Monday, December 29, 2014

Câu chuyện cuối năm 2014

Cuối năm 2014, chánh quyền Cộng Sản Việt Nam đi hai hàng, mặt ngoài đi theo Hoa Kỳ và các nước tự do vùng Thái Bình Dương cùng với Phi Luật Tân đưa Trung Cộng ra tòa án quốc tế ở Haque để giải quyết vấn đề tranh chấp biển Ðông, bên trong chính quyền Cộng Sản Việt Nam đi theo chính sách của chính quyền CSTQ đàn áp các thành phần đối kháng, tự do Dân Chủ Tây Phương không có chỗ đứng trong chế độ Cộng Sản.

Tình trạng đàn áp nhân quyền, bắt giam các nhà viết blog trên mạng lưới như bọ Nguyễn Quang Lập, đưa Bùi Thị Minh Hằng ra tòa và tống xuất Luật Sư Cù Huy Hà Vũ và Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải qua Hoa Kỳ, lên cao giống như cuối năm 2012. Hai năm qua chính sách của CSVN về nhân quyền không đổi. Ðiếu Cày qua Hoa Kỳ được đón tiếp như anh hùng đã cho thấy bộ mặt của CSVN đằng sau những tiến bộ về kinh tế. Với dáng dấp chững chạc và nhã nhặn, Ðiếu Cày con người tranh đấu cho tự do và dân chủ tượng trưng cho giới tranh đấu trong nước đã bị nghi ngờ là “chính ủy” của chính quyền kêu gọi hòa hợp hòa giải quên hận thù trong khi ông chỉ đi theo con đường của Hội Quan Sát Nhân Quyền giống như chủ trương của Liêu Hữu Ba nhà tranh đấu ở Trung Hoa được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2010 đã viết cuốn sách tựa “Không Kẻ Thù, Không Hận Thù.” Ðiếu Cày đã được CSVN phóng thích nhờ sự can thiệp tích cực của Hội Ân Xá quốc tế. Tiếng nói của Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải rồi cũng sẽ như những tiếng nói đối kháng khác, tắt dần như những người bị trục xuất ra khỏi quê hương như Ngụy Kinh Sinh và những nhà lãnh đạo phong trào Bức Tường Dân Chủ ở Bắc Kinh 1978.

Từ ngày ông Aryyeh Neier giám đốc sáng lập Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Right Watch, HRW) từ chức vào tháng 6 năm 2012, các thành viên của hội ở các nước Trung Hoa, Việt Nam, Phi Châu vẫn tiếp tục đi con đường tranh đấu minh bạch của hội khác với chính sách bưng bít của các chính quyền độc tài. Tổ chức quan niệm một xã hội cởi mở, xây dựng nền tảng hạ tầng kiến trúc cho hoạt động nhân quyền từ Ðông Âu, Xô Viết, Phi Châu, Á Châu từ thời chiến tranh lạnh. Thử thách của tổ chức là những kỳ thị bất công, độc tài dưới bất cứ hình thức nào cùng những phương pháp đàn áp của các chính quyền từ tù đày, tra tấn, đàn áp đối lập. Trong 50 năm qua hội đã đóng góp vào việc chấm dứt Chiến Tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Xô Viết, hội đã và đang tiếp tục đương đầu với ý thức hệ Cộng Sản nhờ vậy hội đã giúp phần vào việc xây dựng dân chủ của các quốc gia hậu Cộng Sản Ðông Âu và Châu Mỹ La Tinh. Hội cũng can thiệp vào những vấn đề nhân quyền ở Hoa Kỳ một quốc gia đặt nhân quyền lên hàng đầu từ thời Tổng Thống Jimmy Carter.

Nhân quyền đã thắng sức mạnh của các chính quyền độc tài nhờ sức mạnh toàn cầu hóa qua các mạng lưới nhân quyền. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International, A.I) đi song song với Hội Quan Sát Nhân Quyền theo tôn chỉ bất bạo động, hội gởi thơ đến các chính quyền yêu cầu can thiệp cho từng cá nhân, từng trường hợp như trường hợp của Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải gần đây.

Hội Quan Sát Nhân Quyền không chỉ bảo vệ nhân quyền theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc mà còn lấn qua Dân quyền như họ đã can thiệp vào dân quyền cho những người da đen ở Hoa Kỳ. Nhờ Hội Quan Sát Nhân Quyền HRW mà Ðông Âu có Hiệp ước Helsinski đưa đến Hiến Chương 77 với tác giả là Vaclav Havel cựu Tổng Thống Tiệp Khắc cựu tù nhân Cộng Sản, nhà văn phản kháng đã chủ trương sức mạnh của tù nhân, của những người bị chế độ Cộng Sản đàn áp là “sức mạnh của những người không quyền lực,” sức mạnh của những người tay không, không súng đạn đã đánh đổ “Ðế quốc quỷ Xô Viết” năm 1991, giải phóng các quốc gia Cộng Sản Ðông Âu. Sức mạnh ấy đằng sau bức tường Dân Chủ nhưng bị đứng lại tạm thời sau biến cố Thiên An Môn.

