt Nam giao cho ông Truyền sử dụng khi ông ra Hà Nội làm việc rồi bị ông ta chiếm dụng, không chịu trả lại.

Sau khi vụ ông Trần Văn Truyền bùng lên, Bộ Xây Dựng Việt Nam chính thức thú nhận có rất nhiều nhà công vụ bị những viên chức cao cấp chiếm dụng giống như căn nhà công vụ mà chính quyền Việt Nam đã giao cho ông Truyền khi ông ta ra làm việc tại Hà Nội. Tuy nhiên cơ quan này không cho biết số lượng.

Mới đây, khi thảo luận về vấn nạn các viên chức cao cấp chiếm dụng nhà công vụ, không chịu hoàn trả sau khi đã rời khỏi chức vụ hoặc nghỉ hưu, nhiều đại biểu Quốc Hội Việt Nam khẳng định, nhà công vụ là tài sản quốc gia, chiếm dụng loại tài sản này là tham nhũng.

Ông Lê Như Tiến, phó chủ nhiệm Ủy Ban Văn Hóa-Giáo Dục-Thanh Niên-Thiếu Niên và Nhi Ðồng của Quốc Hội Việt Nam, yêu cầu thực hiện một đợt tổng kiểm tra nhà công vụ trên toàn quốc, công khai danh tính những viên chức đang sử dụng nhà công vụ để dân chúng giám sát.

Ông Tiến cho rằng, chính vì có quá nhiều cơ quan, nhiều cấp cùng quản lý nhà công vụ nên mới có sự lạm dụng không thể chấp nhận như thời gian vừa qua. Ông Tiến nói thêm, chỉ nên đầu tư, dành nhà công vụ cho bác sĩ, giáo viên, thành viên lực lượng vũ trang đến làm việc ở những vùng hẻo lánh, khó khăn về chỗ ở. Chỉ ưu đãi cho những viên chức cao cấp về nhà công vụ là không hợp lý.

Một đại biểu Quốc Hội khác tên là Trần Ngọc Vinh, ở Hải Phòng thì đề nghị tổ chức cưỡng chế, thu hồi nhà công vụ đối với những viên chức đã rời khỏi chức vụ hoặc nghỉ hưu mà không chịu hoàn trả nhà công vụ. Ông Vinh cũng cảnh báo về tình trạng có quá nhiều cơ quan thuộc Ðảng CSVN, Quốc Hội Việt Nam, chính phủ Việt Nam và tổ chức, đoàn thể cùng quản lý nhà công vụ khiến loại tài sản này bị thất thoát. Không những không trả nhà công vụ, nhiều viên chức còn tìm đủ mọi cách để mua lại những căn nhà đó với giá rẻ như cho.

Ông Bùi Ðức Thụ, thành viên Ủy Ban Tài Chính-Ngân Sách của Quốc Hội Việt Nam, nhận định, tình trạng chiếm dụng nhà công vụ xảy ra tràn lan, kéo dài là do những viên chức cao cấp chưa gương mẫu, còn các cơ quản lý thì nể nang trong khi lẽ ra pháp luật phải nghiêm minh. Ông Thụ yêu cầu cơ quan kiểm toán nhà nước phải sớm kiểm tra để công bố, hiện có bao nhiêu nhà công vụ, giá trị ra sao và đã cũng như đang sử dụng thế nào. (G.Ð)
12-02-2014 4:07:06 PM

No comments:

Post a Comment