Saturday, September 13, 2014
Trung Quốc từng bước thôn tính Biển Đông
* Tăng tốc xây dựng trên đảo Gạc Ma, thuộc Trường Sa của Việt Nam
Từng bước tiến hành âm mưu thôn tính toàn thể khu vực Biển Đông, từ đầu năm nay Trung Quốc bắt đầu thực hiện chiến lược mới: gia tăng sự hiện diện tại quần đảo Trường Sa.
Tàu Trung Quốc bơm cát từ đáy biển lên để đắp thành đảo nhân tạo ở Gạc Ma. (Hình: Bộ Quốc Phòng Philippines)
Thể hiện cụ thể cho mục tiêu này là việc Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một số đảo nhân tạo, trên đó có thể đặt căn cứ quân sự và có dân cư sinh sống.
Quần đảo Trường Sa gồm hàng trăm đơn vị nhưng thực tế không quá một chục đảo nhỏ, còn lại hầu hết là các rạn san hô (coral reef) nửa chìm nửa nổi và các bãi ngầm, ngập dưới mặt biển khi thủy triều lên. Tổng diện tích đất nổi của Trường Sa chỉ trong khoảng từ 5 km2 đến 10 km2.
Cho đến nay chỉ có Việt Nam, Philippines, Ðài Loan, Malaysia có quân đội trú đóng và dân chúng định cư ở một số cụm đảo. Trung Quốc chậm trễ trong sự tranh chấp mới chỉ đặt tiền đồn với kiến trúc sơ sài trên các đảo đá san hô mà họ chiếm giữ.
Hồi tháng 2, trang mạng Qianshan.com của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh có kế hoạch biến những đảo đá ở cụm Sinh Tồn, trong đó có Ðá Gạc Ma, thành các đảo nhân tạo. Ðá Gạc Ma, tên tiếng Anh là Johnson Reef, là một rạn san hô đã bị Trung Quốc chiếm trong trận hải chiến Trường Sa tháng 3 năm 1988. Phần lớn đảo san hô này chìm dưới nước nên trong thời gian đầu Trung Quốc chỉ xây cất một nhà hình bát giác đặt trên cọc gỗ làm chòi gác. Tới 1999 tại đây đã có kiến trúc bằng xi măng hai tầng đặt trạm khí tượng, antena quan sát vùng biển.
Tin của Bộ Quốc Phòng Philippines hồi tháng 5 năm nay cho biết, Trung Quốc dùng tàu ống bơm thổi vét, cần trục, đào đá và lấy cát từ đáy biển xây đắp Gạc Ma thành một đảo nhân tạo. Công tác còn đang được xúc tiến tích cực với nhiều tàu chuyên chở vật liệu đến. Tới tháng 7, ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy trên đảo đã có một phi đạo đủ dài sử dụng được cho máy bay chiến đấu, cầu tàu, hải đăng, đường sá, cơ sở và cả một số cây dừa mới trồng.
Như thế Gạc Ma đã có thể làm một căn cứ quân sự với nhân sự hoạt động thường trực và tương lai sẽ có dân cư sinh sống giống như Philippines và Việt Nam vẫn tìm cách định cư dân chúng trên các đảo thuộc quyền kiểm soát của mình.
Dù Trường Sa có vị trí chiến lược quan trọng trên Biển Ðông, việc thiết lập một căn cứ quân sự lớn tại đây là không có ý nghĩa. Trước hết, đặt căn cứ quân sự ở một đảo nhỏ không có hiệu quả, nếu không được trang bị đầy đủ những phương tiện rất tốn kém. Biển Ðông không quá rộng lớn để cần có một căn cứ như thế, các căn cứ quân sự trên đất liền - ở Quảng Ðông hay Hải Nam - cách xa tối đa 1,000 km, đủ để đáp ứng cho các nhu cầu chiến thuật và chiến lược. Hơn nữa một căn cứ trên diện tích nhỏ hẹp ở nơi xa xôi là không thể phòng thủ nếu xảy ra chiến tranh lớn.
Nhưng mặt khác, căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma có giá trị chiến thuật đáng kể, và là mối đe dọa cho tất cả các quốc gia tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Ðây sẽ là căn cứ tiền tiêu cho Hải Quân Trung Quốc có thể nhanh chóng hiện diện khi xảy ra va chạm xung đột ở khu vực. Phi trường quân sự ở Gạc Ma, nếu chưa có đủ giá trị như một hàng không mẫu hạm neo tại chỗ, thì cũng là một căn cứ tiếp liệu và phụ trợ cho các máy bay xuất phát từ đất liền.
Tuy nhiên mục đích quan trọng nhất mà Trung Quốc nhắm tới không chỉ là Trường Sa mà là từng bước thực hiện ý đồ bành trướng xâm lược toàn thể khu vực Biển Ðông.
Không một quốc gia nào ở vùng Biển Ðông có khả năng đương đầu với tham vọng của Trung Quốc về tất cả các mặt từ quân sự, kinh tế đến chính trị. Trở ngại chính của Trung Quốc là Hoa Kỳ và cụ thể hơn là Hải Quân Hoa Kỳ. Trung Quốc đang phát triển rất nhanh lực lượng hải quân của họ nhưng không dễ dàng và mau chóng đủ khả năng đương đầu với Hải Quân Hoa Kỳ.
Như vậy mục tiêu thứ nhất trong chiến lược của Trung Quốc là gạt Hoa Kỳ ra khỏi địa bàn Ðông Nam Á. Hai thế kỷ trước, năm 1823, khi Tổng Thống James Monroe đề ra học thuyết “Châu Mỹ của người Mỹ,” các đế quốc thuộc địa Âu Châu đã phải hiểu rằng nên tránh khỏi vùng Biển Caribbean là “cái hồ của Hoa Kỳ.” Bây giờ Trung Quốc cũng sẽ tiến đến chỗ coi Biển Ðông là cái hồ của Trung Quốc.
Ðường 9 đoạn, hay Ðường Lưỡi Bò, là sự khẳng định chủ trương ấy nhưng mới chỉ ở giai đoạn lập luận và không nước nào chấp nhận sự xác định vô lý đó. Tạo nên một số đảo nhân tạo để gia tăng sự hiện diện cụ thể trong vùng quần đảo Trường Sa là một bước tiến cụ thể.
Bằng cố gắng biện minh Ðá Gạc Ma là một hải đảo, Trung Quốc có cơ sở để đòi hỏi chủ quyền ở các khu vực biển kế cận. Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) xác định rằng hải đảo là một thực thể bao gồm cả Vùng Lãnh Hải Ðặc Quyền Kinh Tế (EEZ) 200 hải lý. Những thực thể địa ý nhỏ như rạn san hô, mỏm đá, bãi cạn không có dân cư thường trực không có EEZ.
Nên nhớ khi Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 xâm phạm vùng biển Việt Nam, họ luôn luôn khẳng định rằng hoạt động trong hải phận của họ. Một cách ngầm hiểu, Trung Quốc muốn tỏ rằng giàn khoan ở vùng biển Hoàng Sa mà họ chiếm của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 và gần đây đã nỗ lực tổ chức quần đảo này thành một đơn vị hành chính thuộc Hải Nam. Nhưng trong mọi giải thích chính thức, Trung Quốc không chỉ nói đến Hoàng Sa cốt để hiểu rằng toàn thể Biển Ðông là của họ theo lập luận “Ðường 9 Ðoạn.”
Từ chỗ “cắm sào” ở Trường Sa, Trung Quốc sẽ dần dần tuyên bố lập ra vùng biển thuộc và không phận chủ quyền của họ, ngăn cản sự qua lại của Hải Quân và Không Quân Hoa Kỳ. Tuần tự với đà lấn dần ấy ở những phần khác của “Ðường 9 Ðoạn,” toàn thể Biển Ðông sẽ thành “cái hồ của Trung Quốc” và Hải Quân Hoa Kỳ không thể tự do xâm phạm. Lập trường của Hoa Kỳ từ xưa đến nay là tự do lưu thông hàng hải, và Biển Ðông là một thủy lộ quốc tế quan trọng. Hoa Kỳ đã tuyên bố Biển Ðông có lợi ích cốt lõi của quốc gia mình, tất nhiên không chấp nhận vi phạm như thế, nhưng đó còn là chuyện lâu dài sẽ không bao giờ có một sự giải quyết hoàn toàn dứt khoát.
Ðể ngăn chặn âm mưu bành trướng của Trung Quốc trên Biển Ðông, Việt Nam và Philippines là hai quốc gia đứng ở tuyến đầu. Phương cách đối phó sẽ không đơn giản và chắc chắn không bao giờ đạt một kết quả dứt khoát, phải chấp nhận một mức độ thua thiệt trong thực tế, nhưng điều cần phải xác định là tới một giới hạn nào. Giới hạn không chỉ ở không gian mà còn ở thời gian qua đó mọi giải pháp chính trị, ngoại giao và đôi khi có thể là quân sự tới một chừng mực, sẽ phải được linh động vận dụng.
Chúng ta đã biết rằng Trung Quốc tuyệt đối tránh né việc quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Ðông và luôn luôn chủ trương chỉ thương lượng song phương. Nhưng mặt khác họ không thể phủ nhận vai trò của khối ASEAN và bản nguyên tắc ứng xử chung. Có điều giữa lời nói và hành động, giữa cam kết và thực thi, tất cả mọi quốc gia liên hệ không nước nào tuân thủ đúng đắn. Việt Nam không thể từ bỏ vận dụng vai trò của ASEAN dù hiểu rõ rằng rất khó có sự đồng thuận hoàn toàn và thống nhất hành động hiệu quả.
Philippines một mặt viện tới công pháp quốc tế và kiện Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc. Nhưng Trung Quốc minh định là họ không chấp nhận bất cứ một sự phân xử nào.
Nói tóm lại chuyện Biển Ðông có lẽ không bao giờ dứt, cần phải kiên trì trong việc tranh đấu, đòi hỏi chủ quyền, và nên hiểu rằng thời gian là yếu tố quan trọng. Với Việt Nam hay Philippines, không thể có gì hy vọng được thêm, và không mất tức là thắng.
09-12- 2014 1:47:37 PM
HÀ TƯỜNG CÁT/Người Việt
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment