Saturday, August 2, 2014

Vụ máy xét nghiệm sinh hóa: Con voi chui lọt... 2 lỗ kim!


(PetroTimes) - Sau vụ nhân bản kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, sự việc máy xét nghiệm sinh hóa cũng ở Bệnh viện này và Bệnh viện Đa khoa Thường Tín lại chứng minh việc thẩm định, quản lý thiết bị y tế tại một số bệnh viện, đặc biệt là tuyến dưới không chặt chẽ dẫn đến khó khăn trong công tác điều trị cũng như đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Trách nhiệm ấy đầu tiên phải thuộc về Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội. Bởi Bộ Y tế, cụ thể là Viện Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) là nơi kiểm định chất lượng trước khi đưa các máy xét nghiệm vào các bệnh viện hoạt động và Sở Y tế là nơi quản lý các trang thiết bị y tế đang sử dụng tại các bệnh viện.
Bộ Y tế, Sở Y tế... ngỡ ngàng vì máy hỏng
Có thể thấy xuyên suốt trong vụ việc máy xét nghiệm sinh hóa ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Bệnh viện Đa khoa Thường Tín và 4 bệnh viện tuyến huyện khác ở Hà Nội, căn nguyên khởi đầu là những chiếc máy xét nghiệm sinh hóa kém chất lượng do chính Sở Y tế là chủ đầu tư cung cấp theo dự án đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến huyện mà UBNDTP Hà Nội phê duyệt.
Mở đầu là chiếc máy sinh hóa tự động hiệu Greiner GA 240 do Đức sản xuất được đầu tư cho Bệnh viện Đa khoa Thường Tín. Chiếc máy này được cấp cho Bệnh viện vào cuối năm 2010 với trị giá 648 triệu đồng, có tốc độ trả kết quả trên giấy tờ khi trình duyệt là khoảng 380 kết quả/2 giờ. Tuy nhiên, máy chỉ hoạt động hơn 2 năm phải “đắp chiếu” do bị cháy bóng đèn halozen và không có đèn thay thế. Nhưng điều đáng nói hơn là trong quá trình hoạt động, hiệu quả mà máy đạt được chưa bằng 1/10 so với hồ sơ trình duyệt.
Như vậy, với chất lượng máy Greiner GA 240 “nói vậy mà không phải vậy”. Để khắc phục điều này, Sở Y tế Hà Nội cho bệnh viện mượn một máy xét nghiệm khác mang nhãn hiệu TYB-20 nằm trong gói thầu phòng chống bệnh cúm gia cầm để sử dụng. Nhưng đáng tiếc, chẳng khác gì chiếc máy được đầu tư mới theo dự án của UBNDTP Hà Nội, máy TYB-20 cũng lại liên tục bị hỏng đến nỗi bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Thường Tín cho truyền thông biết: máy TYB-20 thường hay mắc lỗi, màn hình “treo” nên không thể nào kết nối được với máy tính. Do vậy không thể in kết quả ra cho bệnh nhân. Mà nếu in được thì kết quả ấy cũng chưa chắc đã chính xác bởi mật độ trục trặc của máy nhiều quá, hóa chất đi kèm lại không ổn định dẫn đến sai số xảy ra so với dải chỉ tiêu cho phép.
Máy xét nghiệm hóa sinh Greiner GA 240 tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức- Hà Nội (Ảnh: NLĐ)
Tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, cũng xảy ra sự việc tương tự khi máy xét nghiệm hóa sinh Greiner GA 240 của Đức do Sở Y tế Hà Nội đầu tư cũng liên tục trục trặc và cũng phải đắp chiếu hai năm nay do hỏng bóng đèn. Đại diện Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức khẳng định đã liên hệ với nơi nhập khẩu máy là công ty TNHH Bình Mai, ở M3-M4 Nguyễn Chí Thanh yêu cầu sửa chữa.
Tuy nhiên câu trả lời Bệnh viện nhận được là không có vật tư thay thế. Để giúp Bệnh viện có thiết bị thay thế khi chiếc máy hoạt động chính Greiner GA 240 nằm “phủ bụi”, Sở Y tế lại cho Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức mượn máy TYB-20, hệt như chiếc máy đã cho Bệnh viện Thường Tín mượn. Và kết cục cũng đúng như vậy: máy TYB-20 liên tục bị treo màn hình.
Như vậy, với các máy xét nghiệm hóa sinh Sở Y tế Hà Nội đầu tư và cung cấp cho một số bệnh viện tuyến dưới thuộc Thành phố cho thấy hàng loạt đều có chất lượng không bảo đảm. Mà những thiết bị này, theo quy định đều phải được thẩm định, đánh giá của cơ quan cấp Bộ là Viện Trang thiết bị và công trình y tế trước khi nhập về Việt Nam, cung cấp cho các bệnh viện. Vậy cơ quan này trả lời thế nào trước chất lượng của hàng loạt máy Greiner GA 240?
Ông Bùi Hoàng Mai, giám đốc Trung tâm Kiểm định và hiệu chuẩn trang thiết bị y tế, Viện Trang thiết bị và công trình y tế, đơn vị trực tiếp thẩm định, nghiệm thu chất lượng máy Greiner GA 240 nói: “Chúng tôi chỉ kiểm tra chất lượng máy trên giấy tờ, thấy máy đủ các giấy tờ theo quy định của Pháp luật. Còn theo quy trình đấu thầu, thì các máy cũng chỉ ghi tính năng kỹ thuật thông thường, không ghi nhãn hiệu nguồn gốc xuất xứ nên đơn vị nào đáp ứng yêu cầu về tính năng kỹ thuật thì duyệt”.
Tờ khai hải quan của công ty TNHH Bình Mai cho thấy máy Greiner GA 240 nhập khẩu ngày 1-6-2010
Đối với một trang thiết bị liên quan đến điều trị, tính mạng của con người nhưng xem ra cách trả lời của người đại diện cơ quan có chức năng thẩm định, nghiệm thu của Bộ Y tế lại quá đơn giản, quá quan liêu! Phải chăng nắm rõ hình thức phê duyệt và quản lý như vậy mà những nhà nhập khẩu đã dễ dàng lợi dụng, “lòe” cơ quan chức năng để trục lợi?
Cụ thể, với 2 chiếc máy Greiner GA-240 của Bệnh viện Đa khoa Thường Tín và Hoài Đức, sau khi đoàn thanh tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra đã phát hiện vỏ máy đề của Đức nhưng ruột máy lại vừa của Trung Quốc vừa của Việt Nam bởi có 4 chiếc quạt gió, thì 3 cái “made in China”, một cái của Việt Nam sản xuất và 5 mô tơ máy đều của Trung Quốc. Trong khi nhà cung cấp thì cho rằng máy này của Đức. Và đương nhiên máy có “nguồn gốc xuất xứ” từ Đức thì giá tiền cũng phải khác: 648 triệu đồng/chiếc.
Tuy nhiên, giá tiền này, sau khi điều tra thì được biết nó đã đội lên gần gấp đôi so với giá khai hải quan tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội (nhập khẩu lô hàng gồm sáu chiếc máy trên với giá nhập khẩu tổng cộng 2,147 tỉ đồng). Và vì sao giá tiền lại “đội” lên khủng khiếp như vậy? Hóa ra là từ nhập khẩu đến cung cấp trực tiếp cho các bệnh viện, máy Greiner GA-240 đã phải lòng vòng qua 3 công ty. Đầu tiên là Công ty TNHH Bình Mai, ở Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội là đơn vị trực tiếp nhập khẩu lô hàng này về gồm 6 chiếc.
Sau đó, Công ty này bán lại lô hàng cho Công ty Tâm Long, ở Hà Nội và Công ty Tâm Long lại bán tiếp cho Công ty CP Xuất nhập khẩu Khoáng sản - đơn vị trúng gói thầu số 4 là mua sắm trang thiết bị hồi sức và xét nghiệm cho 10 bệnh viện tuyến huyện (Bệnh viện Đa Khoa Vân Đình, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thạch Thất… ) ở Hà Nội với tổng trị giá gần 30 tỷ đồng. Nhưng điều đáng lưu ý hơn là lô hàng này có dấu hiệu nhập lậu bởi ngày công ty Bình Mai mở tờ khai hải quan tại Hà Nội là ngày 1-6-2010 trong khi giấy phép nhập khẩu do Bộ Y tế cấp số 5087 (đối với một số loại thiết bị nhất định, phải có giấy phép của Bộ Y tế mới được nhập khẩu) lại vào ngày 2-8-2010, nghĩa là nhập khẩu được 2 tháng, thiết bị mới có… giấy phép nhập khẩu?!
