ĐẮK NÔNG (NV) - Lại vừa có 3 trong số 5 cảnh sát giao thông của Công An huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông bị dân vây, đánh trọng thương, khi họ tập trung để phản kháng, chống cảnh sát giao thông lạm quyền.
Dân vây cảnh sát giao thông ở thành phố Kon Tum hồi tháng 7. Đây là một trong hàng trăm vụ dân vây cảnh sát diễn ra trong năm nay. (Hình: Đất Việt)
Vài tờ báo ở Việt Nam vừa chỉ trích hai thanh niên ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, gọi họ là “côn đồ” bởi đã kháng cự, không chấp nhận chuyện để một nhóm cảnh sát giao thông thu giữ xe của họ với lý do “vi phạm giao thông.” Những người này đánh trọng thương một thượng úy, một trung úy và một trung sĩ cảnh sát giao thông, cưỡng đoạt 1.8 triệu đồng của cảnh sát giao thông...
Tin tường thuật về sự kiện vừa kể gián tiếp cho thấy, dân chúng lại vừa phản kháng việc cảnh sát giao thông lạm quyền.
Trong tin, “Ba cảnh sát giao thông bị hai tên côn đồ đánh nhập viện, cưỡng đoạt 1,8 triệu đồng,” vài tờ báo ở Việt Nam cho biết, chiều 21 tháng 12, hai thanh niên ngụ ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã “chửi bới, quấy rối” một “Tổ Tuần Tra-Kiểm Soát Giao Thông với năm cán bộ, chiến sĩ của Công An huyện Tuy Đức đang làm nhiệm vụ,” phản đối chuyện bị tạm giữ xe vì “vi phạm giao thông.”
Những tờ báo này cho biết hai thanh niên vừa kể đã “hô hào, kích động một số người dân chống đối, yêu cầu trả lại xe bị tạm giữ” khiến nhóm cảnh sát giao thông “phải rút về xe tuần tra, chờ Công An huyện Tuy Đức đến giải cứu.”
Tin tường thuật về vụ phản kháng vừa kể cho biết là sau đó đám đông còn phản kháng chuyện “cảnh sát đánh dân” và dù các thành viên của “Tổ Tuần Tra-Kiểm Soát Giao Thông” đã giải thích nhưng đám đông “không hiểu, nên hùa theo hai đối tượng” và “càng lúc càng hung hăng hơn.”
Một số tờ báo đưa tin về vụ phản kháng ở Tuy Đức kể thêm, “Một số đối tượng đã leo lên xe tuần tra của cảnh sát giao thông lấy lại hai chiếc xe tang vật bị tạm giữ rồi mang đi. Trước tình thế khẩn cấp, Tổ Tuần Tra-Kiểm Soát Giao Thông' cho một chiến sĩ cảnh sát giao thông điều khiển xe chở tang vật đi nơi khác. Tuy nhiên, nhóm người này tiếp tục đuổi theo chặn xe rồi xông vào, dùng hung khí đập kính xe làm các kính xe hư hỏng hoàn toàn.”
Báo chí của chính quyền Việt Nam nói rằng hai thanh niên đã bị Công An huyện Tuy Đức bắt giữ sau vụ phản kháng là “táo tợn” bởi đã “vi phạm giao thông mà còn yêu cầu Tổ Tuần Tra-Kiểm Soát Giao Thông phải đưa 1,8 triệu thì mới cho xe tuần tra rời khỏi hiện trường.”
Tuy báo chí của chính quyền Việt Nam khẳng định việc yêu cầu đưa 1.8 triệu này là “cưỡng đoạt,” song ở một phần khác trong tin tường thuật về vụ phản kháng này thì lại cho biết, 1.8 triệu là khoản các “đối tượng” đòi cảnh sát giao thông phải bồi thường cho việc làm điện thoại của họ bị hư “trong quá trình giằng co với Tổ Tuần Tra-Kiểm Soát Giao Thông.”
Báo chí của chính quyền Việt Nam không cho biết tại sao Tổ Tuần Tra-Kiểm Soát Giao Thông lại chấp nhận trả 1.8 triệu để các “đối tượng rời khỏi hiện trường.”
Báo chí của chính quyền Việt Nam cũng không cho biết, Tổ Tuần Tra-Kiểm Soát Giao Thông lấy từ đâu 1.8 triệu để đưa cho các “đối tượng.”
Nhằm chống cảnh sát giao thông mãi lộ. Công an Việt Nam đã cấm cảnh sát giao thông mang theo tiền khi Tuần Tra-Kiểm Soát Giao Thông. Nếu lực lượng chống mãi lộ bắt được cảnh sát giao thông có tiền trong người, tiền đó sẽ bị xem là tiền do mãi lộ mà có.
Tuy đám đông giúp hai thanh niên lấy lại hai chiếc xe hai bánh gắn máy bị tạm giữ và đánh ba trong số năm cảnh sát giao thông trọng thương nhưng Công An huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông vẫn cáo buộc hai thanh niên đã phản đối cảnh sát giao thông tạm giữ xe của họ là “chống người thi hành công vụ,” “cướp tang vật” và “cưỡng đoạt tài sản.” (G.Đ)
12-28-2014 5:54:45 PM
No comments:
Post a Comment