Cộng Sản TQ và CSVN đã cấm mạng lưới thông tin, cấm tự do ngôn luận, cấm tự do phát biểu được ghi lại trong hiến chương Liên Hiệp Quốc với lý luận ý tưởng nhân quyền là lý tưởng của nền văn minh Tây Phương. “Bức tường dân chủ” năm 1978 và những tranh đấu ở Trung Hoa và Việt Nam từ đó là những tranh đấu của những người sống dưới chế độ Cộng Sản độc tài. Ý kiến của “bức tường dân chủ” là ý niệm dân chủ của Trung Hoa với chữ Nhân trên 5000 năm trong nền triết học Khổng Mạnh với Mạnh Tử xem “dân là trọng.” Giáo dục dân không phải chỉ nuôi ăn như nuôi súc vật, đánh đập đàn áp khi dân không vâng lệnh.

Ðược sống trong một nước tự do dân chủ như Hoa Kỳ vẫn là một ước muốn của đa số người dân trên các quốc gia đang phát triển trên thế giới kể cả Trung Hoa một cường quốc đang lên. Sau thế chiến thứ hai các nước chậm tiến đã đồng lòng ký hiệp ước nhân quyền Liên Hiệp Quốc để đi theo con đường tiến bộ và vào vòng trật tự của thế giới. Ảnh hưởng của các quốc gia kỹ nghệ Tây Phương rất mạnh trên sự phát triển và trong các chương trình kinh tế hậu chiến các quốc gia thứ ba phải ký hiệp định để không bị xem là các quốc gia bị cộng đồng thế giới ruồng bỏ. Ðến đầu thế kỷ thứ 21 các quốc gia nhỏ lại có một lựa chọn khác vì Trung Hoa đang lên. Thay vì nhìn về Phương Tây các chính quyền Phi Châu cũng như Việt Nam, Bắc Hàn v.v... nhìn về Phương Ðông, một “Ðông Phương Hồng” với mô hình Trung Quốc. Các quốc gia này nhận tiền đầu tư của chính quyền CSTQ mà không bị ràng buộc phải tôn trọng nhân quyền. Trung Cộng và Việt Nam đã thách thức sự đòi hỏi của mô hình dân chủ Tây Phương trong đó Dân Chủ là điều kiện cần phải có để phát triển kinh tế như chương trình Marshall cho Ðức sau Thế Chiến Thứ Hai.

Sau cơn khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 2008, Trung Cộng càng có lý do ngạo mạn về mô hình của họ. Nhờ kinh tế chỉ huy mà Trung Hoa thịnh vượng và có nền kinh tế sắp qua mặt Hoa Kỳ trong năm 2015, dựa theo con số tổng sản lượng quốc gia GDP, Trung Hoa qua mặt Hoa Kỳ, mười năm sớm hơn các nhà kinh tế gia tiên liệu. Hoa Kỳ vẫn giữ vai trò siêu cường quốc duy nhất, quân đội mạnh nhất với nhiều căn cứ quân sự khắp thế giới, chi tiêu quốc phòng của Hoa Kỳ bằng tổng số chi tiêu của 10 quốc gia mạnh nhất sau Hoa Kỳ cộng lại. Trung Hoa qua mặt Hoa Kỳ nhưng là một quốc gia vô trách nhiệm không nhận lãnh những trách nhiệm của những tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hoặc vì sợ hay vì bản chất của chế độ CSTQ.

Lịch sử thế giới là một sự biến chuyển không ngừng, hai trăm năm trước sau khi đánh bại Hoàng Ðế Napoleon, Anh Quốc đã lãnh đạo thế giới trong hơn một trăm năm sau đó đến Hoa Kỳ. 45 năm sau Thế Chiến Thứ Hai, Hoa Kỳ và Xô Viết thành hai siêu cường quốc với hai ảnh hưởng khác biệt trên mọi mặt từ ý thức ý tưởng, quan điểm chính trị và kinh tế Cộng Sản Xô Viết sụp đổ, Trung Cộng đang lên về mặt kinh tế nhưng chưa cho thế giới thấy phát minh, sáng kiến, ý tưởng, viễn kiến về một thế giới mới ngoại trừ chính sách của chế độ ngụy Khổng Tử “Tôn quân” Việt Nam bám theo đuôi “con Rồng Ðỏ Trung Quốc “để đi lên. Con Rồng Việt Nam cũng giống như con Rồng Trung Hoa có hai bộ mặt. Các nhà kinh tế của ngân hàng thế giới và quỹ tiền tệ quốc tế đã khen ngợi Việt Nam là tấm gương cho các nước đang phát triển. Từ năm 1985, hơn hai mươi năm cải tổ kinh tế, kinh tế Việt Nam đang phát triển ở mức 5.4%, tỷ lệ thất nghiệp thấp, dân trí cao 94%, có học chỉ có 6% mù chữ. Nhá báo Anh Owell Jones phỏng vấn đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội được biết con số đối kháng chống chính quyền chỉ có 70 người hầu hết vì lý do tôn giáo. Những người về Việt Nam du lịch cũng khen ngợi các thành phố đẹp khang trang như Ðà Nẵng, Nha Trang.

