Monday, December 29, 2014

Khép năm cũ lại, bước qua năm mới

Mùa Hè năm 2013, tôi gặp nhà báo Bùi Tín ở Paris, được biết ông đã trên 80 tuổi, đi lại bình thường, đầu óc minh mẫn. Ông viết khỏe, là cây bút thường xuyên trên VOA Blog.

Tôi hỏi thăm, chúc sức khỏe ông, ông cười và nói: “Phải sống thi với Cộng Sản Việt Nam chứ!” Tôi buông một câu (hơi bị chua chát) làm ông mất hứng “Nếu vậy thì bác thua là cái chắc!”

Có lẽ tâm lý người già thường hy vọng và lạc quan. Khi chiến dịch vận động UPR (Universal Periodic Review) được người Việt hải ngoại kết hợp với một số blogger trong nước thực hiện rầm rộ ở Washintong DC va ở Thụy Sĩ, trong một bài viết nhà báo Bùi Tín cho đây là một bước ngoặt quan trọng trong việc thể hiện quyền con người và cho rằng năm 2014 sẽ có những đột biến cho lộ trình cho tự do và dân chủ.

Ðọc bài viết, tôi chỉ mỉm cười vì không quen có cái nhìn của một người đeo kính màu hồng mà thường đánh giá mọi vấn đề với con mắt thực tế.

Trong bài “Ðẩy năm cũ qua đi” trên báo Người Việt cuối năm 2013 sau khi phân tích tổng hợp các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam hiện tại, tôi đã viết:

“Tập đoàn cai trị cộng sản vẫn tiếp tục ngự trị, mà xem chừng còn lâu. Vẫn là xã hội thụ động và nhẫn nhục ấy của 90 triệu người. Trái đất vẫn quay đều. Dân chủ và nhân quyền dường như không có chỗ trên vùng đất Việt Nam này. Mà có vẻ đa số cũng chả hiểu thế nào là dân chủ và nhân quyền, nên không có nhu cầu muốn thay đổi để đời sống tốt đẹp hơn. Vẫn cứ ngu ngốc nghĩ rằng, nếu không có đảng thì làm gì có ngày nay!

Ðẩy năm cũ qua đi với những nghĩ suy và trăn trở. Sẽ chẳng có một cuộc cách mạng dân chủ nào trong năm 2014. Các hoạt động dân chủ, nhân quyền có thể còn bị trấn áp tệ hại hơn. Ðây là một thách thức mà chúng ta sẽ đối diện trong cuộc tranh đấu còn lâu dài này.”

Năm 2014 vừa qua nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều thách thức. Giá dầu trượt dốc làm nguồn thu ngân sách từ xuất cảng dầu thô (khoảng 8 triệu tấn) cũng giảm theo. Dự kiến bội chi ngân sách năm 2015 là 5% chắc chắn sẽ phải tăng lên, khi một đồng USD giá dầu giảm, ngân sách nhà nước mất 1,000 tỷ đồng.

Trong năm 2014, nợ công theo The Economist là 86.2 tỷ USD trong ngày 25 tháng 12, tăng 10.3% so với năm 2013 (chiếm 60.3% GDP theo con số chính thức); tổng nợ của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã vượt 1.5 triệu tỷ đồng (không được tính hết vào nợ công), trong đó nợ khó đòi là 10,329 tỷ đồng; Theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's thì nợ xấu Việt Nam ít nhất phải chiếm 15% tổng dư nợ.

Tuy nhiên so với các nước trong khu vực Ðông Nam Á nợ bình quân Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chưa phải là yếu tố có thể làm sụp đổ nền kinh tế. Người ta vẫn có cách xoay xở, giật gấu vá vai như vay nợ mới trả nợ cũ, hoặc phát hành trái phiếu quốc tế, tức là cũng một phương thức vay nợ nhưng kéo theo nguy cơ lạm phát.

Trong khi đó, kiều hối tăng dần qua từng năm, năm 2008 đạt 6.81 tỉ USD, 2 năm sau tăng lên 8.26 tỷ USD, năm 2012 tăng lên 10 tỉ và năm 2013 - 11 tỉ USD, năm 2014 khoảng 12 tỷ. Tiền tươi thóc thật tự dưng chảy về Việt Nam (từ Mỹ chiếm gần 2/3). Khoản tiền này vượt cả số tiền xuất cảng dầu mỏ trong một năm, là nguồn vốn lớn thứ hai tại Việt Nam (sau vốn FDI), lớn hơn cả vốn ODA đã giải ngân. Với tổng lượng kiều hối 90-100 tỷ USD trong 25 năm qua, dòng tiền viện trợ không hoàn lại này trở thành một nguồn tài chính dồi dào cứu cánh cho chế độ

Năm 2014, nhà cầm quyền đã trả tự do trước thời hạn cho một loạt tù nhân lương tâm, nhưng một số vừa ra tù thì qua đời vì bệnh tật hiểm nghèo như trường hợp thầy giáo Ðinh Ðăng Ðịnh hay bị nhiễm HIV như anh Huỳnh Anh Trí. Một số người khác, đáng kể là Ðỗ Thị Minh Hạnh, Vi Ðức Hồi, Cù Huy Hà Vũ, Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải được trả tự do dường như là kết quả của việc Quốc Hội Mỹ nới lỏng cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Ðộng thái này của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã khiến nhiều quan chức Mỹ và phương Tây vội vã nhận định “Việt Nam có tiến bộ về nhân quyền.” Tuy nhiên họ đã nhầm to! Nhà tù nhanh chóng “thu nạp” thêm các thành viên mới: blogger “Anh Ba Sàm” Nguyễn Hữu Vinh, blogger “Người Lót Gạch” Hồng Lê Nhật và blogger “Quê Choa” Nguyễn Quang Lập. Thủ thuật và mánh lới của nhà cầm quyền không mảy may thay đổi. Vẫn là sự láu cá, dối trá, tráo trở nhằm đạt được mục đích. Một sự đổi chác không hơn không kém!

