(Tin tức thời sự) - Công an Bình Thuận điều tra thiết bị y tế vỏ Nhật, ruột Trung Quốc; Bộ chưa cấp phép đã thông quan; Bộ Y tế nhờ công an vào cuộc...
Liên tiếp nhiều bệnh viện khắp Bắc- Nam kêu cứu về tình trạng máy móc, thiết bị y tế "vỏ Tây, ruột Trung Quốc". Đáng chú ý, tình trạng "treo đầu dê, bán thịt chó" này bị nghi ngờ đều do một Công ty đảm nhận.
Bình Thuận kêu cứu
Tin mới nhất từ từ Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị này đang quyết toán số tiền 7,5 tỉ đồng cho Công ty CP XNK Khoáng sản (trụ sở tại Hà Nội). Công ty này cung cấp và lắp đặt thiết bị y tế cho BV Đa khoa khu vực Nam Bình Thuận tại huyện Đức Linh.
Hợp đồng được thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Nhà thầu có trách nhiệm cung cấp, lắp đặt 19 trang thiết bị phần lớn đều có xuất xứ từ Mỹ, Pháp, Anh, Ý... được lắp đặt từ tháng 3/2010.
Máy phân tích sinh hóa tự động của Ý trị giá bạc tỉ không hoạt động được |
Tuy nhiên, theo hợp đồng tất cả đều là máy móc mới nhưng chỉ một năm sau nhiều trang thiết bị đắt tiền không thể hoạt động.
Cụ thể, máy phân tích sinh hóa tự động 420 test/giờ của Ý với đơn giá chưa tính thuế VAT hơn 850 triệu đồng; máy phân tích huyết học tự động 25 thông số của Pháp trị giá gần 600 triệu đồng; máy ly tâm đa năng 4.000 vòng/phút của Mỹ báo lỗi, không hoạt động.
Trong đó, máy rửa phim X-quang tự động loại 90 phim/giờ có giá 119 triệu đồng, ghi rõ là máy Nhật nhưng lại được nhà thầu giao máy XP-2000 có xuất xứ từ... Trung Quốc.
Hàng loạt các máy móc rời vào tình trạng thiếu thiết bị... như máy siêu âm màu 4D, ba đầu dò kèm theo máy in màu và máy in đen trắng do Nhật sản xuất có giá trên 1,3 tỉ đồng nhưng khi lắp đặt chỉ có “mình ên” máy siêu âm, còn máy in các loại tìm đỏ mắt cũng không thấy.
Hệ thống xử lý chất thải rắn y tế do Anh sản xuất trị giá hơn nửa tỉ đồng, khi lắp đặt không hiểu cách nào mà nhà thầu lại lắp thiếu thùng đựng dầu nên không thể sử dụng được.
BS Hồ Phi Long, Giám đốc BV Đa khoa khu vực Nam Bình Thuận, đã liên tục có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cầu cứu. Các công văn trên cho rằng do các trang thiết bị có giá trị lớn được mua mới 100% nhưng sau khi lắp đặt đã phải chỉnh sửa nhiều lần nên chất lượng không đảm bảo khi đưa vào sử dụng. Để quản lý, sử dụng hiệu quả, bệnh viện đề nghị nên thu hồi các máy không hoạt động trả lại cho bên bán và cung cấp máy khác cho bệnh viện.
Điều đáng nói, Công ty này đang bị Cơ quan điều tra liên quan đến vụ thiết bị y tế vỏ Đức, ruột Trung Quốc ở Hà Nội.
Hà Nội: Máy xét nghiệm vỏ Đức ruột TQ, Bộ Y tế nhờ công an
Các thiết bị y tế này đã được đưa vào sử dụng từ năm 2010, đến năm 2012 đã được thanh tra, kiểm toán và quyết toán. Mới đây qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện máy xét nghiệm sinh hóa nhãn hiệu Greiner GA240 sản xuất máy tại Đức nhưng nhiều phụ kiện xuất xứ Trung Quốc và Việt Nam.
Bên cạnh đó, bệnh viện Thường Tín và Hoài Đức cũng phản ánh những máy này không đạt chất lượng, phải ngừng hoạt động khoảng 1 năm nay. Ngày 31/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ ra bất ngờ với việc bà khi còn là Thứ trưởng đã ký 2 giấy phép nhập khẩu cùng 1 số 5087 cho lô thiết bị y tế Greiner GA240 vào 2 thời điểm. Bà Kim Tiến cho biết sẽ có văn bản đề nghị công an làm rõ việc có hay không giả mạo giấy tờ, gian lận thương mại trong nhập khẩu lô máy xét nghiệm nói trên.
Sáng 1/8, Thượng tá Phan Cao Thu, Phó trưởng Phòng PC46, Công an Hà Nội, cho biết. Công an thành phố đang phối hợp với Bộ Y tế điều tra sai phạm trong lô thiết bị máy xét nghiệm sinh hóa đầu tư cho các cơ sở y tế tuyến huyện ở Hà Nội. Theo thông tin ban đầu, cơ quan điều tra xác định.
Chiếc máy xét nghiệm sinh hóa Hitachi 717 của BV Thường Tín vừa bị Sở Y tế HN tịch thu |
Có dấu hiệu làm giả tài liệu của cơ quan Nhà nước và máy xét nghiệm sinh hóa nhãn hiệu Greiner GA240 được mua bán qua nhiều công ty ở Hà Nội. Lô thiết bị máy xét nghiệm sinh hóa nằm trong gói thầu số 4 thuộc Dự án đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho bệnh viện Hoài Đức, Thường Tín, Vân Đình, Thanh Oai, Phú Xuyên và Quốc Oai. Đơn vị trúng thầu cung cấp các thiết bị này là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu khoáng sản (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với giá trúng thầu 26,78 tỷ đồng.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho biết “việc thẩm định cấp phép hoàn toàn trên hồ sơ giấy tờ”.
Bà Tiến nghi ngờ có hiện tượng làm giả giấy phép, giả chữ ký để nhập khẩu, theo đó, "Bộ Y tế sẽ giao Vụ Trang thiết bị và công trình y tế có văn bản gửi cơ quan công an đề nghị làm rõ”- bà Tiến cho biết.
Cũng theo bà Tiến, theo những hồ sơ vụ việc mà báo chí cung cấp những ngày qua cho thấy nhà nhập khẩu có gian lận.
Chưa cấp phép đã thông quan
Bộ Y tế khẳng định máy xét nghiệm Greiner GA 240 phải có giấy phép nhập khẩu của cơ quan này thì mới được thông quan, trong khi có đến 6 máy đã bàn giao cho các bệnh viện trước khi được cấp phép nhập khẩu
Ngày 1/8, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị y tế (Bộ Y tế), khẳng định việc Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu lô hàng máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 của Đức cho Công ty TNHH Bình Mai (trụ sở tại Hà Nội) vào ngày 2/8/2010 là hoàn toàn đúng quy trình.
Ông Tuấn cho biết, trong hồ sơ lưu, Công ty TNHH Bình Mai cũng có giấy cam kết chất lượng hàng hóa nhập khẩu chính hãng và mới 100%.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về việc kiểm tra khâu quản lý, sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 của 6/6 bệnh viện đa khoa (Thường Tín, Hoài Đức, Thanh Oai, Phú Xuyên, Vân Đình và Quốc Oai) từ ngày 28 đến 31/7 khẳng định thủ tục hồ sơ pháp lý của việc mua, bán máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 đầy đủ.
Gói thầu đã được kiểm toán và quyết toán theo đúng quy định. Công ty CP XNK Khoáng sản (mua lại từ Công ty Tâm Long, trước đó Công ty Tâm Long mua lại của Công ty TNHH Bình Mai) là nhà cung cấp máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 theo hồ sơ dự thầu, kết quả đấu thầu và cam kết thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng.
Sở Y tế Hà Nội khẳng định việc bàn giao, lắp đặt, nghiệm thu hoàn toàn đúng quy trình. Những vấn đề mâu thuẫn khác, ông Tuấn cho biết phải chờ kết quả xác minh của cơ quan chức năng.
Ông Tuấn cho biết năm 2010, theo Nghị định 12 của Chính phủ về quản lý điều hành xuất nhập khẩu, Bộ Y tế đã ban hành một danh mục các trang thiết bị y tế nhập khẩu, phân ra 54 chủng mặt hàng bắt buộc phải có giấy phép nhập khẩu của cơ quan này thì mới được thông quan hải quan. Mặt hàng máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 nằm trong danh sách 54 chủng loại trên.
“Chỉ khi được Bộ Y tế ký giấy phép nhập khẩu, những chủng mặt hàng bắt buộc mới được phép cho thông quan”- ông Tuấn khẳng định. Theo ông Tuấn, tuần tới, Bộ Y tế sẽ cung cấp hồ sơ liên quan đến vụ việc cho cơ quan điều tra, đồng thời cũng đề nghị cơ quan chức năng làm rõ những nghi vấn xung quanh lô hàng máy xét nghiệm này.
An An (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment