Sâu trong những con ngõ nhỏ, tối và sâu hun hút như địa đạo tại phố cổ Hà Nội, không hiếm để bắt gặp những căn nhà tí hon, chỉ rộng vài mét vuông, cũ nát, xập xệ nhưng lại là nơi ở của cả một gia đình nhiều thế hệ...
Chật chội
Bấy lâu nay, dân ta thường có quan niệm, đất phố cổ Hà Nội là "đất vàng", mỗi mét vuông trị giá tiền tỷ, cuộc sống ở phố cổ là sang trọng, hào nhoáng với những cửa hàng, phố xá sáng đèn lung linh. Thế nhưng, thực tế, đằng sau những con phố ấy, là cuộc sống chật chội, khốn khó của biết bao con người.
Đối với phố cổ Hà Nội, nhà rộng độ 10m2 đã là "may mắn" lắm rồi. Sâu trong những con ngõ nhỏ, tối và sâu hun hút như địa đạo tại phố cổ Hà Nội không hiếm để bắt gặp những căn nhà tí hon, chỉ rộng vài mét vuông, cũ nát, xập xệ nhưng lại là nơi ở của cả một gia đình nhiều thế hệ.
Bà Quế trong căn nhà 47 Hàng Bạc.
Ngõ Phất Lộc được biết đến là ngõ ẩm thực nổi tiếng nhưng cũng là ngõ nổi tiếng với độ nhỏ và nhếch nhác của những ngôi nhà. Đi sâu vào ngõ, sẽ thấy căn nhà số 34, là một ngôi nhà nhỏ với lối kiến trúc cổ, nước sơn màu vàng đã ố theo thời gian. Một bà cụ tóc bạc, yếu ớt đang ngồi hóng gió ngoài cổng, càng tôn thêm vẻ cũ kỹ của căn nhà này.
Chắp nối những lời kể đứt quãng của cụ, mới hay, cụ tên là Nguyễn Thị Mười, năm nay đã ngoài 80 tuổi, ngôi nhà số 34 này có từ rất lâu đời, cụ đã ở đây mấy chục năm. Đây là nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình. Nhà cụ chỉ có hơn 4m2, chật hẹp và cũ nát nhưng là nơi ở của 3 thế hệ, là cụ và vợ chồng, con cái người con trai.
"Nhà chật chội, làm gì cũng phải khúm rúm. Không chịu được cảnh này, vợ chồng con trai tôi đã chuyển ra thuê nhà ở rồi", cụ Mười cho biết. Nghe tiếng í ới của hàng xóm thông báo có nước đang chảy mạnh, cụ Mười lê đôi chân phù nề nhích từng bước nặng nhọc đến vòi nước, hứng nước cho sinh hoạt. Theo lời mọi người ở đây, do chân đau nên cụ chỉ lê được từ nhà ra sân, việc mua thức ăn, đồ dùng đều nhờ đến người nhà hoặc người trong xóm.
Cùng sống trong căn nhà số 34, căn nhà của ông Hoạt cũng chỉ vẻn vẹn 6m2 cho 3 người, là vợ chồng ông và cô con gái đã học lớp 11. Vì nhà quá hẹp, con gái lại lớn, mọi sinh hoạt đều bất tiện nên ông Hoạt tìm cách cơi nới, cải tạo, tận dụng diện tích trên tầng 2 để xây một cái “chuồng cọp”, làm phòng riêng cho con gái.
Ông Hoạt chia sẻ: “Nấu nướng, vệ sinh đều phải chung, bao nhiêu năm chỉ mong ước có một chỗ ở rộng rãi hơn. Khốn khổ lắm nhưng không có cách nào khác được, không có nơi khác mà chuyển đi nên đành phải chấp nhận. May mà còn cơi nới được cái phòng nhỏ cho con gái ở, chứ cháu lớn rồi, sinh hoạt bất tiện lắm”.
Nơm nớp trong nhà cổ
Ngôi nhà số 47 Hàng Bạc là một trong những ngôi nhà cổ nhất Hà Nội hiện còn sót lại. Theo các nhà sử học, ngôi nhà có diện tích 206m2, được xây dựng vào khoảng năm 1880 theo lối kiến trúc truyền thống, là một trong những ngôi nhà cổ cần được bảo tồn ở phố cổ Hà Nội. Nghe ra có vẻ “oai” nhưng với những người sống ở ngôi nhà cổ này thì thật là khổ. Căn nhà đã xuống cấp và biến dạng thảm hại, nhất là sau vụ cháy năm 2010 thì ngôi nhà càng trở nên tan hoang.
Bước vào ngôi nhà cổ nhất Hà Nội này, tôi không khỏi rùng mình bởi cái vẻ u ám, tăm tối và xập xệ. Thấp thoáng thấy bóng người hiện ra trong không gian tăm tối ấy. Đó là bà Nguyễn Thị Quế (65 tuổi), người đã về làm dâu và ở căn nhà này được hơn 40 năm đang cặm cụi trong căn bếp “thông thiên” của gia đình.
Dẫn tôi đi tham quan ngôi nhà, bà Quế ngậm ngùi: “Trước đây, căn nhà này thuộc dạng sang nhất nhì ở phố, nhà có lối đi thẳng dài, ngoài sân cây cối um tùm, từng bức tường, cầu thang đều có hoa văn rất đẹp. Đây, chỗ này trước là cửa vào, đây là khu bể cá... Nhưng rồi con cháu ngày càng đông, nhà cứ chia năm sẻ bảy, rồi thành như bây giờ, 2/3 diện tích không dùng được nữa, nhiều chỗ phải treo biển cảnh báo để mọi người cẩn thận”.
Mặc dù ngoài trời đang nắng to, nhưng để nhìn rõ đường đi trong nhà, chúng tôi phải sử dụng đèn pin. Dưới ánh đèn, cộng thêm chút ánh sáng chiếu xuống qua những khu mái đã sụt, đổ, ngôi nhà cổ hiện lên tan hoang, nhếch nhác. Bờ tường phủ một màu đen xám, rêu bám đầy. Lối lên gác hai là một chiếc cầu thang chông chênh, chực sập xuống bất cứ lúc nào, đây là nơi ở của một gia đình nhưng để bảo đảm an toàn, họ đã chuyển đi ở trọ nơi khác.
Thời kỳ đông đúc nhất ở đây, cũng có đến 30 - 40 người, lại chỉ có một phòng vệ sinh, mỗi sáng, người dân nơi đây thường phải xếp hàng khi đi vệ sinh. Nhà vệ sinh duy nhất ấy cũng “xuống cấp” trầm trọng theo ngôi nhà, sau cánh cửa bằng cót ép đã bị mọt ăn lỗ chỗ là buồng vệ sinh bốc mùi, cáu bẩn. Sau này, do khu nhà quá xuống cấp, nhiều gia đình không chịu được khổ đã chuyển đi, nên giờ còn khoảng 6 hộ ở lại.
Căn nhà của gia đình bà Quế chỉ vẻn vẹn 16m2, là nơi ở của 9 người thuộc 3 thế hệ. Ở chật chội đã khổ, nhưng lúc nào cũng phải lo lắng đến sự an toàn. Bà Quế kể: “Ở đây, lúc nào cũng phải nơm nớp lo sợ. Cứ mưa là ngập, là tường đổ. Cách đây 3 năm, vào đúng dịp Tết, thì trời mưa, mái nhà sập xuống, cả nhà tôi phải chạy ra ngoài đường lánh nạn, đợi hết mưa mới dám về nhà. Bây giờ, cứ trời mưa to là tôi phải ra ngoài, có hôm đang nấu cơm cũng phải xách bếp than ra đường đứng”.
Chỉ lên mái nhà, bà Quế ngậm ngùi: “Khi nhà trên gác bỏ đi, không có người ở, không có mái che nên hễ mưa là nhà ngập, bếp thành “thông thiên” nên tôi làm đơn xin được lợp mái tôn bên dưới mái nhà cũ để tránh mưa gió. Nhưng ở mà cũng lo sợ lắm. Chúng tôi ở đây chỉ mong thành phố sớm có chính sách cải tạo căn nhà này, dù di chuyển đến đâu chúng tôi cũng chấp nhận, chứ ở nhà như thế này thì khổ quá”.
(Còn nữa)
No comments:
Post a Comment