Friday, September 12, 2014

Ô nhiễm vây “thủ phủ” nuôi lợn

Nam Tùng Sơn (Dân Việt) •06:39 - 13 tháng 9, 2014
Việc các hộ chăn nuôi lợn xả thải trực tiếp ra môi trường khiến môi trường ở xã Ngọc Lũ ô nhiễm nghiêm trọng.
Xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam) được biết đến là “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, rất nhiều hộ đã giàu lên từ nghề này. Song cùng với đó là sự ô nhiễm môi trường đang bao trùm lên toàn xã.
Khốn khổ vì… giàu
Chúng tôi về xã Ngọc Lũ, đi từ đầu làng đến cuối xóm đâu đâu cũng ngửi thấy mùi phân lợn nồng nặc bốc lên từ những con mương, rãnh nước đen kịt. Anh Nguyễn Văn Thắng ở đội 1 dẫn chúng tôi ra và chỉ xuống con mương đặc quánh phân lợn, phàn nàn: “Trước đây con mương này nước rất trong, cá tôm nhiều lắm, nhưng vài năm gần đây nó đã bị biến thành con mương “chết” vì không loài tôm, cá nào có thể sống được. Phân lợn đặc quánh thế này không cần đo đếm, kiểm tra cũng biết là quá ô nhiễm rồi”.
Không chỉ những con mương nhỏ, những con kênh lớn cũng chịu chung cảnh ô nhiễm. Ông Trần Đình Mão – Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lũ thừa nhận: “Tình trạng ô nhiễm ở xã đã ở mức báo động. Cả xã có 1.600 hộ chăn nuôi lợn với tổng số lợn lên tới 60.000 con, vì thế hàng ngày lượng chất thải của lợn ra môi trường là rất lớn. Do chưa có ý thức nên nhiều hộ đã xả trực tiếp chất thải chăn nuôi ra môi trường, chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện đáng kể” – ông Mão cho hay.
Không chỉ ô nhiễm nguồn nước mặt, ở Ngọc Lũ nguồn nước ngầm cũng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Toàn ở đội 6 cho biết: “Trước đây người dân chủ yếu dùng nước giếng, hoặc nước giếng khoan để sinh hoạt, nhưng gần đây nguồn nước ngầm ô nhiễm nghiêm trọng nên không thể dùng được. Nước hút lên màu đen nhạt, mùi hôi tanh, chúng tôi phải sang xã bên mua nước để dùng. Nhiều thửa ruộng ngập trong phân lợn nên bị lốp toàn lá, rồi “bội thực” phân lợn mà chết, nên ruộng phải bỏ hoang, cá thả xuống ao thì chết nổi trắng. Những năm gần đây tỷ lệ người mắc bệnh về hô hấp, đường ruột và da liễu ở thôn rất nhiều, nhất là các cháu nhỏ” – ông Toàn cho biết.
Ô nhiễm sẽ còn tăng


Ông Trần Đình Mão
Tình trạng ô nhiễm đã ở mức báo động, cả xã có 1.600 hộ chăn nuôi với tổng số lợn là 60.000 con, hàng ngày lượng chất thải của lợn ra môi trường là rất lớn.
 
Trao đổi với chúng tôi về hướng giải quyết tình trạng ô nhiễm này, ông Mão cho biết: “Xã cũng đã vận động bà con làm hầm biogas để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nhiều hộ cũng đã xây hầm. Tuy nhiên, do chăn nuôi lợn phát triển nên hầm biogas chỉ được vài năm là hết chỗ chứa, không biết xả đi đâu, người dân lại xả ra các kênh mương”. Cũng vì ô nhiễm, mà ở xã đã xảy ra tình trạng kiện cáo khắp nơi. Ông Mão cho biết thêm: “Xã liên tục nhận được đơn phản ánh, kiện của người dân về việc các hộ chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường. Xã cũng đã nhiều lần áp dụng xử phạt, nhắc nhở, yêu cầu các hộ cam kết không xả thải trực tiếp ra môi trường, nhưng được một thời gian rồi tình trạng lại như cũ”.

Được biết, năm 2012 xã đã cắt 5,3ha đất lúa 5% để quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tại khu Đồng Chằm, cách khu dân cư khoảng 2km. Xã đã tổ chức hàng chục cuộc họp, kêu gọi, yêu cầu các hộ chăn nuôi chuyển ra khu chăn nuôi này nhưng đến nay chưa có hộ nào chịu chuyển.
Ông Mão cho biết, với đà tăng trưởng này, năm 2015 dự kiến xã sẽ có khoảng 65.000 – 70.000 con lợn, tương đương khoảng 11.000 – 12.000 tấn lợn hơi. “Chắc chắn ô nhiễm sẽ còn tăng, trong thời gian tới chúng tôi sẽ xây dựng quy chế, yêu cầu tất cả các hộ phải làm hầm biogas, ký cam kết bảo vệ môi trường, đồng thời tăng mức phạt đối với các hộ vi phạm” – ông Mão cho hay.

No comments:

Post a Comment