Monday, December 29, 2014

Vỡ mộng đổi đời trên đất Nga: Cuộc trốn chạy thảm khốc



xkld
Để không gặp rủi ro nơi xứ người, người lao động nên tìm đến các công ty môi giới có uy tín thay vì tự tìm đường đi “xuất khẩu lao động chui… (Ảnh minh họa).

Họ phải bỏ ra từ 3.000 – 4.000 USD/người để được Út Nhị – một phụ nữ ngụ ở xã Phước Thạnh, H.Củ Chi, TP.HCM đưa sang Nga lao động. Thế nhưng, nhiều người đặt chân lên đất Nga đã vỡ mộng đổi đời, thăm thẳm đường về, với bao hiểm nguy vì cư trú bất hợp pháp.
Ngày 18/12, khi các nạn nhân tìm đến báo để tố cáo đường dây môi giới xuất khẩu lao động chui, thì ở Nga, cảnh sát vừa mở một đợt truy quét người cư trú bất hợp pháp, có đến ba người Việt Nam khi trốn chạy bị lạc rồi chết cóng giữa đường…
Trốn chui trốn nhủi…để lao động
Trốn khỏi nước Nga hơn một tuần, nghe tin các bạn đang bị đuổi bắt và đã có người tử nạn, chị Nguyễn Phú Kim Ngân (779 tỉnh lộ 7, xã Phước Thạnh, H.Củ Chi, TP.HCM) bàng hoàng kể cho chúng tôi nghe hành trình đau khổ của mình.
Ngân sinh năm 1991, tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế đối ngoại gần một năm chưa xin được việc làm, nên quyết định tìm đường để “đổi đời”. Nghe hai người bạn trong xóm là Trần Thị Thanh Thủy và Đặng Thị Huyền Trang (thường gọi là Nết, cháu gọi “cò” út Nhị bằng dì ruột – cùng ngụ ở xã Phước Thạnh) chuẩn bị qua Nga xuất khẩu lao động theo đường dây của út Nhị với mức lương từ 800 đến cả ngàn USD một tháng, Ngân xin mẹ lo tiền cho mình đi theo. Bà Đinh Thị Vân, mẹ của Ngân đã chạy vạy lo cho con gái đi lao động xứ người. Bà nói: “Con trai của bà “cò” đang sống ở Nga, giờ cháu ruột bà ấy cũng vay mượn tiền đi sang đó, nên tôi cũng yên tâm”.
Ngày Ngân đi, út Nhị đưa cô ra sân bay Tân Sơn Nhất. Đến khi vào bên trong làm thủ tục, nghe người làm dịch vụ dặn dò “khi hải quan hỏi đi đâu, nói đi qua đó tìm hiểu thị trường, buôn bán; ngày về là 31/8/2014″ thì Ngân mới tá hỏa, nhưng lúc đó đã chuẩn bị lên máy bay. Cô nói: “Hai chị kia vì không biết đọc tiếng Nga lẫn tiếng Anh nên tỉnh queo, chị Nết còn nói chẳng lẽ dì út Nhị đi gạt cháu của mình. Vào trong sân bay em gọi ngay cho mẹ hỏi tại sao họ bắt tụi con nói như vậy, và visa của con được cấp có ba tháng thôi. Mẹ em hốt hoảng nhưng chỉ kịp dặn: nếu con qua tới bên đó có gì là bay về ngay với mẹ”.
Theo lời thuật của Ngân, cô vừa xuống sân bay Nga, một người đàn ông tự giới thiệu tên Hồng Kiên, sinh năm 1967, quê ở Thanh Hóa đến đón. Ngân kể: “ông Kiên hỏi Út Nhị lấy giá đi bao nhiêu, nghe tôi nói 3.500 USD/người, ổng nói: “Sao bà Út Nhị ăn nhiều quá vậy? Vợ tôi bên đó làm dịch vụ này chỉ lấy 1.500 USD, đóng “khẩu” 100 USD nữa là 1.600 USD”.
Đi khoảng hơn 100km, Hồng Kiên bỏ mọi người xuống một cánh đồng rau có tên gọi Bờ-lu-cốp và cho biết nếu muốn làm nông nghiệp thì có thể ở lại đây. Lúc này, Ngân, Nết và Thủy yêu cầu Hồng Kiên đưa qua xưởng may như đã thỏa thuận với Út Nhị. Ông này đưa vào một căn phòng nhỏ gần đó rồi bảo: “Cứ ngủ đi, sáng mai tính tiếp” rồi bỏ đi.
Ngân kể: “Đêm đó, cả ba chị em đều không ngủ được. Em biết mình bị út Nhị lừa, hai chị kia điện thoại về cho Út Nhị, không hiểu bà ấy nói gì, họ quay sang bảo em, thôi lỡ rồi, ráng làm rồi gọi về nhà, kêu người nhà môi giới thêm người thì út Nhị sẽ trả công để bù lại vốn. Em chưng hửng, nhưng không dám nói gì với mẹ, chỉ biết khóc”.
Ngày 5/7, ba ngày sau khi nhóm của Ngân đến Nga, ông Kiên mới đưa các cô qua xưởng may theo thỏa thuận. Vào xưởng, Ngân làm việc chung với năm phụ nữ và hai người đàn ông người Việt, tất cả đều là lao động bất hợp pháp. Lúc này Ngân gọi điện về cho mẹ. Bà Vân nghe con kể liền chạy qua Nhà Út Nhị “bắt đền”. Ban đầu bà Út Nhị dọa dẫm, sau đó đề nghị bà Vân “bỏ qua” thì bà sẽ trả lại 1.000 USD gồm tiền dịch vụ và chi phí giấy tờ.
Công việc của xưởng may không nhiều. Ngân đính nơ, làm nút… với mức lương 15.000 rúp/tháng. Đến ngày 21/7, xưởng mướn một mặt bằng khác cho bảy người Việt Nam làm riêng (lúc này có ba người đã trốn về nước). Lương của Ngân chỉ được 8.000-9.000 rúp, trừ tiền ăn, chỉ còn 6.000 rúp. Tháng 10, Ngân lãnh được 80% lương, để dành một ít, còn lại Ngân mua 300 USD nhờ người gửi về cho mẹ trả nợ, nào ngờ sau đó người này bảo gửi nhầm địa chỉ nên bị mất.
Visa của Ngân hết hạn ngày 29/10, thì ngay trong đêm ấy, toàn xưởng may được báo động ngày mai sẽ có cảnh sát đi bắt. Bà chủ xưởng người Việt nói ”Tụi bây muốn chạy đâu thì chạy đi!”. Cả xưởng hoảng loạn. Ngân kể: “Lúc đó em run quá, đứng không vững. Hôm sau, khoảng hơn bốn giờ sáng, người của cả xưởng may bị lùa lên xe, đưa đi qua vườn rau trốn”.
Hai hôm sau, mọi người được đưa về xưởng, nhưng chưa kịp làm việc trở lại thì ngày 3/11, cảnh sát Nga ập vào, mọi người chui vào thùng phụ kiện của xưởng trốn. Ngân kể: “Thấy em khóc nhiều quá, các chị người miền Bắc đã lân la làm quen. Biết em bị lừa gạt như vậy, có chị hỏi em muốn về không, họ có đường dây lo cho em trốn”.
Vì bị Thủy và Nết theo dõi, Ngân phải im lặng làm như bình thường cả tháng trời, gom đủ 12.000 rúp đưa cho một phụ nữ quê ở Nghệ An mua vé máy bay giùm. Tới sát ngày bay, Ngân gom hành lý, trốn ra sân bay về nhà.
Cùng cực trên đất khách
Ngay hôm Ngân quyết định trở về, N.V.T., một người quen của bà Vân đến thăm bà tại nhà ở Phước Thạnh. Vừa gặp bà Vân, T. bật khóc nói “cô ơi, cô cứu Ngân đi. Con mới trốn được về đây cô ạ”.
Theo lời kể của T., anh cũng đi theo đường dây của Út Nhị, qua đến Nga anh mới biết mình bị lừa nên đã đập phá, chống cự đòi về. Ở Việt Nam, vợ của T. đến nhà Út Nhị hỏi chuyện, bà này thách thức gia đình T. đi thưa kiện. T. qua Nga làm việc được 21 ngày, không được trả lương nhưng vợ của T. vẫn phải mang đến nhà út Nhị giao 10 triệu đồng, bà này mới nhắn cho đường dây của Kiên để T. mua vé máy bay về nước.
T. nói với bà Vân: “Cô ơi, con như từ cõi chết về. Hôm con đi, cái thằng bên An Nhơn Tây chưa được về, nó khóc quá chừng”.
“Cái thằng bên An Nhơn Tây” mà T. nhắc, chính là anh Nguyễn Quốc Toàn, người trốn về Việt Nam ngày 7/12, bay cùng chuyến với Ngân. Anh Toàn kể: “Ở Việt Nam, họ nói đi Nga làm trong trang trại, nhà kính. Nhưng qua đến đó, ba ngày sau chúng tôi bị chuyển qua chỗ ở rất tồi tàn. Họ nói thẳng, chỉ có mỗi công việc là làm hành tây, nếu không làm sẽ đói. Tôi được sắp xếp ở chung với Bi, một người cháu ruột của Út Nhị. Còn thằng Kiệt (thường gọi là Bé Ba) con trai bà Út Nhị ở Việt Nam từng ăn chơi bài bạc. Bà đưa nó sang đây làm “bình phong” để ở Việt Nam bà ấy dễ làm ăn. Thật ra nó qua đây là để “cai quản”chúng tôi”.
Ngày 28/9/2014, Toàn qua Nga. Làm việc được tới ngày thứ 10 thì nghe thông báo có cảnh sát truy bắt. Nguyễn Tiến Tùng (sinh năm 1985, quê Thanh Hóa, biệt danh là “Tùng bảy ngón”) kêu taxi chở Toàn và Bi mang bỏ giữa đồng hoang.
Toàn kể: “Cả ngày hôm đó, tụi tôi phải ngồi giả như làm việc Với những người làm công ở đó. Sau khi đi về, Tùng bắt mọi người đưa tiền để trả taxi, tôi phải mượn bạn 350 rúp. Hai hôm sau, tôi điện thoại về cho bà Út Nhị, nói: “Bây giờ chuyện làm ăn của Út con biết hết rồi. Con qua đây không làm được gì, Út làm sao đưa cho vợ của con năm triệu trả tiền lời vay nợ”.
Ban đầu bà Út nói để tao đưa cho, sau nói qua lại một hồi, bà này xẵng giọng: “Giờ mày muốn về Việt Nam thăm vợ con mày hay muốn bỏ xác bên bển?” Toàn kể: “Ngay chiều đó, tôi bị một nhóm khoảng bảỵ thanh niên người Việt, tất cả đều bịt khẩu trang nhào vô đánh túi bụi, bầm dập toàn thân, đầu và mặt bê bết máu, tôi phải lết mới về được tới phòng”.
Toàn ở chung với Bi là cháu Út Nhị nên sau đợt bị đánh không dám hé răng nói với ai. Anh hoảng loạn nhiều ngày liền, làm không được việc nên lảnh lương chỉ hơn 6.000 rúp, vừa đủ tiền ăn và tiền thuê xe đi tìm “đường” trốn về nước.
Khi tìm được đường dây để mua vé, Toàn mới gọi điện kể thật hết với vợ. Vợ Toàn khóc, nói: “Bằng mọi cách em sẽ cứu anh”. Sau đó, Toàn âm thầm gói ghém đồ đạc rồi lén gửi trước vali lên khách sạn Mê-kông ở Matxcơva. Lúc Toàn trốn, Bi, Tùng bảy ngón và cả Bé Ba không hay biết. Thế nhưng, Toàn kể: “Khi tôi vừa đến khách sạn vài tiếng thì đã nghe giọng Tùng bảy ngón điện thoại hỏi anh ở đâu xuống đây uống cà phê. Từ trên phòng khách sạn, vén màn nhìn xuống, thấy Tùng và một tốp thanh niên lởn vởn trước khách sạn, tôi run cầm cập”.
Rất may, thấy Toàn như trốn ai đó, một phụ nữ tên là Huyền, xưng là thợ làm tóc gần sát khách sạn, nói: “Thôi, để an toàn, anh cứ nói anh là anh họ của em từ thành phố xa đến đây thăm em”. Tối đó, nhờ Huyền, Toàn trốn sang được một khách sạn mới gần Quảng trường Đỏ, núp ở đó đến sát giờ máy bay cất cánh mới ra sân bay.
Trong thời gian trao đổi cùng Toàn, T. và Ngân, phóng viên nhận nhiều cuộc gọi kêu cứu của những người Việt đang sinh sống ở cánh đông rau Bờ-lu-cốp, nhà kính Ramen. Họ là bạn bè của Toàn và Ngân. Biết bạn trở về bình an và đang tố cáo đường dây xuất khẩu lao động chui của Út Nhị, họ cung cấp thêm chứng cứ để chúng tôi phản ánh, vạch mặt kẻ đã đẩy mấy chục gia đình nông dân vào cảnh nợ nần, người thân sống cùng cực nơi đất khách.

nhapculau
Người Việt nhập cư tại khu lều tạm ở Nga

Anh Trần Văn Thái, nhà ở xã ở Trung Lập Thượng, H.Củ Chi nghẹn ngào: “Chúng tôi không còn đường nào về quê hương nữa. Tôi qua đây hôm 26/10, làm quần quật mà tiền không bao nhiêu. Cha mẹ ở nhà thì già yếu, làm sao dám kể cho họ việc mình bị lừa như vậy”
Khuya 23/12, Thái đã thảng thốt gọi cho phóng viên thông tin về thảm cảnh của ba người Việt bị cảnh sát Nga truy đuổi, bị lạc và chết cóng giữa rừng.
Giọng run lập cập, Thái nói: “Bên này cả ngàn người đang như vậy!”
Theo Phụ nữ TP.HCM

No comments:

Post a Comment