Trong ngày 21 tháng 12 năm 2014, làm việc với lãnh đạo Bộ Công An về kết quả công tác năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ 2015, ông Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, “Bước sang năm 2015, lực lượng công an toàn quốc sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm; không để xảy ra bạo loạn, khủng bố, hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; bảo vệ tuyệt đối an toàn đại hội đảng các cấp tiến tới đại hội lần thứ XII của đảng và các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.”

Tất cả những điều trên cho thấy sự đàn áp những tiếng nói dân chủ và nhân quyền sẽ gia tăng thô bạo hơn trong năm 2015.

Trong khi đó, xã hội Việt Nam bế tắc, chết lâm sàng về ý thức phản kháng chính trị. Dù đâu đó có sự bất mãn của người dân về chủ trương, chính sách của đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng đa số cam phận, lèo lái để sống trong văn hóa sợ hãi, nô lệ và ngu dốt.

Một số ít cá nhân tham gia vào các hoạt động tranh đấu dân chủ và nhân quyền nhưng phạm vi hạn hẹp và gặp muôn vàn trở ngại vì sự trấn áp và kiểm soát của nhà cầm quyền.

Vẫn còn những cảnh thanh niên phấn khích đổ xô đi đón sao Hàn; hàng trăm ngàn người chen lấn, đạp lên nhau đi xem khu du lịch Ðại Nam miễn phí; hàng ngàn thanh niên cầm ảnh Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đổ xô ra đường hò hét như bị động kinh sau một trận thắng bóng đá của một giải khu vực...

Dân chúng có thể ào ạt xuống đường vì được xem, được ăn miễn phí, vì tự sướng, nhưng vì quyền được sống dễ thở hơn, tự do hơn - thì không! Nảy sinh ra một phong trào tranh đấu rộng lớn trong một xã hội này quả thật là khó khăn như tuyết rơi trên sa mạc.

Năm 2015 sẽ là năm mà trên sân khấu chính trường diễn ra cuộc đấu đá âm thầm nhưng quyết liệt giữa các phe nhóm của đảng Cộng Sản Việt Nam tranh giành quyền lực trong đại hội đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016.

Nguyễn Tấn Dũng còn lắm tham vọng và khôn ngoan trong ứng xử. Những tuyên bố “chống Tàu” hùng hồn của ông ta đã dễ dàng làm xúc động những người nhẹ dạ, cả tin. Trong 8 năm đứng đầu chính phủ vừa qua, chính sách của ông ta đã đẩy sâu nền kinh tế Việt Nam vào vòng kìm kẹp của Trung Quốc và tạo nguy cơ về an ninh quốc phòng. Ông ta cũng ý thức được rằng, nếu không có sự ủng hộ của Trung Quốc, khó có thể tiến xa hơn, khi tuổi đã chạm mức 65. Có thể đặc cách về tuổi tác ở vai trò tổng bí thư là khả năng dễ xảy ra. Và chiếc ghế thủ tướng sẽ thuộc về Nguyễn Văn Bình, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, một tay trong băng nhóm lợi ích cùng với Nguyễn Tấn Dũng khuấy đảo khu vực tài chính-ngân hàng.

Nếu sự sắp xếp này không thành, Nguyễn Tấn Dũng sẽ nghỉ và lui về với chức vị “thái thượng hoàng,” ngồi giật dây các thân hữu trong nội các mới sau hội trường. Và như thế, có thể Lê Hồng Anh sẽ giữ chức tổng bí thư. Trong trường hợp này, khả năng chủ tịch nước sẽ là Phùng Quang Thanh, thủ tướng là Trần Ðại Quang và chủ tịch Quốc Hội là Ðinh Thế Huynh. Nguyên một dàn có khuynh hướng phò Bắc Kinh.

Ðại hội đảng chỉ là một cái mốc để các phe nhóm chuyển đổi vị trị quyền lực, phe nào mạnh, nắm được công an và quân đội sẽ nắm thế thượng phong.

Tuy nhiên, ai lên cũng thế. Hệ thống chính trị độc quyền này còn thì đất nước còn tăm tối và lệ thuộc Trung Quốc. Con bệnh tham nhũng sẽ tiếp tục làm kiệt quệ tiềm năng phát triển của dân tộc.

Khép lại một năm cũ ảm đạm 2014, bước qua năm mới 2015 chẳng hứa hẹn điều gì khả quan, dù vậy, tôi vẫn chúc tất cả bạn đọc an lành, may mắn và hạnh phúc!
Theo Người Việt-12-29-2014 7:13:31 PM
Lê Diễn Ðức

No comments:

Post a Comment