Wednesday, December 3, 2014

Huế: Nhà thầu nhận gần 6 tỉ đồng 'chống lũ' rồi ngồi chơi

HUẾ (NV) - Tuy “khởi công” đã ba năm song “Dự án xây dựng hệ thống tiêu-thoát lũ ở khu vực Quảng Vinh-Sịa,” thuộc huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn dở dang vì nhà thầu không làm gì cả.

Huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên-Huế có một vùng trũng, thường xuyên ngập lụt, đe dọa sinh mạng, tài sản, sinh kế, sinh hoạt của hàng ngàn gia đình. Cũng vì vậy, theo đề nghị của chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế, năm 2011, chính quyền Việt Nam quyết định chi gần 35 tỉ để thực hiện “hệ thống tiêu-thoát lũ ở khu vực Quảng Vinh-Sịa,” nhằm nạo vét lòng sông Hói, xây 5.5 cây số kè bảo vệ bờ sông và toàn bộ dự án phải hoàn tất vào cuối năm 2012.


Sau khi đã nhận 6 tỉ, nhà thầu không làm gì cả và nguy cơ ngập lụt ở khu vực Quảng Vinh-Sịa còn cao hơn lúc chưa thực hiện dự án. (Hình: Tiền Phong)

Chưa rõ vì sao ban quản lý dự án xây dựng hệ thống tiêu-thoát lũ ở khu vực Quảng Vinh-Sịa lại chọn liên danh bao gồm công ty Hà Mỹ Hưng và công ty Hoàng Thiên cùng ở Hà Tĩnh làm nhà thầu thực hiện dự án này. Cũng chưa rõ vì sao liên danh vừa kể được tạm ứng gần 6 tỉ nhưng gần như chưa làm gì cả. Dự án xây dựng hệ thống tiêu-thoát lũ ở khu vực Quảng Vinh-Sịa không chỉ chưa hoàn tất mà còn ngổn ngang vì nhà thầu bày ra rồi để đó.

Ông Phan Ðình Dũng, giám đốc ban đầu tư và xây dựng huyện Quảng Ðiền, chủ đầu tư của dự án vừa kể, thú nhận, nhiều đoạn sông thuộc dự án bị nhà thầu chặn dòng nên nước sông làm lở cả hai bên bờ, bờ sông sụt lún nghiêm trọng, không chỉ đe dọa hàng ngàn hécta ruộng vườn mà còn đe dọa sinh mạng, tài sản của hàng trăm gia đình.

Ông Dũng bảo rằng, vì nhà thầu vi phạm hợp đồng, gây tác hại nghiêm trọng đến chất lượng và hiệu quả của gói thầu nên ban đầu tư và xây dựng huyện Quảng Ðiền đang “xin ý kiến” chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu và kiện nhà thầu ra tòa.

Theo ông Dũng thì nhà thầu thiếu cả năng lực tài chính lẫn khả năng chuyên môn, cũng vì vậy, nếu đề nghị của ban đầu tư và xây dựng huyện Quảng Ðiền được chấp nhận, không rõ họ sẽ thu hồi được bao nhiêu tiền. Cũng chưa rõ ai sẽ chịu trách nhiệm nếu ngập lụt xảy ra, người chết, tài sản hư hỏng, mùa màng thất bát vì những viên chức có trách nhiệm “chọn lầm” nhà thầu, khiến mục tiêu “tiêu thoát lũ” không đạt yêu cầu.

“Công trình chống lũ” vừa kể được xem như một ví dụ về tình trạng bất cập trong việc phòng chống lũ lụt tại Việt Nam.

Năm ngoái, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn của chính quyền Việt Nam loan báo, Việt Nam có khoảng 7,000 hồ, cung cấp nước cho thủy lợi và thủy điện. Trong số này, có 317 hồ chứa nước đang trong tình trạng “không an toàn,” vì được xây dựng theo phương pháp thủ công, hoặc khả năng khảo sát thiết kế của chủ đầu tư còn hạn chế. Mỗi hồ chứa nước đó có dung tích hàng triệu khối nước nên được ví von là “bom nước.”

Ðây cũng là lý do khiến năm ngoái, nhiều hồ chứa nước, đập chắn nước liên tục vỡ: Z20, Khe Mơ, Vàng Anh (Hà Tĩnh), Khe Làng, 271 (Nghệ An), Vưng (Hòa Bình), Bà Râu (Ninh Thuận),...

Theo kết quả điều tra, các hồ, đập đã vỡ đều mắc một số lỗi nghiêm trọng: Không đủ khả năng chống lũ, đập không đảm bảo kích thước, tràn thiếu khả năng xả, hoặc đập bị xuống cấp, tràn xả lũ bị hư nhưng không được sửa chữa, cống hư, nước thấm qua thân đập, mối xâm hại thân đập...

Ngoài những nguy cơ tiềm ẩn trong các hồ chứa nước dành cho thủy lợi, các hồ chứa nước dành cho thủy điện cũng đang đe dọa tính mạng của hàng trăm ngàn người. Một viên chức Bộ Xây Dựng loan báo, họ phát giác khá nhiều hồ chứa nước, đập chắn nước dành cho thủy điện không đạt yêu cầu an toàn: Bị nứt, nước thấm qua thân đập. Thậm chí đập chắn nước của một số công trình thủy điện đã bị vỡ.

Ðiểm đáng chú ý là ngay sau khi các viên chức cao cấp của chính quyền trung ương, cảnh báo về thảm họa “bom nước,” yêu cầu chính quyền các địa phương phải kiểm tra, sửa chữa gấp những hồ, đập dành cho thủy lợi, thủy điện thì các viên chức chính quyền địa phương không muốn nhận trách nhiệm.

Một viên chức chịu trách nhiệm quản lý các hồ chứa nước dành cho thủy lợi của tỉnh Ðắk Nông bảo rằng, tỉnh của ông ta có khoảng 200 hồ, đập dành cho thủy lợi. Khoảng một nửa số hồ, đập này không an toàn nhưng ông ta không thể làm gì khác vì không có tiền. Ðể sửa chữa số hồ, đập đang trong tình trạng không an toàn, cơ quan của ông ta cần 500 tỉ nhưng ngân sách chỉ cấp 15 tỉ.

Rất nhiều viên chức địa phương tỏ ra đồng tình với ý kiến vừa dẫn. Viên giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Quảng Ngãi, nói thêm, các hồ chứa nước ở Quảng Ngãi vừa phải tích nước chống hạn, vừa phải kiêm thêm chức năng chứa lũ và tất cả đều không an toàn, có thể vỡ bất kỳ lúc nào. Ông ta đã “kêu gào” nhiều lần rằng sự an toàn của những hồ chứa nước này đe dọa hàng trăm ngàn dân nhưng chưa bao giờ nhận được đủ tiền để sửa chữa.

Tuy nhiên trên thực tế, khi có tiền thì việc sử dụng tiền chẳng khác gì “Dự án xây dựng hệ thống tiêu-thoát lũ ở khu vực Quảng Vinh-Sịa,” thuộc huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. (G.Ð)

12-02 2014 4:05:10 PM

No comments:

Post a Comment