Sunday, November 16, 2014

Chi phí đi lại của người Việt cao nhất thế giới

HÀ NỘI (NV) - Giá cước vận tải ở Việt Nam tưởng rẻ nhưng tính trên thu nhập bình quân, hóa ra người Việt đang phải trả tiền cho việc đi lại, vận chuyển vào diện cao nhất thế giới.


Đi lại ở Việt Nam chi phí cao, dịch vụ kém. (Hình: Tiền Phong)

Trong khi đó, nhà nước CSVN hầu như không thể xử lý hiện tượng giá xăng, dầu giảm, còn cước vận tải vẫn đủng đỉnh...

Theo tờ Tiền Phong, tại cuộc tọa đàm về giá cước vận tải ngày 13 tháng 11, 2014, ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch chuyên trách Ủy Ban An Toàn Giao Thông quốc gia đưa ra những số liệu và nhận định bất ngờ: Giá cước vận tải của Việt Nam trung bình là $0,148/tấn/km, thuộc diện thấp; trong khi đó, giá cước của Hàn Quốc là $0.766/tấn/km.

Tuy nhiên, nếu tính theo thu nhập bình quân đầu người thì cước vận tải ở Việt Nam là cao nhất thế giới: gấp 3 lần Hàn Quốc, cao hơn Mỹ, Nhật, Châu Âu. Ông Hùng dẫn ra nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới (WB) cho thấy, chi phí vận tải ở Việt Nam chiếm 11.8% GDP. Trong khi đó, Mỹ dưới 4.5%, Singapore 4.8%, EU 5.8%, Nhật 6%...

“Con số này cho thấy, Việt Nam tuy nghèo nhưng chi tiêu hoành tráng. Nếu giảm được chi phí vận tải sẽ bớt gánh nặng cho sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội,” ông Hùng nói.

Còn theo bà Phan Thị Thu Hiền, phó vụ trưởng vận tải - Bộ Giao Thông Vận Tải thì, với vận tải hành khách đường dài, xăng dầu chiếm từ 35% đến 50% chi phí vận tải; xăng chiếm 50% chi phí vận tải taxi.

Theo tính toán của các lái xe taxi, hiện tiền xăng khoảng 2,000 đồng/km, có nghĩa là chi phí cho 1 km taxi chỉ ở mức 4,000 đồng. Cộng với chi phí cho những km chạy không có khách, lợi nhuận, giá cước taxi sẽ vượt 4,000 đồng/km. Song, mức giá cước taxi hiện nay là 10,000 đồng/km, có thể coi là siêu lợi nhuận.

Nếu giá xăng dầu giảm, nhưng giá cước vận tải không hạ thì các mặt hàng khác sẽ không giảm, chính sách bình ổn thị trường qua giá xăng không còn hiệu quả.

Nói về điều này, ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hiệp Hội Vận Tải Ô Tô cho rằng, ngoài các chi phí chính thức như xăng dầu, nhân công, khấu hao xe, giá cước vận tải ở Việt Nam cao vì “phải chịu những chi phí rất lớn mà không thể nói ra được!” Ông này ám chỉ tiền chung chi dọc đường tại các trạm kiểm soát.

Riêng về giá xăng dầu liên tục giảm mà giá cước vận tải đường bộ vẫn “án binh bất động,” ông Thanh cho biết, “Doanh nghiệp đang ‘lừng khừng’ điều chỉnh giá cước, bởi họ lo ngại giá xăng dầu giảm không ổn định. Nếu vừa giảm giá cước, mà xăng dầu lên giá trở lại sẽ trở tay không kịp.” (Tr.N)

No comments:

Post a Comment