Sunday, November 16, 2014

Cựu thủ lĩnh phong trào Thiên An Môn: Cách Mạng Ô sẽ không kết thúc bi thảm

Ông Chu Phong Tỏa, cựu thủ lĩnh phong trào Thiên An Môn tin rằng, ngay cả khi người biểu tình bị đẩy ra khỏi các con phố, thì nỗ lực cho nền dân chủ ở Hồng Kông vẫn không bị dập tắt.

Thiên an môn, Chu Phong Tỏa,
Ông Chu Phong Tỏa, cựu thủ lĩnh cuộc biểu tình sinh viên Thiên An Môn năm 1989 tham dự phong trào sinh viên tại Hồng Kông. (Zhou Fengsuo/Facebook.com)
Ông Chu, cựu lãnh tụ cuộc biểu tình sinh viên Thiên An Môn năm 1989, đã đến Hồng Kông từ hôm 2/11-8/11 để xem và cùng cắm trại tại các địa điểm biểu tình. Ngoài ra, cá nhân ông còn phát biểu trước đám đông và thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các lãnh đạo sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Telegraph, cư dân San Francisco, 47 tuổi, đã ca ngợi “lòng kiên trì và dũng khí” của sinh viên, đồng thời nói rằng Cách mạng Ô là “thời khắc thức tỉnh Hồng Kông”.
Ông Chu rất ấn tượng trước trật tự của cuộc chiếm đóng.
“Chính quyền Bắc Kinh mô tả tình hình ở Mong Kok là hỗn loạn và rất đáng sợ, nhưng thực tế, nơi này là rất gọn gàng và sạch sẽ”, Đài Á Châu Tự Do (RFA) dẫn lời ông Chu.
Khi được yêu cầu so sánh phong trào chiếm đóng này với cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989, ông Chu cho biết: “Thực tế, cả hai phong trào đều cùng chung lý tưởng, sự hy sinh, cách tiếp cận hòa bình và lý trí cũng như ý thức cộng đồng mạnh mẽ”.
Tuy nhiên, khác biệt giữa cuộc biểu tình của sinh viên Hồng Kông và sự kiện Thiên An Môn trước kia chính là điều sẽ giải thích cho sự bền bỉ của phong trào Hương Cảng và cũng là nguyên nhân thất bại trong cuộc vận động tại Bắc Kinh.
Ông Chu tiết lộ, tổ chức sinh viên Hồng Kông có gần sáu mươi năm lịch sử, trong khi Liên đoàn Tự trị Sinh viên Bắc Kinh chỉ có hai tháng để tập hợp trước khi bị quét sạch.
Với truyền thống lâu dài, các tổ chức sinh viên có thể kế thừa di sản từ những người biểu tình sau khi họ bị đẩy ra khỏi đường phố.
Điều này giúp Hương Cảng vẫn giữ được những đảng phái chính trị độc lập với Bắc Kinh cũng như có sự tự do báo chí vốn không tìm thấy tại đại lục, ông Chu nhận định.
Cách đây 25 năm, sau khi chính quyền điều xe tăng và súng ống tới Thiên An Môn, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thắt chặt và kiểm duyệt thông tin về cuộc đàn áp khắt khe đến mức gần như toàn bộ người dân đại lục không biết gì về phong trào biểu tình của sinh viên.
Tuy nhiên, Hồng Kông thì khác, “chính quyền không thể khuất phục những bạn trẻ đã thức tỉnh”.
Theo những dấu hiệu gần đây, có thể người biểu tình ở Hồng Kông sẽ sớm bị giải tán.
Hôm Thứ Hai (9/11), Tòa án Tối cao Hồng Kông đã ủy quyền cho cảnh sát thi hành việc giải tán người biểu tình ở hai trong ba khu vực chiếm đóng.
Vào Thứ Ba (10/11), Trưởng Văn phòng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga thông báo, chính phủ Hồng Kông vẫn giữ lập trường cứng rắn và không có thêm cuộc đối thoại nào với sinh viên.
Bà Lâm cũng kêu gọi các sinh viên phải rời khỏi khu vực chiếm đóng một cách “tự nguyện và hòa bình”.
Tuy nhiên, cảnh sát Hồng Kông không được dùng đến bạo lực khi thực thi nhiệm vụ này.
Khoảng 7.000 cảnh sát có thể được huy động, nhưng họ không được phép sử dụng dùi cui để đẩy lui người biểu tình.
Ngoài ra, ông Chu và các cựu sinh viên Thiên An Môn cũng không lo lắng về việc chính quyền Bắc Kinh sẽ điều quân đội và xe tăng tới.
Trong một cuộc họp báo với Tổng thống Mỹ là ông Barack Obama trong khuôn khổ hội nghị APEC tại Bắc Kinh hôm Thứ Tư (12/11), lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, chính quyền trung ương sẽ không tham dự xử lý cuộc biểu tình ở Hồng Kông.
Ông Tập nói thêm rằng, luật pháp, kỷ cương và an toàn công cộng tại Hồng Kông cần phải được duy trì. Việc ông Tập viện đến sự an toàn của công chúng cho thấy, đàn áp bạo lực là điều không thể.
Nếu ông Tập giữ đúng lời hứa, thì thế giới sẽ không phải chứng kiến kết thúc bi thảm của Cách mạng Ô như sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
Theo Đại Kỷ Nguyên

No comments:

Post a Comment