Friday, September 12, 2014

Việt Nam không có tiến bộ về “phát triển con người”

 HÀ NỘI (NV) .- Báo cáo mà Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố ngày 11 tháng 9-2014 tại Hà Nội cho thấy Việt Nam không có tiến bộ về “phát triển con người”.


Hơn 50% người nghèo ở Việt Nam không được nhận trợ cấp. (Hình: Thời báo Kinh tế Sài Gòn).

Trong báo cáo vừa kể, chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2013 của Việt Nam được xếp hạng 121, tương đương năm 2012. Nhìn rộng hơn thì từ năm 2000 đến nay, chỉ số HDI của Việt Nam đang giảm từ 1.7 hồi trước năm 2000 xuống còn 0.96 trong năm 2013.

Hầu hết các quốc gia ở châu Á đều có chỉ số HDI và thứ hạng cao hơn Việt Nam. Chẳng hạn Nam Hàn đứng hạng 15, Malaysia đứng hạng 62, Thái Lan đứng hạng 89, Trung Quốc đứng hạng 91, Indonesia đứng hạng 108, Phillipines đứng hạng 117.

HDI là chỉ số tổng hợp từ các yếu tố tuổi thọ, tri thức (trung bình số năm đi học và số năm đi học kỳ vọng), mức sống (GNI bình quân đầu người) nhằm đo lường thành tựu về phương diện phát triển con người.

Theo ghi nhận của UNDP, tại Việt Nam, tuổi thọ trung bình là 71.5 năm. Trung bình số năm đi học là 5.5 năm và số năm đi học kỳ vọng là 11.9 năm. GNI bình quân đầu người là 4,892 Mỹ kim.

Bà Pratibha Mehta, Trưởng Văn phòng của UNDP tại Việt Nam, nhận xét, tuy Việt Nam có những tiến bộ đáng kể trong phát triển con người qua các số liệu về giảm nghèo, phát triển y tế và giáo dục, song kể từ năm 2000, tốc độ của các tiến bộ về phương diện phát triển con người của Việt Nam chững lại và giảm xuống từ năm 2008. Cũng vì vậy, Việt Nam “dễ bị tổn thương”.

Theo UNDP, tình trạng bất bình đẳng trong xã hội Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Gần đây, nhóm 20% người có thu nhập cao nhất tại Việt Nam đang có mức tăng thu nhập rất nhanh, trong khi 50% người nghèo không có trợ cấp xã hội và Việt Nam chỉ bỏ ra chưa tới 1% GDP để trợ cấp cho người nghèo.

Cũng theo UNDP, tại Việt Nam, hiện có khoảng 70% việc làm thuộc “khu vực không chính thức”. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, biện bạch, lý do HDI của Việt Nam giảm là vì tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu 2008. Tác động của đợt suy giảm kinh tế toàn cầu này đã tác động đến đời sống dân chúng Việt Nam và đến nay chưa đánh giá được hết hệ lụy.

Cũng theo ông Thắng, Việt Nam phải đẩy nhanh cải cách cơ cấu vì từ năm 2008 đến nay, tốc độ tăng trưởng trung bình của Việt Nam chỉ đạt khoảng hơn 5%. Giảm đáng kể so với mức 7,9% trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2000. (G.Đ)

 09-12-2014 2:48:28 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment