Sunday, November 16, 2014

Trung Quốc xuống thang khi bị siết chặt

(Baodatviet) - Trung Quốc đang tỏ ra nhũn nhặn khác thường với Mỹ, với Nhật và vấn đề Biển Đông.

Biệt đãi Obama
Thời gian qua, Bắc Kinh liên tục có những động thái được đánh giá là xuống thang, đặc biệt đối với Mỹ. Biểu hiện rõ nhất là tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC 22 ở Bắc Kinh khi Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình dành sự “chăm sóc” đặc biệt cho Tổng thống Barack Obama. Theo giới phân tích, động thái của nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm mục đích hạ nhiệt quan hệ Trung-Mỹ vốn bị bào mòn bởi sự nghi kị lẫn nhau trong thời gian qua.
Ông Tập đã dành sự tiếp đón hết sức ưu ái cho nhà lãnh đạo Mỹ. Ông Tập còn mời ông Obama dùng bữa tối tại Trung Nam Hải, trụ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc - biểu tượng quyền lực tối cao của Trung Quốc. Đây là một động thái ưu ái đặc biệt dành cho một nguyên thủ nước ngoài. Buổi ăn tối có thể là nơi đã dẫn đến nhiều thỏa thuận chính thức sau đó.
Ông Tập Cận Bình và ông Obama tại Bắc Kinh hôm 12/11
Ông Tập Cận Bình và ông Obama tại Bắc Kinh hôm 12/11
Theo tờ Le Monde của Pháp, Trung Quốc chăm chút quan hệ với Mỹ tới mức mà sau đó Tân Hoa Xã cho là hai nước đã đi tới "mô hình quan hệ kiểu mới giữa hai cường quốc". Đây là một khái niệm đã được Trung Quốc đưa ra mà theo tờ báo trên thì Mỹ không tỏ ra mấy mặn mà.
Quan hệ Trung-Mỹ thời gian qua có nhiều trở ngại do vấp phải cái mà Trung Quốc gọi là "lợi ích cốt lõi" hay "lợi ích chiến lược". Trong những nguyên tắc chỉ đạo của mối quan hệ kiểu mới giữa hai cường quốc mà Bắc Kinh đưa ra có việc “hai bên phải tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau”.
Thái độ của Trung Quốc được một số chuyên gia lý giải là do nước này muốn tìm sự đồng thuận với Mỹ để thực hiện được 'Con đường Tơ lụa mới' và chính sách ngoại giao của mình.
Ngoài sự hòa hoãn với Mỹ, Trung Quốc hiện cũng tỏ ra khá dịu giọng trong quan hệ với Nhật Bản và đặc biệt là vấn đề Biển Đông.
Vòng vây siết chặt
Với tham vọng của mình, chắc chắn phải có thêm những lý do khác khiến Trung Quốc xuống thang như hiện nay. Câu trả lời có thể nằm ở tam giác quân sự Mỹ-Nhật Bản-Australia đang ngày càng rõ nét siết chặt Trung Quốc.
Ngày 16/11, sau cuộc hội đàm 3 bên bên lề G20 tại Brisbane (Australia), Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ra tuyên bố chung hối thúc tự do hàng hải và các chuyến bay trên các khu vực biển có tranh chấp, giải quyết hòa bình những tranh chấp biển theo luật pháp quốc tế. Lãnh đạo 3 nước cho biết đã cam kết sẽ làm sâu sắc sự hợp tác an ninh vốn đã bền chặt giữa 3 bên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Những nụ cười khiến Trung Quốc phải suy nghĩ
Những nụ cười khiến Trung Quốc phải suy nghĩ
Tuyên bố này tuy không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, song rõ ràng nó nhằm thẳng vào Bắc Kinh, một đối tượng đang ngày hung hăng trong khu vực. Đặc biệt, sự “hợp lực” hiếm có này cũng khiến Trung Quốc phải suy nghĩ bởi hiếm khi cả ba nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật Bản-Australia cùng ngồi với nhau và đưa ra một tuyên bố chung như vậy.
Một cuộc họp tương tự giữa Tổng thống Mỹ George W. Bush, Thủ tướng Australia John Howard và ông Shinzo Abe trong nhiệm kỳ Thủ tướng Nhật đầu tiên của ông đã diễn ra cách đây 7 năm (2007). Khi đó, cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Sydney cũng đã được giữ bí mật để tránh việc bị Trung Quốc cho là họ bị bao vây. Khác với lần trước, cuộc gặp lần đã công khai loan báo tuyên bố chung cả 3 nước.
Trước khi diễn ra cuộc gặp, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong một bài viết đăng trên tờ "Australian Financial Review" ngày 14/11, đã xác nhận quyết tâm thắt chặt thêm quan hệ quân sự của Nhật Bản với Australia và Mỹ nhằm “xây dựng một tương lai hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho vùng châu Á-Thái Bình Dương.”
Trong bộ ba này, quan hệ song phương giữa Mỹ với Australia và Nhật Bản vốn đã là đồng minh thân thiết. Mắt xích yếu là quan hệ quốc phòng Australia-Nhật thì mới đây đã được tăng cường đáng kể sau chuyến công du Australia của Thủ tướng Abe, một mối quan hệ được Tokyo xem là mang tính chất “gần như là một liên minh quân sự”.
Sự tỉnh táo của người Mỹ
Dù được Trung Quốc “biệt đãi” tại APEC vừa qua, song Tổng thống Mỹ Obama không vì thế mà “bỏ qua” các hành động hung hăng và kẻ cả của Trung Quốc trong khu vực.
Bên lề hội nghị G20 tại Australia, hôm 15/11, ông Obama đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ tranh chấp lãnh thổ tại châu Á biến thành xung đột vũ trang. Phát biểu tại Đại học Queensland ở Brisbane, Tổng thống Mỹ đã ám chỉ tới Trung Quốc khi khẳng định rằng an ninh tại châu Á không thể dựa vào việc "nước lớn ức hiếp nước bé".
Ông Obama phát biểu tại Đại học Queensland hôm 15/11
Ông Obama phát biểu tại Đại học Queensland hôm 15/11
Trong bài diễn văn đọc trước cử tọa sinh viên, ông Obama đã gợi đến những nguy cơ đang đe dọa sự phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó ông nêu bật các "tranh chấp lãnh thổ - liên quan đến các hòn đảo xa xôi và các bãi đá có nguy cơ leo thang thành sự đối đầu" giữa các nước.
Dù không nêu đích danh Trung Quốc, Tổng thống Mỹ đã chỉ trích những hành động hù dọa, ức hiếp trong việc giải quyết tranh chấp khi ông xác định: "Chúng ta tin rằng các quốc gia và các dân tộc có quyền được sống trong an ninh và hòa bình, rằng một trật tự an ninh hữu hiệu cho châu Á không thể đặt nền tảng trong trạng thái chịu ảnh hưởng, hoặc bị ép buộc, hoặc bị hăm dọa, nơi mà các nước lớn ức hiếp các nước bé, nhưng phải được xây dựng trên sự liên minh bảo vệ an ninh cho nhau, trên luật lệ quốc tế và những quy tắc tiêu chuẩn được ủng hộ, và các giải quyết ôn hòa cho những tranh chấp".
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng, Washington không chỉ bám trụ lâu dài mà sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện của mình tại vùng châu Á-Thái Bình Dương: "Có lúc này, lúc khác, nhưng một cách bền bỉ và kiên quyết, chúng tôi sẽ tăng cường sự dấn thân của mình bằng cách huy động tất cả các thành tố tạo thành sức mạnh của chúng tôi: ngoại giao, quân sự, kinh tế và phát triển...".
Khoảng 2.500 quân Mỹ đồn trú thường xuyên tại Darwin, Australia
Khoảng 2.500 quân Mỹ đồn trú thường xuyên tại Darwin, Australia
Ông Obama cũng tìm cách xóa bỏ mối nghi ngại của các đồng minh và các nước nhỏ ở châu Á về khả năng Mỹ và Trung Quốc "đi đêm" với nhau. Tại Brisbane, Tổng thống Mỹ đã nhắc lại những gì ông đã nói tại Bắc Kinh hồi đầu tuần là Hoa Kỳ hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc trong tư cách một tác nhân hòa bình và có trách nhiệm trên sân khấu thế giới.
Tuy nhiên, ông Obama đã nhấn mạnh tại Brisbane rằng Trung Quốc "tương tự như các nước khác, phải tuân thủ các quy tắc dù trong thương mại hoặc trên biển". Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố nước này sẽ tiếp tục tỏ "thái độ thẳng thắn mỗi khi có sự khác biệt" với Trung Quốc.
  • Đông Triều

No comments:

Post a Comment