Saturday, August 16, 2014

Việt Nam xoay trục ngoại giao để thoát Trung?



Phạm Trần (Danlambao) - Việt Nam đã quyết định tăng cường “đối ngoại đa phương” để chống áp lực phải nói chuyện “song phương” với Trung Cộng về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là kết luận tìm thấy sau Hội nghị một ngày về “Đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội ngày 12/08/2014.

Không nêu đích danh Trung Cộng, nhưng chỉ dấu của chính sách mới này đã bao phủ trong 4 bài nói chuyện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngọai giao Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Quốc Phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Nhà ngoại giao kỳ cựu nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan.

Thủ tướng Dũng: “Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của đất nước, đặc biệt trong tình hình Biển Đông hiện nay, chúng ta cần coi trọng vai trò, tiếng nói của các thể chế, các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, ASEAN, Phong trào Không liên kết. Chính sự đoàn kết, ủng hộ mạnh mẽ của các bạn bè quốc tế tại các diễn đàn đa phương đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam đã góp phần quan trọng đề cao chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, các nguyên tắc ứng xử của khu vực, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.”

Hội nghị quy tụ trên 200 cán bộ ngoại giao Trung ương và địa phương trên toàn quốc do Bộ Ngoại giao phối hợp với UNDP (United Nations Development Programme) tổ chức, theo tin phổ biến, để “nhìn lại gần 30 năm thực hiện chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam, rút ra các bài học kinh nghiệm, và đề ra khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam và ASEAN (Association of South East Asia Nations).”

Khách quốc tế có các ông Pascal Lamy, Chủ tịch danh dự Viện Notre Europe-Jacques Delors, nguyên Tổng Giám đốc WTO, Tiến sỹ Jayantha Dhanapala, Chủ tịch Hội nghị Pugwash về khoa học và các vấn đề thế giới, nguyên Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách giải trừ quân bị, Chủ tịch Tập đoàn Kerry Logistics, ông George Yeo, nguyên Ngoại trưởng Singpapore.

Đây là lần đầu tiên sau gần 30 năm thi hành chính sách được gọi là “đổi mới” để hội nhập mới có một cuộc thảo luận sâu rộng về lợi ích của nền “ngọai giao đa phương” vào đúng lúc Việt Nam rất cần được dư luận Quốc tế ủng hộ trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Cộng.

Cụ thể, trong thời gian Trung Cộng đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng Biển Đông mà cả Việt Nam và Trung Cộng đều coi là của mình từ ngày 02/05 đến 17/07 (2014), nhà nước Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã trao và đề nghị Liên hiệp quốc (LHQ) từ đầu tháng 07 (2014)“lưu hành hai văn bản về lập trường của Việt Nam đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đồng thời bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc.”

Hai văn kiện này cũng đã được phía Việt Nam gửi cho Liên hiệp Châu Âu, 184 nước có bang giao với Việt Nam, tổ chức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN, Association of South East Asia Nations) và các tổ chức Quốc tế.

Việt Nam đã làm như thế để đáp lại Tuyên bố 5 điểm của Trung Cộng phổ biến trước đó tại Liên Hiệp Quốc nói rằng: “Ngày 2/5/2014, giàn khoan "981" của doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành hoạt động khoan thăm dò tại khu vực tiếp giáp quần đảo Tây Sa (Hòang Sa) Trung Quốc, nhằm thăm dò tài nguyên dầu khí. Hiện nay, công tác giai đoạn một đã hoàn thành, công tác giai đoạn hai đã bắt đầu từ ngày 27/5. Vùng biển tác nghiệp trong giai đoạn một và hai đều nằm cách đảo Trung Kiến quần đảo Tây Sa và đường cơ sở thẳng lãnh hải quần đảo Tây Sa 17 hải lý, cách bờ biển Việt Nam từ 133 đến 156 hải lý. (mỗi hải lý dài 1,852 mét)

10 năm gần đây, doanh nghiệp Trung Quốc luôn tiến hành hoạt động thăm dò tại vùng biển liên quan, bao gồm thăm dò địa chấn và điều tra hiện trường giếng dầu. Tác nghiệp khoan thăm dò của giàn khoan "981" lần này là sự tiếp diễn thường kỳ của tiến trình thăm dò, hoàn toàn trong phạm vi chủ quyền và quyền quản lý của Trung Quốc.”

