Saturday, August 2, 2014

Nghịch dị xuất gạo giá rẻ, nhập thức ăn gia súc đắt



(Thị trường) - Xuất khẩu gạo thu khoảng 3 tỉ USD, thì giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong cùng thời gian cũng đạt mức 4 tỉ USD.

Đây là con số xuất nhập khẩu nông sản trong năm 2013 được bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) thống kê đã phần nào chứng minh sự "vay mượn của ngành nông nghiệp Việt Nam. TS Lê Bá Lịch, Hiệp hội thức ăn gia súc nói thẳng: "Đây là hệ quả chứng minh ngành nông nghiệp của chúng ta yếu kém".
Nông dân loay hoay làm và lỗ
Câu chuyện về những người nông dân phải sống trong cảnh được mùa, rớt giá lan từ trong trồng trọt sang chăn nuôi. Từ cây lúa, tiêu, điều rồi đến nuôi con lợn, gà vịt. Trong khi hàng triệu nông dân đã phải bán lúa dưới mức giá thành liên tục nhiều vụ thu hoạch, người chăn nuôi lại phải mua thức ăn nuôi tăng cao gấp bốn lần trong vòng ba năm gần đây.
"Không có người định hướng, cứ thấy làm gì có lãi, dân lại học nhau. Nuôi con gì được ăn người dân cũng đổ xô làm. Nhiều quá thì lại không được giá, thành ra lỗ. Đây là lỗi của người làm quản lý", TS Nguyễn Ngọc Kính, Hội giống cây trồng Việt Nam từng công tác trong ngành khoa học nông nghiệp trăn trở dù ông đã nghỉ hưu.
TS Kính chỉ ra hàng loạt sự yếu kém trong nông nghiệp nhưng cái quan trọng nhất là: "đến thời điểm này trồng cây gì, nuôi con gì thì Bộ NN&PTNT vẫn rối, không định hướng được cho nông dân".
Theo đánh giá của Hội Chăn nuôi Việt Nam, mấy năm trở lại đây, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, các trang trại, hộ chăn nuôi bị thua lỗ kéo dài. Ước tính từ tháng 3/2013 đến nay lỗ khoảng 6.500 tỷ đồng, từ tháng 3/2012 - 3/2013 lỗ tới hơn 20.000 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi bị thua lỗ khoảng 27.000 tỷ đồng.
Thời điểm đầu tháng 4/2014, chăn nuôi gà vẫn đang bị lỗ khoảng 15%, trứng lỗ 31%. Nếu trang trại, hộ chăn nuôi phải mua 100% con giống, thức ăn thì mức lỗ còn cao hơn.
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam:  "Nguyên nhân chính việc thua lỗ là vì năm từ năm 2010 Trung Quốc cũng mua của Việt Nam nhiều nên mọi người đổ xô chăn nuôi và chở sang Trung Quốc bán rất có lãi. Thấy nhiều người có lãi nhiều người đổ xô đi xây trang trại dẫn đến nguồn cung vượt cầu". 
TS Lịch bức xúc: "Nông nghiệp hàng hóa thời thị trường mà không dự báo thị trường thì thua mà thua là dân chịu thiệt. Khi dịch bệnh xảy ra, biện pháp thượng sách chỉ là giết, chôn, đền bù.... Gia súc, gia cầm có chết dịch bệnh thì cũng đổ do lỗi của dân... tiêm ngừa không đúng cách".
Là nước nông nghiệp nhưng 1 năm Việt Nam phải chi 550 triệu đô để nhập khẩu ngô về làm thức ăn chăn nuôi
Là nước nông nghiệp nhưng 1 năm Việt Nam phải chi 550 triệu đô để nhập khẩu ngô về làm thức ăn chăn nuôi
Chính sách đang bóp chết nông nghiệp?
Khi được hỏi là một nước nông nghiệp, ngành nông nghiệp được cho là trụ đỡ cho nền kinh tế nhưng gạo thì sản xuất rồi xuất khẩu giá rẻ, nông dân chán bỏ ruộng, chăn nuôi thì điêu đứng do không thể cạnh tranh được so với nguồn thịt nhập khẩu từ nước ngoài về. Thức ăn chăn nuôi cũng nhập khẩu. Liệu có thể khắc phục bằng cách nào?  TS Lê Bá Lịch tỏ ra vô cùng bức xúc: "Có khắc phục vào mắt!. Không thể khắc phục được vì nền nông nghiệp như thế nếu không cơ cấu lại".
Hiện mỗi năm Việt Nam đang nhập khoảng 2 triệu tấn thức ăn gia súc mất khoảng 550 triệu đô. "Trong khi đó với ngô hoàn toàn có thể sản xuất được trong nước. Gạo thì xuất giá rẻ nhưng trong nước thì phải nhập thức ăn. Tại sao lại không cơ cấu lại?", TS Lịch bức xúc đặt câu hỏi.
Và ông Lịch nhận định: chính sách đang bóp chết ngành nông nghiệp vốn được cho là trụ đỡ của nền kinh tế.
Đồng tình quan điểm này, TS Nguyễn Ngọc Kính, Hội Giống cây trồng Việt Nam đau xót: "Chỉ trồng cây gì, nuôi con gì mà bao nhiêu năm ngành nông nghiệp làm mãi không xong. Rõ ràng là nước nông nghiệp mà lại phải đi nhập khẩu ngô về làm thức ăn chăn nuôi cho thấy tầm nhìn kém".
Theo ông Nguyễn Đăng Vang: thực tế chính sách cho chăn nuôi chưa ổn. Hiện giá thành của chúng ta là cao vì chăn nuôi chưa theo chuỗi giống, thức ăn. Đáng ra từ sản xuất thức ăn cho đến chăn nuôi, giết mổ là một chuỗi liên hoàn thì chúng ta lại cắt đoạn. Ai sản xuất thức ăn thì cứ sản xuất rồi thông qua đại lý cấp 1, 2, 3 dẫn đến thức ăn chăn nuôi bị đắt lên 10%.
"Vai trò quản lý nhà nước hiện vẫn chưa thể hiện tròn đối với chăn nuôi. Đảm bảo an toàn dịch bệnh, kết nối chuỗi giá trị và xử lý môi trường trong chăn nuôi ... là 3 khâu còn yếu", ông Vang nhận định.
Bích Ngọc

No comments:

Post a Comment