(PL)- CSGT nên cân nhắc lợi, hại khi thực hiện việc truy đuổi bởi người vi phạm bỏ chạy trong lúc giờ cao điểm, đường đông thì có thể gây nguy hiểm cho người khác.
Có thể truy đuổi nhưng phải an toàn
Pháp luật không cho phép CSGT truy đuổi người vi phạm giao thông mà chỉ cho phép CSGT dừng xe của người điều khiển vi phạm. Ngoại trừ trường hợp có dấu hiệu phạm tội hoặc hành vi nghiêm trọng, sau khi CSGT ra hiệu lệnh dừng rồi mà người vi phạm vẫn cố tình bỏ chạy thì có thể được truy đuổi nhưng phải tính toán kỹ, phải đảm bảo an toàn. CSGT cần hết sức bình tĩnh và có cách hành xử đúng mực.
Luật Xử lý vi phạm hành chính 2013 cũng đã quy định mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh. Như vậy, việc truy đuổi đến cùng người vi phạm giao thông bỏ chạy khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT vẫn là cần thiết.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp các chiến sĩ CSGT cũng nên cân nhắc lợi, hại khi thực hiện việc truy đuổi (lỗi vi phạm nhỏ, người vi phạm bỏ chạy trong lúc giờ cao điểm, đường đông đúc nếu truy đuổi có thể gây nguy hiểm cho người khác...). Ngoài ra, lực lượng CSGT còn nhiều biện pháp khác có thể thực hiện để xử lý người vi phạm bỏ chạy như ghi lại biển số phương tiện hoặc dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim hành vi vi phạm để sau đó truy xét, xử lý.
Luật sư LÊ NGỌC CẢNH, Đoàn Luật sư TP.HCM
Vào quán kiểm tra là không đúng
Tôi cho rằng CSGT không có quyền kiểm tra người không tham gia giao thông. Thông tư 65/2012 của Bộ Công an quy định CSGT chỉ được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát... Mặt khác, phương thức, địa bàn hoạt động của CSGT là tuần tra, kiểm soát cơ động; kiểm soát tại trạm CSGT; kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông. Do đó nếu CSGT vào quán ăn kiểm tra là sai.
Nếu có dấu hiệu cho rằng các thực khách nói trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ thì CSGT ra hiệu lệnh dừng xe để xử lý. Trường hợp không dừng ngay được đối tượng vi phạm để lập biên bản thì trưởng phòng nghiệp vụ công an cấp tỉnh, trưởng công an cấp huyện trở lên có văn bản gửi chủ phương tiện vi phạm để yêu cầu chủ phương tiện hoặc đại diện chủ phương tiện hoặc người có hành vi vi phạm và phương tiện vi phạm đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết. Khi giải quyết phải cho người vi phạm xem hình ảnh chụp hoặc bản ghi kết quả ghi thu hành vi vi phạm của họ bằng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trước khi lập biên bản và quyết định xử phạt theo quy định. CSGT tùy tiện xông vào quán ăn để xử lý là không phù hợp.
Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM
Không được đánh người
Theo Thông tư 65/2012 của Bộ Công an, CSGT có thể bắn chỉ thiên cảnh cáo khi có đối tượng manh động. Nếu thấy đối tượng manh động đến mức có thể đe dọa đến tính mạng của mình, CSGT được phép dùng công cụ hỗ trợ hoặc vũ thuật để khống chế đối tượng. Mục đích cuối cùng chỉ là khống chế đối tượng chứ không phải là sát thương.
Lực lượng làm nhiệm vụ được phép dùng công cụ hỗ trợ và vũ thuật nếu nhận thấy đối tượng có hành vi xâm hại tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân hoặc của chính mình. Trong bất kỳ trường hợp nào, đối tượng chỉ chửi bới lăng mạ mà không tấn công vũ lực, CSGT không được phép sử dụng dụng vũ thuật. Trách nhiệm của CSGT là dùng lý lẽ thuyết phục để người đó nhận thức được vấn đề và chấm dứt hành vi.
Nếu đối tượng vẫn cố tình hiểu sai và tiếp tục chửi bới, CSGT phải báo cáo lên cấp trên để đề nghị công an phường, xã sở tại hỗ trợ giải quyết. Biện pháp cuối cùng là cùng các lực lượng phối hợp khống chế, yêu cầu về trụ sở công an phường giải quyết, lập biên bản xử phạt.
Trong mọi trường hợp, CSGT không được nổi nóng, phải có thái độ nhã nhặn, nhẹ nhàng; việc đánh người vì bất cứ lý do gì đều không thể chấp nhận.
Thứ Hai, ngày 29/12/2014 - 01:05
Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM
Không truy đuổi người say, người vi phạm giao thông
Ở Úc, việc cảnh sát truy đuổi phương tiện trên đường bị coi là hành động có độ rủi ro cao. Họ đã xây dựng chính sách truy đuổi hạn chế (tức chỉ thực hiện trong trường hợp tối cần thiết. Ví dụ: Người đang thực hiện hành vi gây nguy hiểm rõ rệt trên đường, người vừa thực hiện một tội phạm nghiêm trọng…). Có một vài quy tắc cơ bản như sau: Không truy đuổi những người đang say rượu, dùng ma túy (vì nếu truy đuổi sẽ càng có nguy cơ tai nạn). Không truy đuổi người vi phạm giao thông, người vi phạm hành chính nhỏ khác, người điều khiển phương tiện trộm cắp vì không cần thiết.
Cảnh sát cần suy tính một số câu hỏi trước khi quyết định truy đuổi: Đây có phải là trường hợp được phép truy đuổi không? Các rủi ro có chấp nhận được trong hoàn cảnh này hay không?
Việc truy đuổi phải có người giám sát thông qua radio. Người này có quyền ra lệnh dừng truy đuổi nếu thấy vụ việc quá rủi ro và nguy hiểm.
Các quy định về kỹ thuật khi truy đuổi: Phải sử dụng đèn, còi báo hiệu; đặt quy định về tốc độ tối đa của xe cảnh sát khi truy đuổi (chẳng hạn 140 km/giờ ở bang Tây Úc); dừng truy đuổi khi phương tiện chạy quá nguy hiểm (đi ngược chiều), dừng truy đuổi nếu không sử dụng được radio liên lạc…
Bùi Tiến Đạt, giảng viên khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội
|
No comments:
Post a Comment