Saturday, August 2, 2014

Chiến tranh lạnh kinh tế



Hậu Crimea” - Chiến tranh lạnh đang trở lại?

Ông Vladimir Putin đang tham dự hai mặt trận. Ông gây loạn tại hai tỉnh miền Ðông Ukraine để bành trướng ảnh hưởng của Nga; vì thế đưa nước Nga vào một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế với Mỹ và các nước trong Liên Hiệp Châu Âu (EU). Trận chiến ở Donetsk và Luhansk theo đúng bài bản quen thuộc của các chế độ sản từ thời Chiến Tranh Lạnh cũ.

Ông Putin đưa quân và vũ khí qua biên giới vào xứ Ukraine, bắn đại bác từ Nga sang Ukraine; nhưng chính phủ Nga vẫn một mực chối. Giống hệt chính quyền cộng sản miền Bắc, trước năm 1975, luôn luôn chối rằng họ không hề gửi quân vào miền Nam Việt Nam. Ông Putin cũng cho thành lập chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk, cũng như Cộng Sản Việt Nam lập ra Mặt Trận Giải Phóng, rồi chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.

Bài bản đó do Mao Trạch Ðông vẽ ra. Cộng Sản Trung Quốc đã đưa cán bộ vào các nước Indonesia, Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, vân vân, gây nội loạn với mục đích lập ra các chính quyền chư hầu khắp vùng Ðông Nam Á. Sau cùng, các nước trên may mắn thoát nạn, Trung Cộng chỉ thành công tại Việt Nam, Campuchia và Lào.

Cho nên, khi theo dõi tình trạng tại Ukraine bây giờ, người Việt Nam phải lo nghĩ. Nếu ông Putin thành công trong việc tách các vùng Donetsk và Luhansk ra khỏi Ukraine, thì giới lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc sẽ rất phấn khởi, thấy rằng chiến thuật của Mao Trạch Ðông vẫn còn dùng được. Bắc Kinh sẽ rút thêm kinh nghiệm để đối phó nếu một chính quyền ở Hà Nội muốn tách ra thoát dần vòng kiềm tỏa của họ. Họ sẽ không tấn công sang Lạng Sơn như hồi 1979, mà có thể vẫn gây rối loạn trong nước Việt Nam bằng những phong trào ly khai. Vì ngay trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Cộng vẫn có những người tin tưởng rằng số phận họ gắn liền với Trung Cộng.

Trong thời gian chiến tranh Việt Nam Trung Cộng đã gửi 300,000 quân sĩ qua miền Bắc. Dân miền Bắc tin rằng đám quân lính đó đã vẽ bản đồ chi tiết, đã chôn giấu vũ khí khắp nơi rồi. Chính quyền Việt Cộng ở các tỉnh biên giới thì vẫn được Trung Cộng nâng niu chiều đãi từ lâu, đang làm giầu nhờ tiền buôn lậu, nhiều người có thể đã đầu tư vào nhà cửa bên Vân Nam, Quảng Ðông, Quảng Tây. Họ có thể được mời qua biên giới ăn tiệc, rồi được báo cho biết không có đường về vì địa phương của họ đã đảo chính! Cho nên Trung Cộng có khả năng tạo ra những nhóm ly khai kiểu Donetsk hay Luhansk ở nước ta. Họ sẽ tiếp tế vũ khí, quân lính và cả sĩ quan từ bên kia biên giới, không bao giờ lo phải ngưng, như ông Putin đang thực hiện. Nếu ông Putin thành công tại Donetsk thì Trung Cộng sẽ rất phấn khởi.

Nhưng liệu ông Putin có thể thành công hay không? Trong hai mặt trận, có thể đoán ông Putin sau cùng sẽ thua trong cuộc chiến tranh lạnh kinh tế, nhưng phải đợi nhiều năm kết cục mới ngã ngũ. Trong khi chờ đợi, tất cả tùy thuộc vào người dân Ukraine và chính phủ của họ. Nếu dân Ukraine thua, thì không những các nước thuộc Liên Bang Xô Viết cũ phải lo sẽ đến lượt nước họ mà người Việt Nam phải lo lắng về tương lai nước mình.

Chúng ta hy vọng Vladimir Putin sẽ thất bại, dù cuộc phong tỏa kinh tế phải chờ lâu mới có kết quả. Các nước Châu Âu ngần ngại không “tấn công” mạnh vì biết trước cả hai bên sẽ đều bị thiệt hại, giống như các cuộc chiến tranh thật. Chính quyền Mỹ có thể thuyết phục các xí nghiệp và ngân hàng chịu thiệt thòi khi phong tỏa kinh tế Nga, nhưng dân ở Châu Âu sẽ khó chấp nhận chịu thiếu dầu lửa và khí đốt nhập cảng từ Nga, mặc dù họ có thiện cảm với dân Ukraine. Mỹ không thể đơn phương hạ thủ, vì cần phối hợp để bảo vệ mối quan hệ lâu dài với các đồng minh Âu Châu. Ông Putin đã lợi dụng tình trạng này để theo một chính sách vừa đánh (ở Ukraine) vùa đàm (với EU), tin tưởng rằng sau cùng quân nổi loạn ở Ukraine sẽ đặt chính phủ Ukraine trước những sự đã rồi.

Vụ bắn hạ máy bay MH 17 bằng hỏa tiễn Nga đã thay đổi lập trường dân Châu Âu; đặc biệt là tại Anh, Hòa Lan và Ðức. Như một vị bộ trưởng Ðức nói: “Nền hòa bình và ổn định bị đe dọa là nguy cơ lớn nhất cho kinh tế.” Trong tuần qua, các nước EU và Mỹ đã bắt đầu những biện pháp phong tỏa kinh tế mới trên một số ngân hàng và công ty năng lượng lớn của. Nhưng ai cũng biết các biện pháp mới đó sẽ không ảnh hưởng đến kinh tế Nga trong thời gian ngắn, ít nhất hai, ba năm. Mặt khác, chính ông Vladimir Putin không thể lui bước trong hoàn cảnh hiện nay.

Putin đã khích động tình tự dân tộc của dân Nga, được dân chúng ủng hộ nồng nhiệt sau khi chiếm lại Crimea. Bây giờ nếu ông lùi dân Nga sẽ không hiểu được. Quân đội Ukraine đang chiếm lợi thế, nhưng Putin đã gia tăng số vũ khí tiếp tế cho quân phiến loạn. Lãnh tụ “Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk” đã bay sang thỉnh ý Putin, trong khi hàng trăm thương binh của họ được chở qua Nga chữa trị. Bộ Trưởng Thương Mại Nga Denis Manturov mới nói rằng các biện pháp phong tỏa mới không có gì đáng lo, so với tình cảnh cô lập của Liên Xô trong thời Chiến Tranh Lạnh. Dân Nga có thể chấp nhận chịu đựng. Dù sau này kinh tế Nga suy sụp vì bị phong tỏa, sản xuất đình trệ, lạm phát lên cao và ngân sách khiếm hụt, chúng ta cũng không biết ông Putin có nghĩ đời sống kinh tế của dân Nga quan trọng hơn tham vọng ở Ukraine hay không.

Trận chiến tranh lạnh kinh tế đang bắt đầu. Putin có thể chuẩn bị để tấn công vào mùa Thu tới, với các vũ khí là dầu lửa và khí đốt. Trong hai thứ đó, chắc Putin sẽ không ngưng bán dầu lửa, vì 44% ngân sách chính phủ Nga là do tiền bán được dầu, bán mỗi ngày 7.5 triệu thùng, chiếm hơn một nửa (54%) số tiền thâu nhờ xuất cảng. Ngay trong thập niên 1980 vào lúc Chiến
Tranh Lạnh căng thẳng nhất, Liên Xô cũng vẫn tiếp tục xuất cảng dầu sang các nước tư bản để lấy mỹ kim. Ông Putin vẫn có thể trả đũa bằng việc giảm bớt số hơi đốt chuyển bằng ống dẫn qua Ukraine. Ngoài ra, ông sẽ tự bảo vệ nền kinh tế đang trên đà suy thoái bằng cách cắt bớt các liên hệ với kinh tế các nước Châu Âu, chuyển sang Châu Á, Phi và Châu Mỹ La tinh. Chính phủ Nga sẽ phải tăng số chi tiêu để kích thích kinh tế, nhưng vẫn phải tăng lãi suất để giữ giá đồng Rúp. Hai biện pháp này có ảnh hưởng ngược chiều, sẽ triệt tiêu lẫn nhau; cho nên kinh tế Nga sẽ giảm sụt vì bị phong tỏa. Người ta không thể đoán trước đến mức nào thì dân Nga sẽ không thể chịu đựng được nữa, khiến Putin phải thay đổi, trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2018.

Cuộc phong tỏa của các nước Tây phương sẽ diễn ra chậm, từng bước một, có thể tương tự như cảnh đã diễn ra tại Iran. Mỹ đã bắt đầu phong tỏa Iran từ thời Tổng Thống James Carter; nhưng đến gần đây mới có những hành động quyết liệt. Năm 2010, chính phủ Obama đã cấm vận các xí nghiệp Mỹ hay ngoại quốc làm ăn với các ngân hàng Inran bị phong tỏa. Hành động này khiến nhiều xí nghiệp và ngân hàng nước khác cũng phải chọn, hoặc làm ăn với Iran, hoặc làm ăn với Mỹ. Hậu quả là nhiều ngân hàng và công ty quốc tế phải bỏ Iran. Năm 2012 chính phủ Mỹ lại ra thêm lệnh phong tỏa cả Ngân Hàng Trung Ương của Iran. Hậu quả là các ngân hàng Iran bị gạt ra bên lề hệ thống ngân hàng thế giới. Tất cả các vụ xuất cảng dầu đều được thanh toán qua các ngân hàng quốc tế lớn và Ngân Hàng Trung Ương Iran; cho nên lệnh cấm mới này gián tiếp phong tỏa việc bán dầu. Sau đó, các nước Châu Âu cũng ngưng mua dầu của Iran; cho nên trong ba năm qua số dầu xuất cảng của Iran đã giảm mất một nửa. Năm nay, chính phủ Iran đã phải tham dự việc đàm phán về việc kiểm soát năng lượng nguyên tử lực một cách thành thật.

Chính phủ Mỹ và các nước Châu Âu phải làm sao để ông Putin hiểu rằng họ sẵn sàng tiến tới những hành động mạnh như đã thi hành đới với Iran. Hiện chính phủ Mỹ đã nghiên cứu việc cấm vận nhiều ngân hàng Nga hơn, lấy cớ họ tham dự mạng lưới rửa tiền quốc tế.

Dù kinh tế Nga không bị phong tỏa, ông Putin vẫn phải lo về thị trường dầu lửa thế giới. Tiền bán dầu tạo ra ngoại tệ và cung cấp cho ngân sách nhà nước. Năm 2008, khi kinh tế thế giới khủng hoảng, giá dầu lửa giảm 38 đô la mỗi thùng, tổng sản lượng nội địa (GDP) của Nga bị sụt mất 7.8%, đồng Rúp sụt giá. Ngân Hàng Trung Ương Nga phải dùng ngoại tệ dự trữ mua đồng Rúp để giữ giá, tiêu mất 200 tỷ đô la trong vòng mấy tháng. Hiện nay số ngoại tệ dự trữ của Nga là 500 tỷ Mỹ kim, thấp hơn con số 630 tỷ vào đầu năm 2008. Mỗi lần giá dầu giảm 10 đô la, ngân sách chính phủ Nga sẽ mất 20 tỷ đô la một năm, tổng sản lượng nội địa giảm sụt 1%. Nếu giá dầu giảm từ 105 đô la Mỹ một thùng xuống 100 đô la, nước Nga sẽ báo động. Nếu giá dầu giảm xuống chỉ còn 75 đô la một thùng, kinh tế Nga sẽ khủng hoảng.
Hiện nay các công ty năng lượng quốc tế đều tính toán việc đầu tư vào tương lai với giả thiết rằng giá dầu trong năm, ba năm nữa sẽ rớt xuống vào khoảng 90 đô la một thùng. Vì số sản xuất ở Mỹ và các nước Bắc Phi đang gia tăng rất nhanh; Iran có thể được giảm cấm vận, tình hình Iraq có thể ổn định trong vài năm nữa.

Mối lo lớn hơn cả là các công ty dầu khí của Nga bị cấm vận sẽ cạn tiền, phải ngưng đầu tư cải thiện, trong khi tình trạng kỹ thuật của họ vẫn còn rất thấp kém so với các nước tây phương, nhất là Mỹ; cần đầu tư thêm để gia tăng năng suất. Trong vòng 10 năm tới, mỗi năm Nga phải đầu tư 150 tỷ Mỹ kim vào ngành năng lượng. Hiện nay hai công ty dầu Nga Rosneft và Novatek đã bị cấm vận, các ngân hàng Mỹ chỉ được cho họ vay trong thời hạn tối đa 90 ngày. Trước đây, công ty Rosneft đã vay nợ 38 tỷ Mỹ kim, từ năm 2011, do các ngân hàng Mỹ tài trợ dài hạn. Nếu các công ty dầu của Nga bị đóng cửa, không vào được thị trường tài chánh, ngân hàng Âu, Mỹ, thì sẽ cạn tiền đầu tư. Các ngân hàng Nhật Bản và Nam Mỹ chắc sẽ theo chính sách của Mỹ; các ngân hàng Trung Quốc dù chống Mỹ, cũng không đủ tài nguyên bù vào thiếu hụt của Nga. Trong khi đó, ngân khố Nga cũng hạn chế việc cho vay vì lo gây lạm phát làm dân chúng bất mãn.

Có thể nói, ông Putin chắc chắn sẽ thua nếu không chiến tranh lạnh về kinh tế kéo dài, vì sau vụ máy bay MH 17 dư luận đang thuận lợi cho chính phủ các nước Âu Mỹ đưa ra các biện pháp phong tỏa mạnh hơn trong vòng năm tới; mà không lo bị dân chúng nước họ ngăn cản. Ông Putin có thể tranh thủ, cấp viện cho quân phiến loạn ở Ukraine nhiều và nhanh hơn; nhưng mỗi hành động của ông sẽ khiến các nước đối thủ có lý do đáp lại bằng cách thắt chặt kinh tế Nga hơn nữa. Hai cuộc chiến tranh, về quân sự ở Ukraine và về kinh tế ở Nga, sẽ tiếp diễn song song trong vài ba năm tới. Cuộc chạy đua có thể không lâu hơn, vì trong nội bộ dân Nga có thể thay đổi. Ông Gerhard Schindler, giám đốc tình báo Ðức mới thông báo trước quốc hội Ðức rằng nhiều nhà tư bản đỏ ở Nga đã bắt đầu chống lại chính sách ngoại giao của ông Putin. Ðầu tuần này, ông mới họp riêng với họ và giới công nghiệp quốc phòng, chắc để chặn trước các mầm chống đối.

Chúng ta hy vọng rằng giới lãnh đạo Bắc Kinh sau cùng sẽ thấy một cuộc phiêu lưu kiểu Putin đem thực hiện ở Việt Nam sẽ chỉ dẫn đến thất bại. Nhưng chúng ta cũng không nên quá lạc quan. Putin sẽ thua vì chính phủ Ukraine đã được gần cả thế giới ủng hộ; và ở trong nước thì lòng người dân Ukraine, không thuộc gốc Nga, hoàn toàn ủng hộ chính phủ của họ. Còn chính quyền Cộng Sản Việt Nam hiện nay rất ít bạn, ở trong cũng như ngoài nước.

07-01-2014 7:22:07 PM 
Ngô Nhân Dụng
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment