(Baodatviet) - Ngày 16/11, ông Mã Phát Tường, Phó Đô đốc, Phó Chính ủy hải quân Trung Quốc đã nhảy lầu tự vẫn.
Theo nguồn tin của South ChinaMorning Post, ông Tường được cho là đã nhảy lầu tự sát tại một tòa nhà trụ sở cơ quan hải quân Trung Quốc tại Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, thông tin về cái chết của Mã Phát Tường đã nhanh chóng lây lan trong tổng hành dinh của quân chủng hải quân Trung Quốc ở phía Tây Bắc Kinh, thêm vào một vụ bê bối lớn của hải quân nước này kể từ sự sụp đổ của cựu Phó tư lệnh hải quân Vương Thủ Nghiệp trước kia.
Ông Mã Phát Tường được thăng Chuẩn đô đốc năm 2005, một năm sau khi ông được bổ nhiệm làm Chính ủy Cục trang bị quân chủng hải quân.
Ông Tường được thăng hàm Phó đô đốc hôm 1/8/2012 và vừa được bổ nhiệm làm Phó Chính ủy của quân chủng hải quân Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua.
Trước đó, ông Khương Trung Hoa, một thiếu tướng, Cục trưởng Cục Trang bị hạm đội Nam Hải cũng được cho là nhảy lầu tự vẫn ở Chiết Giang.
Phó Chính ủy hải quân Trung Quốc Mã Phát Tường.
|
Một số nhà phân tích cho rằng, Khương Trung Hoa từng giữ chức Tư lệnh Căn cứ hậu cần Du Lâm là nơi neo đậu của tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp 094 và 093, cái chết của ông Hoa không loại trừ có liên quan đến khả năng viên sĩ quan này đã làm lộ bí mật quân sự.
Một cựu sĩ quan hải quân Trung Quốc cho rằng: "Cái chết của Mã Phát Tường và Khương Trung Hoa là hoàn toàn đúng sự thật. Những quan chức hải quân đều biết điều đó. Nhưng không một ai được phép bình luận gì về cái chết của 2 nhân vật này.".
Ngày 15/9, ông Đổng Học Cương, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác Kinh tế và Thông tin hóa thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc cũng đã nhảy lầu tự tử tại khu nhà ở của mình.
Căng thẳng chính trườngTheo một nguồn tin, cái chết của ông này có thể liên quan đến một người tên Vương Mậu bị cơ quan chức năng thẩm vấn 2 lần vì những giao dịch tài chính khó hiểu.
Trước đó, Hãng tin PTI (Ấn Độ) cho biết chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động đã làm gia tăng bầu không khí căng thẳng trong chính trường Trung Quốc. Chỉ tính riêng tháng 7/2014, ít nhất 6 quan chức tự kết liễu đời mình.
Theo Tân Hoa Xã, từ tháng 1/2014 tới nay đã có khoảng 30 quan chức địa phương tự sát trong khi Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) ước tính con số thực tế là 37.
Chưa rõ nguyên nhân ông Đổng Học Cương tự vẫn
|
Ngày 8/9, cựu Chủ tịch Chính hiệp thành phố Hồi Hột thuộc khu tự trị Nội Mông Trương Bành Tuệ cắt cổ tay tự vẫn ở văn phòng làm việc thuộc tòa nhà Ủy ban Nhân dân thành phố này.
Đầu tháng 7, ông Lý Hải Hoa, chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc, cũng đã nhảy lầu tự sát ở tuổi 56, để lại thư tuyệt mệnh nói ông bị trầm cảm và sức khỏe yếu. Cuối tháng 7, Vương Vận Thanh, Phó chủ nhiệm ủy ban kinh tế tỉnh ủy Hồ Bắc, cũng nhảy lầu, để lại thư tuyệt mệnh nói ông bị trầm cảm.
Trước đó, hồi tháng 3, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Tin tức Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Ngũ Phong cũng kết liễu đời mình bằng cách nhảy lầu.
Trước thực trạng này, ông Tề Hạnh Phát, học giả của Trường ĐH Sư phạm Hoa Đông, nói với tờ The New York Times: “Các cán bộ tham nhũng ở các mức độ khác nhau và lúc nào cũng có thể bị điều tra. Thông tin vừa được đưa ra vào buổi sáng thì ngay buổi chiều, họ đã bị giam giữ. Điều đó thực sự đáng sợ. Sau một thời gian, cảm giác tội lỗi vì hành vi hối lộ, tham nhũng có thể khiến quan chức tìm đến cái chết”.
Tất cả các sự việc này, đặt ra nghi vấn liệu rằng các điều tra viên chống tham nhũng trong quá trình điều tra tạo quá nhiều áp lực cho các quan chức bị tình nghi tham nhũng, khiến họ phải tự tử.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ thực thi một chính sách cứng rắn chống tham nhũng kể từ sau khi lên nắm quyền, đồng thời cảnh báo rằng tệ nạn này có thể hủy hoại Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Tập cảnh cáo sẽ bãi chức những quan chức cấp cao tham nhũng mà ông ví như “những con hổ” và cả những nhân viên cấp thấp, được ví như “ruồi”, để duy trì sự trong sạch của đảng cầm quyền.
Chỉ tính từ tháng 1/2013 cho đến tháng 11/2013, Trung Quốc đã tiến hành điều tra khoảng 37.000 quan chức bị tình nghi tham nhũng trong hơn 27.000 vụ án. Có 12.824 vụ được kết luận là “gây thất thoát của nhân dân” với tổng giá trị lên đến 900 triệu USD, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao Trung Quốc cho biết.
Gia An (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment