Sunday, November 16, 2014

Âm mưu con đường tơ lụa mới của Trung Quốc

(PL) - Lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình nói đến dự án khôi phục con đường tơ lụa ngày trước (mạng lưới đường buôn Á-Âu xuất phát từ TQ) là lần công du Indonesia năm 2013.
Tân Hoa xã giải thích dự án con đường tơ lụa mới sẽ bao gồm hai tuyến trên bộ và trên biển. Con đường tơ lụa trên bộ sẽ chạy từ TQ qua Kazakhstan, Kyrgyzstan, Iran, Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó vượt eo biển Bosporus đến châu Âu.
Con đường tơ lụa trên biển sẽ xuất phát từ TQ qua Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đến Bắc Phi, sau đó vượt biển Đỏ chạy sang Địa Trung Hải, Hy Lạp và cuối cùng nối với con đường tơ lụa trên bộ ở Ý. Nhân hội nghị APEC vừa rồi ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã thông báo TQ sẽ dành 40 tỉ USD để phát triển hai dự án nêu trên.
Nhận định về siêu dự án này, trang tin MarketWatch (Mỹ) ngày 12-11 cho rằng âm mưu chiến lược kinh tế của TQ là sử dụng nguồn ngoại tệ dự trữ, quốc tế hóa nhân dân tệ, xuất khẩu công nghệ và đó chính là chiến lược hướng Tây của TQ.
Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) ghi nhận lâu nay Mỹ đã tạo dựng ảnh hưởng trong các thể chế tài chính và thương mại lâu đời như Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và đưa ra dự án Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TQ đã thách thức lại Mỹ bằng các dự án con đường tơ lụa mới, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). TQ xem dự án con đường tơ lụa mới còn quan trọng hơn cả FTAAP bởi quy mô và tham vọng của con đường tơ lụa mới ngang ngửa với TPP.
Reuters khẳng định TQ muốn thực hiện chiến lược cạnh tranh về kinh tế, chính trị và quân sự với Mỹ. Tạp chí The Diplomat (Nhật) đánh giá TQ đang sử dụng sức mạnh kinh tế nhằm gia tăng sức mạnh ngoại giao và quyền lực mềm. Giả định nếu dự án con đường tơ lụa mới thành công, ngoài vấn đề kinh tế TQ còn nâng cao được uy tín siêu cường quốc như kế hoạch Marshall đã mang lại uy tín cho Mỹ.
Báo Business Week (Mỹ) lưu ý con đường tơ lụa mới trên biển của TQ sẽ chạy qua biển Đông, do đó có thể sẽ làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp ở biển Đông theo xu hướng có lợi cho TQ. Đến nay Ấn Độ vẫn chưa quyết định sẽ tham gia dự án này hay không. Tạp chí The Diplomat dự báo con đường tơ lụa mới trên biển của TQ không thể trở thành hiện thực nếu TQ cứ tiếp tục căng thẳng trong vấn đề tranh chấp biển Đông, gia tăng sức mạnh hải quân và rời xa các nước ASEAN.

 Thứ Hai, ngày 17/11/2014 - 03:25
ĐĂNG KHOA

No comments:

Post a Comment