Friday, September 12, 2014

Dịch sốt xuất huyết lại lan rộng ở Sài Gòn

SÀI GÒN (NV) .- Các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, đặc nghẹt bệnh nhi. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thì phải chữa trị cho cả trẻ em lẫn hàng trăm người lớn bị sốt xuất huyết.


Trẻ em đang được điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1 ở Sài Gòn. (Hình: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Theo báo chí Việt Nam, sở dĩ dịch sốt xuất huyết lại bùng phát và lan rộng vì thời gian vừa qua, Sài Gòn mưa liên tục, môi trường ẩm thấp, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi nảy nở. Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tại Sài Gòn, trong bốn tuần gần đây, mỗi tuần tại Sài Gòn có khoảng 200 ca mắc sốt xuất huyết phải vào bệnh viện điều trị. Số ca nhập viện mỗi tuần cao hơn tháng bảy khoảng 20%.

Ở Sài Gòn, sốt xuất huyết liên tục bùng phát thành dịch. Từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 4,500 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó có ba ca tử vong. Tình trạng tương tự cũng đã diễn ra trên khắp Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, trên toàn Việt Nam đã có khoảng 15,400 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó có mười ca tử vong và Sài Gòn dẫn đầu về số ca tử vong (ba ca).

Cũng cần nói thêm, từ đầu năm đến nay, sốt xuất huyết chỉ là một trong nhiều loại dịch liên tục bùng phát ở Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng. Trong vòng chín tháng vừa qua, tại Việt Nam đã có hàng chục đợt dịch khác nhau, bùng phát khắp nơi. Chẳng hạn, các đợt dịch tiêu chảy cấp tính diễn ra ở nhiều nơi từ trong Nam ra tới ngoài Bắc khiến 300,000 người phải vào bệnh viện cấp cứu. Năm người trong số này đã thiệt mạng.

Đồng hành với dịch tiêu chảy cấp tính là dịch sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng. Ngoài sốt xuất huyết với các số liệu như vừa kể, từ đầu năm 2014 đến nay, tại Việt Nam có khoảng 38,000 đứa trẻ bị bệnh tay chân miệng, 2 trong số 38,000 đứa trẻ này đã chết. Đáng chú ý là theo các viên chức y tế, có nhiều dấu hiệu cho thấy, từ nay đến cuối năm, dịch sốt xuất huyết và dịch tay chân miệng ở Việt Nam sẽ bùng phát mạnh mẽ và hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn.

Sởi vốn là bệnh truyền nhiễm mà ngành y tế Việt Nam từng hoan hỉ loan báo đã loại trừ khỏi Việt Nam cũng đột nhiên phát triển thành dịch. Từ đầu năm đền nay, sởi đã bùng phát thành dịch tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn Việt Nam. Tính ra có 33,500 trường hợp nhiễm sởi và có đến 147 người uổng mạng vì sởi.

Viêm não Nhật Bản trước đây chỉ lây lan ở miền Bắc, gần đây đã lan rộng tại miền Nam, đặc biệt là tại Sài Gòn. Dịch viêm não Nhật Bản tấn công 565 người, 22 người trong số này đã chết. Đáng lưu ý là riêng tỉnh Sơn La, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, có đến 100 đứa trẻ bị viêm não cấp tính.

Hồi thượng tuần tháng 8, Bộ trưởng Y tế của CSVN nhận định, sở dĩ đủ loại dịch bệnh liên tục bùng phát tại Việt Nam trong thời gian vừa qua là vì nguồn nước ô nhiễm, môi trường sống ô nhiễm, thực phẩm không hợp vệ sinh.

Theo bà ta, không thể chống dịch tiêu chảy cấp tính khi thực phẩm thiếu vệ sinh và đặc biệt là nguồn nước được cung cấp cho dân chúng cư trú ở các đô thị ăn uống, không đủ tinh khiết.

Sau một cuộc khảo sát hồi tháng 6, Cục Quản lý Môi trường của Bộ Y tế Việt Nam cho biết, mẫu nước được lấy từ 1,722 cơ sở cấp nước có công suất từ 1,000 mét khối/ngày trở lên, có 18% không đạt chỉ tiêu lý hóa và có 6% và không đạt chỉ tiêu vi sinh.

Thậm chí, ngay tại Sài Gòn đã có ba nhà máy cung cấp nước không đạt tiêu chuẩn vì hàm lượng mangan và sắt cao hơn mức cho phép. Một số nhà máy khác có hàm lượng clorua quá thấp.

Nếu dịch tiêu chảy cấp tính lan rộng vì thực phẩm thiếu vệ sinh và nguồn nước ăn uống bị ô nhiễm thì các loại dịch khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, viêm não bùng phát bởi ô nhiễm môi trường. Đây lại không chỉ là chuyện thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Y tế. Cũng vì vậy, việc ngăn chặn dịch bệnh tại Việt Nam sẽ trở thành vấn đề nan giải. (G.Đ)
09-12-2014 3:31:02 PM
Theo Người Việt.

No comments:

Post a Comment