Chưa hết, trong hồ sơ hải quan của lô hàng nhập khẩu nói trên còn có một giấy phép nữa cũng do Bộ Y tế cấp và cũng cùng số 5087 nhưng lại đề ngày cấp là 1-6-2010. Vậy đâu là giấy phép thật và đâu là giấy phép giả đối với việc nhập khẩu lô hàng Greiner GA-240? Đó là còn chưa nói đến, máy Greiner GA 240 và cả TYB-20, theo tìm hiểu còn không có trong danh sách sản phẩm của hãng Greiner, Đức hay của Toyobo, Nhật Bản (máy TYB-20).
Thế mới thấy khâu thẩm định, nghiệm thu chất lượng trang thiết bị y tế của Bộ Y tế quả là “chặt chẽ’, "sát sao” và “đúng quy trình”!
Giấy phép nhập khẩu do Bộ Y tế cấp lại ký ngày 2-8-2010
Quản lý lỏng lẻo, vô tình hay hữu ý?
Có lẽ cũng với cách quản lý tương tự mà Sở Y tế vô tình đã “vẽ đường cho hươu chạy” cho một số bệnh viện khi họ tự ý đưa vào bệnh viện những máy móc không rõ nguồn gốc, nhập lậu trái phép, chất lượng kém để điều trị cho bệnh nhân…
Ngay trong vụ máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA-240 của Bệnh viện Đa khoa Thường Tín, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức sở dĩ được phanh phui chính là bắt đầu từ chiếc máy xét nghiệm sinh hóa không rõ nguồn gốc hiệu Hitachi 717 series 6312-19 đang sử dụng tại Bệnh viện Thường Tín. Vì máy Greiner GA-240 được cấp cho Bệnh viện bị hỏng nên Bệnh viện đã phải “mượn” chiếc máy này của Công ty TNHH Phú Cường An, ở Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội thay thế.
Tiếng là như vậy nhưng thực tế mục đích của việc “mượn” này được chính các chuyên gia y tế cho là vì mục đích hưởng hoa hồng trong việc mua- bán hóa chất giữa Bệnh viện và chủ sở hữu hơn là phục vụ khám chữa bệnh. Vì đơn giản không ai “mua dây buộc mình” theo kiểu mượn về một chiếc máy không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém để rồi bị liên lụy vì nó. Và một con số thống kê cho thấy từ thời điểm mượn máy về từ tháng 7-2013 cho đến nay, Bệnh viện Đa khoa Thường Tín đã chuyển tiền mua hóa chất cho Công ty TNHH Phú Cường An là 1,2 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, theo quy định của Sở, nghiêm cấm các đơn vị tự động tiếp nhận, sử dụng các trang thiết bị đã qua sử dụng hoặc mượn máy mà không lập đề án và báo cáo Sở Y tế. Quy định thì chặt chẽ nhưng Bệnh viện Đa khoa Thường Tín vẫn phớt lờ để mượn về máy xét nghiệm hóa sinh kém chất chất lượng, nhập lậu đến một năm nay nghĩa là công tác quản lý của Sở Y tế Hà Nội không sát sao, “lời nói” nói không đi đôi với việc làm nên mới dẫn đến tình trạng thiết bị y tế kém chất lượng, nhập lậu hoành hành tại một số bệnh viện như vậy.
Và đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc này mà đã từng có bài học đau đớn không chỉ đối với Sở Y tế Hà Nội mà với ngành y tế nói chung về công tác quản lý ấy là nhân bản kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức.
Người ta có câu “con hư tại mẹ”, chắc để xảy ra những vụ việc như trên, cũng tại Bộ Y tế và Sở Y tế đã không làm tốt công tác quản lý, vẫn buông lơi thả lỏng và dung túng cho cho những hành động trục lợi bằng chính những quy định chưa chặt chẽ của mình. Đáng tiếc là hậu quả của việc quản lý không hiệu quả đó là bao nhiêu mạng sống bệnh nhân phải gánh chịu!
Tú Anh

No comments:

Post a Comment