Để tránh gây trở ngại ngoại giao, không có nước nào công khai ủng hộ lập trường chủ quyền của hai nước Việt-Trung mà đa số chỉ kêu gọi hai bên kiềm chế, không có hành động quân sự gây nguy hiểm cho lưu thông hàng hải và cần nói chuyện với nhau để giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Ngoại trừ Nga tránh chỉ trích hành động của Trung Cộng, các nước lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc đã lên án hành động “gây bất ổn định trên Biển Đông” của Bắc Kinh.

Tuy nhiên Liên hiệp Châu Âu (European Union,EU), theo lời chuyên viên Ngọai giao Bà Tôn Nữ Thị Ninh thì: “Tuy có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, nhưng EU chưa lên tiếng mạnh mẽ và rõ ràng như vậy về vấn đề biển Đông.”

Bà nói: “EU vẫn đang nhìn nhận vấn đề theo cách hạn chế, như thể đó chỉ là tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thực tế là, quy mô của vấn đề ở tầm khu vực, và trên một số phương diện, đây là vấn đề toàn cầu.” (Thời báo Kinh tế Việt Nam,24/06/2014, dựa theo bài Phỏng vấn của phóng viên Rodion Ebbighausen, Thông tấn xã Đức, Deutsche Welle,DW)

Chính vì vẫn còn những hạn chế bất lợi cho Việt Nam trên diễn đàn Quốc tế nên ông Dũng đã nói với Hội nghị rằng: “Trong môi trường an ninh và phát triển đang chuyển biến rất nhanh và sâu sắc, tất cả các nước lớn nhỏ đều đứng trước nhu cầu tăng cường hợp tác, liên kết để cùng giải quyết các vấn đề chung cấp bách. Các thách thức toàn cầu ngày càng nhiều và phức tạp, nằm ngoài khả năng giải quyết của từng quốc gia và từng khu vực. Đó là việc bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn ngừa và giải quyết xung đột, đến các vấn đề liên quan tới liên kết kinh tế, tài chính, tự do hóa thương mại, đầu tư… cũng như việc hợp sức ứng phó với khủng hoảng và các thách thức an ninh phi truyền thống.

Thế giới đang hướng đến cục diện “đa cực” cùng với xu thế dân chủ hóa phát triển mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế. Tất cả các quốc gia đều rất coi trọng các thể chế, các phương thức giải quyết đa phương nhằm phục hồi kinh tế, mở rộng không gian phát triển, tạo thêm thế và lực trong cục diện mới. Trong đó, châu Á-Thái Bình Dương đang đi đầu về xu hướng liên kết đa tầng nấc và đã trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị năng động.”

4 Yêu cầu

Để cho “ngọai giao đa phương” đem lại kết qủa tốt, người đứng đầu Chính phủ CSVN nêu lên 4 yêu cầu tóm tắt như sau:

Thứ nhấtcần đề xuất những định hướng cả trước mắt và dài hạn cho đối ngoại đa phương của Việt Nam trong thời kỳ mới

Thứ haicần phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách thức phối hợp liên ngành trong hoạt động đối ngoại nói chung và trong triển khai đối ngoại đa phương.

Ông Dũng nói: “Đây là thời điểm chúng ta cần và hoàn toàn có đủ điều kiện để chuyển mạnh từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”. 

Thứ bacần làm rõ những biện pháp để tăng cường thống nhất nhận thức và đồng thuận giữa các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của đối ngoại đa phương trong hội nhập quốc tế toàn diện phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thứ tưBộ Ngoại giao và các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế cần bàn sâu các biện pháp cụ thể nhằm xây dựng, kiện toàn các cơ chế phối hợp liên ngành và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngoại giao đa phương, phù hợp với chuyển biến của tình hình và đáp ứng nhu cầu mới của đất nước. 

Nhưng thế nào là thay đổi từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”?

Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngọai giao Phạm Bình Minh giải thích: “Vừa qua, chúng ta chủ yếu là tham gia các diễn đàn, còn hạn chế trong đề xuất sáng kiến, ý tưởng. Phối hợp liên ngành còn bất cập, phối hợp hoạt động ở các diễn đàn khác nhau chưa đồng bộ. Đội ngũ cán bộ còn thiếu chuyên nghiệp, xử lý có lúc chưa linh hoạt.” 