Câu chuyện Việt Nam bây giờ như “câu chuyện của hai thành phố” của Charles Dickens. Nhà báo Anh khác, ông Bill Hayton qua cuốn “Việt Nam: con rồng nhỏ đang bay lên” trong đó Bill Hayton có cái nhìn giống như Cù Huy Hà Vũ, Ðiếu Cày và những nhà Viết Blog khác. Việt Nam với nền giáo dục suy đồi giả dối, bằng cấp giả. Việt Nam với nền kinh tế quyền lợi năm trong tay con ông cháu cha, “Con cháu các cụ cả.” Việt Nam với nền văn hóa Tàu “con Vua thì được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa” tệ hơn thời trước năm 1975 với nạn chiếm nhà chiếm đất, tham nhũng và hối lộ.

Những người về Việt Nam du lịch và các nhà báo ca ngợi thành quả kinh tế của CSVN cũng giống như thành phần phản chiến ca ngợi Cộng Sản trong thời kỳ chiến tranh để người Việt miền Nam có câu nói để đời: “Chỉ có người Việt Nam ở Việt Nam mới hiểu được Việt Nam.”

Trong năm 2014, Hoa Kỳ đã bận tay với quân Hồi Giáo quá khích ở Trung Ðông, tranh chấp Palestine và Do Thái kéo dài trong 70 năm, để thế lực Trung Cộng lên tưởng chừng như không cản được. Sức mạnh tài chánh của Hoa Kỳ và Tây Phương cũng bị suy suyển không còn khả năng thay đổi thế giới. Cấm vận không hiệu quả như trước. Khối lượng tiền tệ lớn của thế giới không chỉ qua một con đường duy nhất trên thế giới, Ngân Hàng thế giới dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ.

Ảnh hưởng mô hình Trung Quốc không những chỉ ở Phi Châu, Việt Nam mà còn đến các nước Ðông Âu cựu Cộng Sản. Thủ tướng Hung Gia Lợi Victor Orban lập trường lung lay: “Khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới đã cho thấy sự yếu kém của mô hình dân chủ Tây Phương, hội viên Liên Hiệp Âu Châu không đoàn kết, các cơ quan bất vụ lợi NGO là các cơ quan gián điệp” nghe như là những lời tuyên bố của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng.

Thế giới trong tháng 12 năm 2014 bỗng nhiên thay đổi, mô hình kinh tế Hoa Kỳ và Tây Phương mạnh, thị trường chứng khoán lên cao trong khi giá dầu giảm xuống nhanh hơn sự tưởng tượng của luật cung và cầu. Nga bị ảnh hưởng mạnh, giá dầu xuống, tiền Nga như tờ giấy lộn, các công ty Hoa Kỳ Apple và GM ngừng buôn bán. Dân Nga không tiền sắm quà Giáng Sinh, nợ bằng tiền Mỹ kim trả bằng tiền Nga dân Nga gánh thảm họa vì TT V. Putin. “gieo gió gặt bão” từ Crimea qua Georgia. TT Putin học bài học kinh tế dầu hỏa giống như trong truyện Hunger Games, phần ba Mockingjay vừa thành phim của Susan Collins: “Panem & Circeysen,” “Bánh Mì và Xiệc” thiếu bánh mì, dân đói, TT Putin không còn sức để làm những trò xiệc ở vùng Bắc Hải. Hoa Kỳ nay chỉ còn đối phó với Hoàng Ðế Tập Cận Bình người đã nói thẳng vào mặt TT Obama không được can thiệp vào nội bộ Trung Cộng vào ngày gặp mặt giữa tháng 11, năm 2014. Tập cận Bình con người kiêu ngạo với vẻ mặt tươi cười đang đánh lừa nhiều người đã tập trung quyền vào tay như Tần Thủy Hoàng. Tuyên bố vẫn đi theo con đường của Mao Trạch Ðông, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã phán xét Mao Trạch Ðông đã có lỗi lầm giết hơn 100 triệu người nhưng “công nhiều hơn tội” con đường Mao Trạch Ðông là con đường đúng. Ði theo con đường ấy, thay Cách Mạng Văn Hóa là chiêu bài chống tham nhũng, thanh toán Chu Vĩnh Khang của Tập Cận Bình cho thấy bộ mặt giả dối của họ Tập. Ngày mới lên cầm quyền Tập Cận Bình đã đóng cửa mạng lưới tài chính Bloomberg khi họ công bố gia tài họ Tập hơn 700 triệu Mỹ kim và Thủ Tướng Ôn Gia Bảo cùng gia đình có tài sản hơn 2 tỷ Mỹ kim. Hoàng Ðế Tập Cận Bình đã hành xử như các hoàng đế Trung Hoa trong những chuyện Tàu Tam Quốc Chí với Khổng Minh luôn luôn khuyên “Chó không nên qua mặt chủ!” Ông Chủ Tập Cận Bình đang dạy bầy khuyển trong đảng CSTQ chứ không chống nạn dịch tham nhũng...

Tần Thủy Hoàng của Trung Hoa vào thế kỷ thứ 21, tập trung quyền hành, cai trị độc đoán với chủ đề thống nhất và hòa bình Trung Quốc. Muốn thành Hoàng Ðế, Tập Cận Bình cần học lịch sử từ thời Hoàng Ðế Napoleon đế quốc Pháp. Hai trăm năm trước, Napoleon lên nắm quyền, đế quốc Pháp đe dọa các nước láng giềng, sự hung hãn của Napoleon đã gây ra chống đối và liên minh các nước Âu Châu đã được thành lập năm 1812. Anh đã viện trợ cho các nước láng giềng Ðức, Bồ Ðào Nha, Phổ, Thụy Ðiển và Nga. Napoleon bại trận bị bắt đi đày. Ðức không học được bài học lịch sử qua hai trận thế chiến thứ nhất và thứ hai. Xô Viết lâm vào tình trạng tương tự. Chiến thuật bao vây của thế giới với những kẻ hung hãn do Anh cầm đầu được gọi là cuộc bao vây Anglo-Saxon, chiến thuật ấy tránh đụng độ trực tiếp với kẻ thù hung bạo, giới hạn đối đầu tối đa, muốn giết con thú dữ không gì tốt hơn là dùng những con chó mèo dữ hay những con vật khác nhảy vào cắn càn. Hai cuộc thế chiến cho thấy chiến thuật có hiệu quả. Sau năm 1945, Xô Viết đã đụng độ với liên minh Bắc Ðại Tây Dương tiền thân khối Nato. Khối Nato bao gồm những nước lớn và nước nhỏ, khả năng khác nhau có lúc mạnh lúc yếu, có lúc không đoàn kết nhưng sự trung thành đã đưa đến sự cộng tác thành công thêm vào sự ngoại giao của khối với Hoa Kỳ, Nato đã đánh bại đế quốc Xô Viết.

Trung Cộng đang lên nhanh là một sự đe dọa cho hòa bình thế giới. Quân đội chưa đi mạnh để đấu với Hoa Kỳ nhưng tiềm lực đang lên. TC khoe khoang các chiến đấu cơ sẽ hạ chiến đấu cơ Hoa Kỳ dễ dàng. Hạm đội với hàng không mẫu hạm mới đã phô trương và khiêu khích các nước láng giềng ở Biển Ðông. Chính sách “lưỡi bò” của Trung Cộng ở Biển Ðông giống như lòng dạ Tập Cận Bình muốn “liếm” tất cả các nước láng giềng đã tạo ra một đồng minh Ấn, Nhật, Brunei, Phi Luật Tân, Hoa Kỳ. Nga với những quyền lợi ở Thái Bình Dương có ngày sẽ thay đổi để gia nhập liên minh. Lịch sử cho thấy chiến thuật chiến lược ngắn hạn mạnh hơn chính trị và chính trị bao giờ cũng thay đổi theo quyền lợi. Trung Cộng không thể nào chống đã được với liên hiệp quân sự mới của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Hoàng Ðế Tập Cận Bình đang phạm lỗi của Hoàng Ðế Napoleon và Ðức Quốc Xã.

Tập Cận Bình nhắc nhở dân Trung Hoa mối nhục ngũ cường xâu xé và mới đây là “cuộc cưỡng hiếp Nam Kinh” của Nhật để tạo ra tinh thần quốc gia quá khích, họ Tập tự tin nhưng cũng như Napoleon và Hitler, Tập Cận Bình quên những bài học lịch sử và quên cả câu ngạn ngữ Trung Hoa: “Mãnh hổ nan địch quần hồ!”
Theo Người Việt-12-29- 2014 7:01:19 PM
Việt Nguyên

No comments:

Post a Comment