Friday, September 12, 2014

Vì sao năng suất lao động Việt thấp nhất khu vực?

Công nhân tại một nhà máy ở Hải Phòng, ảnh minh họa chụp hôm 15/10/2010.AFP PHOTO

 Hòa Ái, phóng viên RFA 2014-09-11

Đối mặt thách thức lớn

Theo kết quả đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thì năng suất lao động Việt thuộc nhóm thấp nhất Châu Á do lao động chưa qua đào tạo và thiếu kỹ năng mềm. Đây có phải là nguyên nhân chủ yếu hay không?
Tại diễn đàn chính sách về tác động của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến thị trường lao động VN, diễn ra ở Hà Nội vào hôm mùng 4 tháng 9, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng VN phải đối diện với sự thách thức rất lớn khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào năm 2015.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chưa đến 20% lực lượng lao động của VN được đào tạo chuyên môn và không có đủ kỷ năng đáp ứng đòi hỏi của thị trường. Năm 2013, năng suất lao động của VN thấp hơn Singapore đến 15 lần và tốc độ tăng năng suất lao động Việt đang giảm dần.
Đồng lương ít nên mua ở ngoài ăn thì lương không còn bao nhiêu. Làm thì bị ép phải làm cho nhiều hơn, làm cho nhanh hơn trong khi trưa ra ăn cơm không được thì lấy sức đâu mà làm nỗi.
-Chị Hai
Tìm hiểu vì sao công nhân Việt, những người có truyền thống lao động cần cù, siêng năng lại bị giảm năng suất lao động; có phải vì các nguyên nhân theo như Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra hay không? Nhiều công nhân lao động tay chân trong các hãng, xưởng không đồng tình như vậy. Đại đa số những công nhân đài RFA tiếp xúc đồng ý trình độ chuyên môn của họ không có hoặc chỉ sơ sài khi mới bắt đầu được tuyển dụng. Tuy nhiên, sau khi nhanh chóng được huấn luyện căn bản, hầu hết công nhân đều cố gắng làm việc. Vì cuộc sống cơm áo gạo tiền, từ những bạn thanh niên cho đến những người luống tuổi đều cặm cụi, cần mẫn, học nghề, học việc với mong muốn ổn định cho bản thân và gia đình.
Hòa Ái hỏi thăm một số công nhân hiện đang làm việc trong một công ty xuất khẩu đồ gỗ ở Đồng Nai, họ cho biết đã gắn bó với công ty trong nhiều năm, rất cố gắng làm việc, làm đến mức bị bệnh cũng không dám nghỉ vì sợ bị cắt tiền thưởng. Trong thời gian gần đây, công ty không cho giờ tăng ca nữa, bắt công nhân phải làm việc với cùng số lượng sản phẩm trong 8 giờ đồng hồ thay vì 12 tiếng như trước đó. Thậm chí có khi lô hàng gặp sự cố thì công nhân là người lãnh hậu quả nặng nề dù họ không phải là người gây ra lỗi. Chị Hai, một công nhân thâm niên trong công ty chia sẻ:
CONG-NHAN-1-305
Công nhân kỹ thuật làm việc tại Mitsubishi Việt Nam, ảnh minh họa chụp trước đây.
“Do mấy người Trung Quốc gò ép quá thì dĩ nhiên công nhân bất mãn. Ví dụ mấy chuyên gia Trung Quốc ở trên la mắng mấy người chủ quản, giám đốc xưởng người VN thì mấy người này chửi xuống. Nhiều khi hàng do trời mưa ẩm bị lên sơn, xớ lông còn thì không làm sao chà sạch được. Mà chà không sạch thì bị chửi. Nhiều lúc công nhân bị oan ức cho nên công nhân chán nản. Với lại tiêu chuẩn ăn của họ không đúng nữa. Một suất ăn cơm trưa, 13 ngàn, mà chỉ có sơ sài vài lát thịt. Có bữa đồ ăn bị giòi, có bữa đồ ăn bị hư, có bữa canh rau sâu, cơm thì chèm nhẹp. Ăn cũng không được bình tĩnh, đàng hoàng. Đi ăn hấp tấp này kia nên công nhân bất mãn. Nhiều người không ăn cơm, phải mua ở ngoài ăn. Đồng lương ít nên mua ở ngoài ăn thì lương không còn bao nhiêu. Làm thì bị ép phải làm cho nhiều hơn, làm cho nhanh hơn trong khi trưa ra ăn cơm không được thì lấy sức đâu mà làm nỗi”.
Chia sẻ vừa rồi của chị Hai cũng là những tiếng nói của nhiều công nhân mong mỏi được cấp lãnh đạo của nhà máy, của công ty và của cả chính phủ lắng nghe.

