Dạy thêm, học thêm nhiều năm nay luôn gây tranh cãi trong dư luận. Rất nhiều mệnh lệnh hành chính liên quan dạy thêm, học thêm đã được ban hành với nội dung khá quyết liệt, từ “cấm” đến dọa “buộc thôi việc”.
Dạy thêm, học thêm nổi lên như một vấn đề xã hội kể từ khi nền kinh tế đất nước chuyển sang cơ chế thị trường. Nhu cầu học thêm xuất hiện từ trước đó khá lâu, đặc biệt đối với những học sinh chuẩn bị tham dự các kỳ thi học sinh giỏi, về sau mở rộng với cả những học sinh chuẩn bị dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, song ban đầu được thực hiện trên tinh thần tự nguyện và miễn phí.
Về sau nó trở thành một dịch vụ giáo dục, người dạy thu tiền của người học trên tinh thần thỏa thuận.
“Cuộc chiến” bằng văn bản
Năm 1993, trước sự bùng nổ của dịch vụ học thêm, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ (lúc đó là ông Võ Văn Kiệt) đã phải ban hành một quyết định (số 242) chính thức thừa nhận sự tồn tại của hoạt động dạy thêm, học thêm bên cạnh việc tổ chức dạy học trong thời gian chính khóa ở trường công lập. Theo đó, các trường phổ thông công lập được phép dạy thêm ngoài giờ nhưng chỉ để “bổ trợ” đối với ba đối tượng học sinh: kém, giỏi, cuối cấp.
Quyết định 242 cẩn thận đưa ra hai nội dung cấm: không tổ chức dạy thêm đồng loạt đối với học sinh ở các lớp học phổ thông; không được dùng các biện pháp trực tiếp hoặc gián tiếp ép buộc học sinh phải học thêm ngoài giờ học.
Song “thị trường” dạy thêm, học thêm vẫn tiếp tục lan rộng (chủ yếu ở khu vực đô thị) với những sắc thái tiêu cực ngày càng trầm trọng. Năm 2000, bộ trưởng Bộ GD-ĐT (khi đó là ông Nguyễn Minh Hiển) tiếp tục phải ban hành chỉ thị về các biện pháp cấp bách tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm.
Theo đánh giá thực trạng của chỉ thị thì thời điểm đó “những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực trong việc dạy thêm từ tiểu học đến trung học phổ thông và ôn luyện thi tuyển sinh không những chưa được ngăn chặn mà ngày càng phổ biến, gây bất bình trong nhân dân”.
Chỉ thị yêu cầu “trong thời gian ngắn nhất khắc phục biểu hiện tiêu cực trong việc dạy thêm của giáo viên các trường phổ thông công lập”, “xử lý kịp thời mọi sai phạm, nhất là việc bắt ép học sinh học thêm để thu tiền, người cố tình tái phạm phải bị xử lý nghiêm khắc, kể cả buộc thôi việc”.
Có thể nói đây là văn bản thể hiện thái độ quyết liệt nhất đối với hoạt động dạy thêm, học thêm tiêu cực. Tuy nhiên, từ hàng chục năm nay các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà giáo và cả phụ huynh… vẫn không ngừng tranh cãi về việc thế nào là học thêm tiêu cực, thế nào là bắt ép học sinh học thêm để thu tiền…
Vì thế, năm 2007 Bộ GD-ĐT đã ban hành một quy định về dạy thêm, học thêm nhằm phân định đường ranh giữa “tiêu cực” và “tích cực” của dạy thêm, học thêm.
Nhưng đường ranh này tỏ ra kém hiệu quả đến độ năm 2012, Bộ GD-ĐT lại ban hành một quy định khác để thay thế, đến nay vẫn còn hiệu lực (là thông tư 17). Thông tư 17 có nhiều điều chỉnh, nói rõ nguyên tắc dạy thêm, những trường hợp không được dạy thêm; quy định tỉ mỉ về dạy thêm trong/ngoài nhà trường; về thu và quản lý tiền học thêm, tỉ mỉ đến cả thủ tục, thời hạn… cấp giấy phép dạy thêm.
Đầu năm học này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục ban hành một chỉ thị nữa “chấn chỉnh dạy thêm, học thêm” đối với cấp giáo dục tiểu học. Dù nội dung chỉ là đề nghị các sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục ở địa phương thực hiện nghiêm các quy định đã ban hành nhưng lại khiến dư luận – đặc biệt là giáo giới – dậy sóng, cứ như nghe tin “sét đánh ngang tai”!
Tại một hội thảo của ngành GD-ĐT ở khu vực phía Nam đầu tháng 12 này, một số cán bộ phòng GD-ĐT đã đứng lên đòi “quyền được dạy thêm” cho giáo viên tiểu học với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
Văn bản thì nhộn nhịp như vậy, nhưng về mặt sư phạm, nhiều nhà giáo dục cũng như các chuyên gia đều bày tỏ ý kiến phản đối hoạt động dạy thêm, học thêm.
Kể từ năm 1993, các nhà quản lý giáo dục đã nhận ra “dạy thêm đồng loạt” và “trực tiếp hoặc gián tiếp ép buộc học sinh phải học thêm ngoài giờ học” là hai biểu hiện cơ bản để xác định chân tướng “dạy thêm, học thêm tiêu cực”. Vì thế hầu như tất cả những văn bản pháp quy liên quan dạy thêm, học thêm về sau đều xoay quanh hai nội dung cấm này.
