Monday, December 29, 2014

Buôn lậu từ Trung Quốc làm đổ vỡ sản xuất trong nước

(Baodatviet) - Tình trạng buôn lậu “ngày càng phổ biến” từ Trung Quốc về Việt Nam đang “làm đổ vỡ sản xuất trong nước".

Báo cáo, do Trung tâm WTO thuộc VCCI thực hiện, khẳng định: “Việc nhiều sản phẩm tiêu dùng trong nước sản xuất được, nhưng lại bị sản phẩm cùng loại nhập lậu tràn lan, với chất lượng thấp từ biên giới là nguyên nhân phá hoại, “làm đổ vỡ sản xuất trong nước.”

Những hệ lụy mà Việt Nam phải chịu là Chính phủ thất thu nguồn thuế từ hàng hóa nhập khẩu; và làm giảm đáng kể hiệu quả kiểm soát chất lượng hàng hóa và các chính sách quản lý đối với các sản phẩm hạn chế/cấm xuất-nhập khẩu.

Buôn lậu thuốc lá
Buôn lậu thuốc lá

Điều này ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng quan trọng như môi trường, an ninh, tính mạng sức khỏe, hiệu quả sản xuất...

Hơn nữa, tình trạng buôn lậu công khai trong một thời gian dài còn là điều kiện nuôi dưỡng các phương thức kinh doanh chụp giật, không chuyên nghiệp, thiếu bền vững, thói quen coi thường pháp luật của một bộ phận thương nhân cũng như làm hỏng một bộ phận cán bộ Nhà nước, tạo điều kiện cho tham nhũng, khiến cho các doanh nghiệp nội địa làm ăn chân chính bị thiệt hại nặng nề, thậm chí không thể cạnh tranh nổi.

TBKTSG dẫn số liệu thống kê xuất nhập khẩu qua biên giới của Việt Nam và Trung Quốc luôn có sự chênh lệch, trong đó số liệu phía Trung Quốc thường cao hơn số liệu do Việt Nam thu thập, phản ánh tình trạng buôn lậu ngoài tầm kiểm soát của phía Việt Nam.

Ví dụ năm 2012, Việt Nam thống kê nhập khẩu từ Trung Quốc 28,8 tỉ đô la Mỹ, trong khi số liệu của Trung Quốc là 34 tỉ, cao hơn 18% so với số liệu của Việt Nam.

Trong khi đó, số liệu của Việt Nam về xuất khẩu sang nước này là 12,8 tỉ đô la Mỹ, trong khi Trung Quốc lại ghi nhận số liệu là 16,2 tỉ, cao hơn 26,6% so với số liệu của Việt Nam.

Báo cáo phân tích, nguyên nhân của sự chênh lệch này xuất phát từ lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu lậu qua biên giới không được khai báo và trốn thuế. Số liệu chênh lệch lớn tới 20%-25% tổng thương mại cho thấy hiện tượng buôn lậu đang đang diễn biến phức tạp.

“Việc kiếm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu hiện đang quá lỏng lẻo, khiến nhiều sản phẩm chất lượng kém được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, gây thiệt hại cho người tiêu dùng,” báo cáo khẳng định.

67.823 doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng sản xuất

Tại một báo cáo khác, số liệu thống kê cho biết, năm 2014 cả nước có 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, bao gồm 9.501 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể, giảm 3,2% so với năm trước.

Phần lớn số lượng doanh nghiệp giải thể là những doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng; 58.322 doanh nghiệp khó khăn phải ngừng hoạt động, tăng 14,5% so với năm trước.

Trong đó, 11.723 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 46599 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, Tổng cục Thống kê phân tích thêm.

Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2014 là 1027,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm 595,7 nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 432,2 nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, thông cáo cụ thể thêm.

Thứ Ba, 30/12/2014 07:32
An An (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment