Sunday, November 16, 2014

Lời Vàng Ý Ngọc

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến 

Con người mất cả liêm sỉ là con người bỏ; huống chi cả một đám người mất cả liêm sỉ, mà còn mong gì được ư?
Phan Khôi         
Mấy lúc gần đây, ngó bộ, GS Nguyễn Văn Tuấn mỗi lúc một thêm ... khó chịu. Ổng xét nét (thấy rõ) và bắt bẻ liền liền:
Những người lãnh đạo giỏi và có bản lĩnh họ không chỉ nói, mà còn thực hiện những gì họ nói. Ngay cả cách nói, mỗi một lần phát biểu họ đều để lại những câu mà báo chí có thể trích dẫn (quotable words) hay làm cho người nghe phải suy nghĩ vì nó có cái wisdom trong đó...
Nhìn lại giới lãnh đạo VN, tôi thấy hình như họ không có cái tư chất về ăn nói của chính khách phương Tây. Chính khách VN quen với đường mòn chữ nghĩa mang đậm bản chất XHCN nên họ chỉ loanh quanh những câu chữ quen thuộc.
Họ không nói được cái gì cụ thể, mà chỉ xoay quanh các khẩu hiệu quen thuộc, kiểu như “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.” Đọc qua nhiều bài phát biểu của các lãnh đạo VN tôi nhận ra vài đặc điểm chính (có thể chưa đủ) như sau:
Thứ nhất là tính chung chung, không có một cái gì cụ thể…
Thứ hai là dùng nhiều sáo ngữ…
Thứ ba là không có thông tin (lack of information). Có nhiều lãnh đạo VN quen tính nói rất nhiều, nhưng nếu chịu khó xem xét kĩ chúng ta sẽ thấy họ chẳng nói gì cả. “Chẳng nói” vì những gì họ nói ra không có thông tin, tất cả chỉ là những câu chữ lắp ráp vào nhau cho ra những câu văn chứ không có dữ liệu ...
Thứ tư là ngôn ngữ khẩu hiệu. Có thể nói rằng rất rất nhiều bài nói chuyện và diễn văn của các lãnh đạo VN chỉ là những khẩu hiệu được lắp ráp vào với nhau...
Những câu văn thượng dẫn chỉ là ý chính trong một bài viết ("Và i Đặc Điểm Trong Các Phát Biểu Của Lãnh Đạo Việt Nam”) của G.S Nguyễn Văn Tuấn. Ghi lại nguyên bài (hổng dài, chưa tới 2.000 chữ) tôi không ngại chuyện mất thì giờ mà chỉ sợ lỡ có vị lãnh đạo đọc rồi  ... nhẩy cầu Bình Lợi, hay cầu Hàm Rồng thì tội chết.
G.S. Tuấn nhận xét tuy không sai nhưng (nói nào ngay) cũng chưa hoàn toàn đúng. Quả là những lời phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam (thường) rất chung chung, toàn sáo ngữ, và cứ y như hô khẩu hiệu chớ không có thông tin gì ráo trọi nhưng không phải lúc nào cũng vậy đâu nha.
Ngày 15 tháng 11 vừa qua, độc giả của trang Dân Luận có vị đã  “đề xuất”  hết sức hào hứng như sau:
“Ta nên có cuộc thi xem ai nói bậy bạ hơn . Sẽ rất căng thẳng đấy!”
Có lẽ vì rất thích “không khí căng thẳng” nên (khi chưa bị túm) có lúc nhà báo Trương Duy Nhất đã bỏ công sưu tập những câu nói ấn tượng hàng năm: (“Top ten phát ngôn ấn tượng 2011,” Top ten phát ngôn ấn tượng 2012”). Sau này, vì qúi vị lãnh đạo phát biểu “liên tục” và gây ấn tượng “liên miên” nên ông ghi nhận theo ngày (“Sáu Mươi Ngày Những Phát Ngôn Ấn Tượng”).
Ngày nào mà không có đôi câu ... bất hủ: “Ta và Trung Quốc cần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết để hai dân tộc cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ông Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng nói về quan hệ Việt Trung như rứa đó (vào năm 2011) và chắc nghe chưa được tình nghĩa lắm nên mới đây ông Nguyễn Bắc Việt, Đại Biểu Quốc Hội tỉnh Ninh Thuận – Ủy Viên Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy, Phó Trưởng Đoàn Đại Biểu Quốc Hội –  bèn thêm đôi câu cho thêm phần thắm thiết:
       - Thứ nhất, phải làm sao gặp gỡ tiếp xúc với Trung Quốc để làm dịu tình hình biển Đông, sớm đưa lại tình hình như trước khi xảy ra sự kiện. Thứ hai, xử lý nghiêm minh theo pháp luật các đối tượng kích động, thông báo công khai...
      - Hai nước xã hội chủ nghĩa lình xình với nhau như thế này, ai có lợi…
Nghĩ sao nói vậy, một cách hết sức hồn nhiên và hình tượng  – xem ra – đã trở nên một nét đặc trưng của giới lãnh đạo Việt Nam:
       - Đừng để cán bộ viên chức giống như con gì trong rạp xiếc, có cho nó ăn cái hột gì đó nó mới làm. (Ông Nguyễn Bá Thanh - BTTU Đà Nẵng).
       - Tòa án là cơ quan xét xử duy nhất, xét xử 2 cấp nên nếu thấy quyết định trái pháp luật thì có quyền hủy, trừ quyết định của Thủ tướng. (Chánh án Tòa tối cao Trương Hoà Bình).
Blogger Lê Anh Hùng đã có nhận xét như sau:
“... trong giới quan chức ở Việt Nam hiện nay hầu như ai cũng giữ được nét ‘hồn nhiên’ đáng yêu của mình cả. Này nhé, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng công chúng với lời chia sẻ:
Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai’ (!!!), hay lời giãi bày: ‘Trong sự nghiệp của mình, tôi không có chạy, không có xin, không thoái thác, từ chối nhiệm vụ nào Đảng phân công. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện công việc mà Đảng và nhà nước giao phó’ (!!!)
 Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng thì khiến bao người ngẩn ngơ với lời bộc bạch: ‘Tôi bổ nhiệm ông [Dương Chí] Dũng làm Cục trưởng để cứu Vinalines (!!!), hay tuyên bốViệc đóng phí [giao thông] thể hiện sự yêu nước nên người dân phải thấy hạnh phúc và tự hào’ (!!!)
Thống đốc NHNH Nguyễn Văn Bình thật xứng đáng với danh hiệu ‘Nhân vật của năm 2011”: “Dân có vàng thì dân giàu, mà nhà nước giữ vàng (của dân) thì nước sẽ mạnh (!!!)
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng thì thật thà: ‘Câu trả lời [chất vấn] đã có nhưng lại để ở nhà (!!!); Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Nguyễn Duy Chiến thì ‘đi guốc trong bụng’ người anh em ‘4 tốt 16 chữ vàng’: ‘Việc Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 và Viking 2 của Việt Nam là thể hiện tình cảm ‘yêu cho đòn cho vọt’ (!!!)
 Phó Chủ tịch UBND Tp Hải Phòng thì lúc nào cũng nghĩ đến dân: ‘Dân bất bình nên phá nhà anh [Đoàn Văn] Vươn (!!!); ông Cục trưởng Cục CSGT thì phàn nàn: ‘CSGT nhận hối lộ là hành vi tiêu cực chứ không phải là tham nhũng (!!!); còn Trưởng Công an huyện Văn Giang thì thổ lộ: Vụ 2 nhà báo bị 2 công an và 3 người khác hành hung tại dự án Ecopark là do họ ‘tưởng nhà báo là … người dân (!!!); v.v. và v.v.
Tôi còn tìm ra được một FB chuyên trị về “Những Phát Ngôn Ấn Tượng,” xin trích dẫn vài câu (cùng hình ảnh) xem chơi:
       - Chính phủ họp đảm bảo không có phong bì. ( BộTtrưởng, Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Nguyễn Văn Nên).
     
 - Hiện rất ít nước quản lý không bài bản như Việt Nam. (Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường).

       - Tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn, song đừng đề cập đến trách nhiệm thuộc về ai, ngành nào, mà trách nhiệm thuộc về toàn dân. (Nguyễn Đạt TườngTGĐ Tổng công ty đường sắt VN).


       -EVN tăng giá điện 5% là có trách nhiệm với nhân dân. (Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
  •    
  •   - Đường Trường Chinh không cong hẳn mà cong mềm mại. (Ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.Hà Nội.
  • Tất cả những câu phát biểu hồn nhiên hay hình tượng (dẫn thượng) có điểm chung vô cùng qúi hoá là nghe cái hiểu liền, chỉ có câu sau đây  của ông chí T.B.T Nguyễn Phú Trọng là hơi bị khó:
  • “Nói biển Đông không phải chỉ là biển Đông. Nói biển Đông không phải chỉ quan hệ ta với Trung Quốc. Nói biển Đông không phải toàn bộ vấn đề biển Đông, nó chỉ có một cái chỗ quần đảo Hoàng Sa với lại quần đảo Trường Sa …”  
  • Hiểu chết liền!
    Bởi vậy khi nghe các đồng chí lãnh đạo loanh quanh những khẩu hiệu quen thuộc, đầy sáo ngữ, chả có thông tin gì ráo trọi, tất cả chỉ là những câu chữ lắp ráp vào nhau ... toàn dân nên lấy đó làm mừng. Mừng là ít ra chúng ta còn biết là họ đang hô khẩu hiệu về một vụ gì đó, chớ nói biển Đông không phải chỉ là biển Đông. Nói biển Đông không phải chỉ quan hệ ta với Trung Quốc. Nói biển Đông không phải toàn bộ vấn đề biển Đông, nó chỉ có một cái chỗ quần đảo Hoàng Sa với lại quần đảo Trường Sa …” thì (đ... mẹ) nói thiệt là chắc Trời – may ra – mới hiểu.
  • Sat, 11/15/2014 - 11:44 — tuongnangtien

No comments:

Post a Comment