Thiếu kỹ năng mềm?

Trong khi đó, Vụ trưởng Kỹ năng nghề, Tổng cục Dạy nghề, ông Cao Quang Đại nhận định yếu điểm của lao động VN là thiếu kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, khả năng ngoại ngữ, kỷ năng tuân thủ quy trình lao động… Khối nhân viên văn phòng trong các công ty cho rằng nhận định của ông Cao Quang Đại chỉ đúng đối với các doanh nghiệp nhà nước mà thôi.
Những người làm việc trong các cơ quan nhà nước cho đài RFA biết nhiều vị trí tuy có tên là “nhân viên văn phòng” nhưng thực chất những nhân viên đó chỉ có mặt để lãnh lương mỗi tháng mà không được phân công làm bất cứ công việc gì. Về phân bổ chức vụ thì cũng tùy theo cảm tính, không cần xét về năng lực làm việc mà chỉ tùy theo mức độ tình cảm sẽ được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo.
Phải tuyển đúng năng lực mà nếu người ta xuề xòa không làm việc thì phải bị đuổi. Phải thẳng tay như vậy thì mới thay đổi được.
-Anh Phan
Mặc dù vậy, có thể làm sếp ngày hôm nay nhưng ngày mai bị gián xuống làm nhân viên bình thường mà trước đó được đưa lên những vị trí cao với những lý do không ai biết. Thêm nữa là lương của nhân viên đó không hề thay đổi khi bị xuống chức. Thường thì bộ phận nhân viên được cho là thuộc diện ‘con ông cháu cha’ hay quen biết với lãnh đạo thực sự là lực lượng góp phần tạo nên tình trạng năng suất lao động thấp ở VN. Anh Phan, tốt nghiệp cao học ở Hoa Kỳ, trở về VN làm việc trong một bệnh viện, lên tiếng:
“Thật ra cũng có những người ‘con ông cháu cha’ có tài thực sự nhưng vì ỷ lại, trong đầu lúc nào cũng mặc định là có làm thì cũng hưởng bao nhiêu đó mà không làm thì cũng không bị đuổi. Chính tâm lý ỷ lại đó mà khiến bị chây lười trong công việc. Em nghĩ phải thay đổi từ người sếp và không có kiểu ‘con ông cháu cha’ đưa vào làm việc theo kiểu VN ‘con quan thì được làm quan’, thì cứ theo kiểu không có năng lực mà làm sếp. Phải tuyển đúng năng lực mà nếu người ta xuề xòa không làm việc thì phải bị đuổi. Phải thẳng tay như vậy thì mới thay đổi được”.
Anh Phan cho biết thêm ở VN hiện nay, lực lượng nhân viên người Việt làm trong các công ty nước ngoài và công ty tư nhân đều làm việc năng động, sáng tạo và đạt được hiệu quả cao. Mới đây nhất, GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie) nói với báo giới rằng người nước ngoài nhận xét về lao động Việt rất có thiện cảm. Ông Nguyễn Mại dẫn chứng tại tập đoàn Samsung ở Bắc Ninh có hơn 40 ngàn lao động Việt, phần lớn đều đáp ứng nhu cầu, không ai bị đuổi vì lười làm việc. Đội ngũ quản lý người Việt trong tập đoàn ngày càng gia tăng và có khả năng thay thế quản lý người Hàn Quốc.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ông Đặng Huy Đông nhấn mạnh trong một hội thảo rằng VN chưa thu hẹp khoảng cách về năng suất lao động so với các nước trong khu vực. Và theo các chuyên gia, để nâng cao năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thì phải thay đổi từ gốc. Vậy, cái gốc cần thay đổi, có phải từ yếu tố chủ quan là đào tạo và quản lý, đều do Nhà nước định đoạt?

No comments:

Post a Comment