WASHINGTON (WP) - Hồ sơ tòa án được công bố hôm Thứ Năm cho biết chính phủ Mỹ đe dọa phạt Yahoo $250,000 mỗi ngày năm 2008, nếu không chịu nạp dữ kiện của khách hàng, vì công ty cho là vi hiến.
Trụ sở trung ương của Yahoo! ở Sunnyvale, San Jose, California. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)
Sự kiện này soi sáng thêm việc các giới chức chính quyền liên bang buộc các công ty kỹ thuật điện tử phải tham gia chương trình PRISM của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (NSA) đã gây nhiều tranh luận như thế nào. Hồ sơ dày khoảng 1,500 trang cho thấy chuyện bí mật và sự tranh đấu pháp lý cuối cùng không thành công của Yahoo. Tổn thất lớn khiến Yahoo trở thành một trong những công ty điện tử đầu tiên bằng lòng cung cấp thông tin cho chương trình PRISM.
Chương trình này cho phép NSA có thể thâm nhập sâu rộng vào hồ sơ lưu trữ những liên lạc trên mạng của các khách hàng sử dụng Yahoo và các hãng thông tin điện tử khác ở Mỹ.
Phán quyết của tòa án duyệt xét việc giám sát tình báo hải ngoại hoàn toàn bí mật và ở một thời điểm căn bản cho sự phát triển của chương trình PRISM, giúp những giới chức liên bang thuyết phục các công ty điện tử khác tại Silicon Valley rằng việc đòi hỏi các dữ liệu đã được trắc nghiệm qua tòa án và là hợp hiến.
Theo hồ sơ của NSA thì Google, Facebook Apple, AOL đều tuân hành không kể Microsoft đã chấp thuận từ trước.
PRISM bị gián đoạn từ 2011 do tiết lộ của ông Edward Snowden, dẫn tới phản tác dụng trầm trọng và tranh luận gai góc về hoạt động theo dõi do thám quá mức của chính quyền. Các công ty điện tử Mỹ có gắng tự vệ trước những cáo buộc là họ sẵn sàng tham gia vào việc do thám của chính quyền, cáo buộc làm thương tổn đến uy tín của các công ty này ở hải ngoại kể cả tại Âu Châu,
Cả hai tòa án, tòa giám sát tình báo hải ngoại và tòa duyệt xét tình báo hải.ngoại, một tòa phúc thẩm, yêu cầu công khai hóa các hồ sơ. Chánh Án William Bryson, chánh thẩm tòa sau này, ra lệnh công bố hồ sơ hôm Thứ Năm. Tuy nhiên, hồ sơ pháp lý ở các tòa dưới không được công bố.
Yahoo hoan nghênh quyết định này và nói rằng đã làm sáng tỏ nỗ lực của họ trong việc chống sự do thám của chính quyền, lệnh giao nạp dữ kiện được gởi đến Yahoo. Năm 2007, sau khi đạo luật Protect America Act được thông qua cho phép chính quyền thu thập dữ liệu từ những cá nhân “có lý do để tin rằng” không có mặt tại Hoa Kỳ. Việc này vượt quá đòi hỏi bình thường là mỗi đối tượng phải được tòa xét duyệt trước khi bắt đầu theo dõi. Do đó Yahoo đã khiếu nại và không chấp hành ngay.
Tu chính án số 4 của Hiến Pháp cấm khám xét và bắt giữ nếu không có án lệnh. Vấn đề tranh luận là tới mức độ nào quyền riêng tư được Hiến Pháp bảo đảm phải nhượng bước trước sự bảo vệ an ninh quốc gia.
Liên Đoàn Bảo Vệ Dân Quyền (ACLU) hoan nghênh việc công bố các hồ sơ nhưng cho rằng quá chậm. Ông Patrick Toomey, một luật sư của ACLU, nói: “Công chúng không thể hiểu ý nghĩa một đạo luật nếu như tòa án không giải thích đạo luật đó.” (HC)
09-11- 2014 6:42:07 PM
No comments:
Post a Comment