Đặc biệt, việc cấm dạy thêm cho học sinh tiểu học đã được đưa vào các văn bản khá sớm, từ năm 2007 (và đều được nhắc lại ở những văn bản tiếp theo). Các văn bản về sau thường dài hơn, đưa ra các quy định cụ thể hơn, nhưng văn bản càng dài, quy định càng cụ thể thì càng gây nhiều tranh cãi. Và có lẽ chưa bao giờ hai nội dung cấm đó được chấp hành triệt để.
Thiếu giải pháp hiệu quả?
Thực tế trên cho thấy hễ bế tắc trong khâu quản lý dạy thêm – học thêm là các nhà quản lý lại tung ra một văn bản mới. Hà Nội là một ví dụ. Sau khi Bộ GD-ĐT có quy định về dạy thêm, học thêm lần đầu (năm 2007), UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định 132 hướng dẫn thực hiện những quy định này.
Nhưng việc quản lý dạy thêm, học thêm ở Hà Nội gần như mất kiểm soát khi tình trạng vi phạm quyết định 132 diễn ra tràn lan và công khai. Vì thế tháng 4-2011, quyết định 14 được ban hành thay thế dù nội dung cơ bản vẫn vậy, chỉ khác ở ngày ký và người ký.
Thực tế cho thấy quản lý dạy thêm, học thêm ở các địa phương ngày càng đi vào bế tắc. Nơi nào thể hiện sự quyết liệt thì gặp phản ứng của dư luận. Những căng thẳng qua lại kiểu “bắt dạy thêm như bắt trộm”, những cật vấn ngặt nghèo kiểu “không dạy thêm thì sống bằng gì?” không khỏi khiến các nhà quản lý nao núng.
Gần đây, lại có một loạt ý kiến của giáo giới phản đối, công khai hoặc ngấm ngầm, quy định cấm dạy thêm ở tiểu học, kể cả các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục tiểu học.
Thế nên, suốt nửa năm sau khi có thông tư 17, các sở GD-ĐT “án binh bất động” không ban hành văn bản hướng dẫn. Nhiều lãnh đạo sở GD-ĐT giải thích với phóng viên vấn đề này “rất phức tạp” nên địa phương này muốn nghe ngóng địa phương kia làm thế nào để học tập.
Lãnh đạo sở GD-ĐT một thành phố lớn còn nhờ đồng nghiệp các địa phương và các phóng viên theo dõi giáo dục biết tỉnh thành nào đã ban hành quy định dạy thêm, học thêm thì mách giùm để tìm đọc tham khảo.
“Ở Bắc Ninh, vấn đề này không phức tạp như các thành phố lớn nhưng cũng có nhiều tình huống khó giải quyết. Nó xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh nên dù 99% người đồng ý mà chỉ 1% có ý kiến là thành ra phức tạp ngay. Nên không cấm cũng khó, mà cấm thì không thể cấm được” – ông Đặng Văn Hướng, khi đó là giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Ninh, than thở.
Theo các cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở, cái khó nhất trong quản lý dạy thêm, học thêm là cụ thể hóa các biểu hiện “tiêu cực”, “tràn lan”, “ép buộc học sinh”… Ngay cả dạy thêm (có thu tiền) nhưng tích cực, không ép buộc thì tính đặc thù trong mối quan hệ cũng khiến nó nhuốm màu tiêu cực nếu nhìn từ một góc độ khác.
Trong một hội thảo góp ý cho dự thảo quyết định 14 của UBND TP Hà Nội, thầy Nguyễn Quốc Thắng, hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Kết, Hai Bà Trưng, hỏi: “Thu theo thỏa thuận thì ai sẽ là người đề xuất mức thu? Nếu thầy cô đề xuất thì tôi đố phụ huynh, học sinh nào dám cãi?”.
Phức tạp thế nên mỗi khi cơ quan quản lý giáo dục ban hành một văn bản mới, không mấy người tin vào hiệu quả của những mệnh lệnh hành chính.
Thầy Đặng Đình Đại, hiệu trưởng Trường THPT Wellspring (Hà Nội), nhận xét: “Một vấn đề cũ rích bao nhiêu năm nay nhưng đến giờ vẫn không giải quyết được vì có cung thì có cầu, dù việc học thêm chỉ để đạt mục đích lên điểm hoặc đỡ bị trù úm thì nó cũng là một dạng nhu cầu. Nói gì đến thông tư 17, ngay cả thông tư năm 2007 mình đã thực hiện được đâu! Tôi cho rằng thông tư hay chỉ thị nào cũng thế, tít mù rồi lại vòng quanh”.
Người ký dưới thông tư 17, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển mới đây đã “xin nói rõ thêm là chỉ không cấm dạy thêm những nội dung phù hợp với quy định ở hai văn bản (thông tư 17 và chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học) trên. Tuyệt đối không được dạy thêm văn hóa”.
Trả lời phỏng vấn của TTCT, ông Hiển đề cập “trách nhiệm của bên dưới” trong việc giải quyết vấn đề này, bao gồm cả cán bộ quản lý giáo dục, các hiệu trưởng, giáo viên. Đặc biệt là “giải thích cho phụ huynh học sinh nhận thức đúng về yêu cầu của chất lượng giáo dục”.
Ông hi vọng việc đổi mới toàn diện chương trình, thay đổi quan điểm về chất lượng học tập và đổi mới cách thi cử, đánh giá sẽ là những chìa khóa cho vấn đề này. Tất nhiên là “trong tương lai”.
Theo Tuổi Trẻ
No comments:
Post a Comment