Điều này có nghĩa, từ nay Việt Nam sẽ tích cực tham gia vào các Tổ chức Quốc tế, chủ động tổ chức các Hội nghị Quốc tế, hợp tác và đưa ra sáng kiến tại các diễn đàn để cùng thảo luận, cùng làm chung để tìm hậu thuẫn cho “những sáng kiến Việt Nam” hầu “tạo đồng minh” chứ không còn “rụt rè, e ngại” như hiện nay để tránh bị “ép buộc” bởi các cường quốc như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã bị Trung Cộng ép phải chấp nhận những quyết định của nước này tại Hội nghị Geneve 1954, trong đó có lằn ranh chia hai Việt Nam ở Vỹ tuyến 17, thay vì 16.

Và để làm được việc, một lớp huấn luyện “ngọai giao đa phương” mới cho cán bộ sẽ được tổ chức.

Do đó, ông Minh đề xướng 4 bước cho kế họach này được tóm tắt như sau:

Một là“chuyển mạnh từ tư duy “gia nhập và tham gia” sang tư duy “chủ động đóng góp, khởi xướng và tích cực tham gia định hình”, tăng cường cách tiếp cận đa ngành, chú trọng nội hàm phát triển bền vững.”

Hai là“khẩn trương đề xuất định hướng tổng thể và dài hạn của đối ngoại đa phương Việt Nam trong 10 - 20 năm tới. Đây là điều kiện tiên quyết nâng tầm đối ngoại đa phương đáp ứng các yêu cầu mới của Hội nhập Quốc tế toàn diện.” 

Ba là, trong giai đoạn từ nay đến 2020, đối ngoại giao đa phương tập trung vào một số trọng tâm, trong đó có: “Đảm nhận thành công các trọng trách và đăng cai tổ chức các hoạt động đa phương lớn, đặc biệt là đăng cai Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới năm 2015; đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 và Hội đồng kinh tế - xã hội Liên hợp quốc ECOSOC nhiệm kỳ 2016 - 2018; đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017; đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, ứng cử vào Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021... Hoàn tất các cam kết quốc tế lớn có thời hạn vào 2015 – 2020, nhất là hoàn tất xây dựng Cộng đồng ASEAN và Tầm nhìn ASEAN sau 2015, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN; các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), tham gia xây dựng các Mục tiêu phát triển (SDGs) của Liên hợp quốc sau năm 2015, hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018 cùng các hiệp định thương mại tự do nhiều bên.

Bốn là“cần cải tiến, đổi mới cơ chế thông tin, phối hợp liên ngành và giữa các bộ, ban, ngành với địa phương, doanh nghiệp, phù hợp với chuyển biến của tình hình quốc tế và đáp nhu cầu mới của đất nước.” 

Vương Nghị - Phạm Bình Minh

Tất cả những yêu cầu mới trên đây của ông Minh có vượt qua khỏi ngưỡng cửa “ngọai giao của Bắc Kinh” hay không thì chưa biết, nhưng lập trường về Biển Đông của Bộ trưởng Ngọai giao Trung Cộng Vương Nghị đưa ra tại Hội nghị cấp cáo ASEAN lần thứ 47 tại Thủ đô Nay Pyi Taw, Miến Điện trong hai ngày 08 và 09/08 (2014) vừa qua cho thấy “không dễ dàng gì”.

Ông Vương nói: “Lập trường bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển của Trung Quốc là kiên định bất di bất dịch, không gì lay chuyển nổi… Trung Quốc kiên trì giải quyết hòa bình tranh chấp hữu quan thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán. Là một nước lớn có tinh thần trách nhiệm, Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ kiềm chế, song đối với những hành vi khiêu khích vô lý, Trung Quốc sẽ đưa ra sự đáp trả rõ ràng và kiên định.” (Tân Hoa xã, Xinhua)

Tân Hoa xã viết thêm: “Ngoại trưởng Vương Nghị nói, Trung Quốc sẵn sàng lắng nghe sáng kiến đầy thiện chí về vấn đề Nam Hải do các bên đề xuất, song, những sáng kiến đó phải là sáng kiến khách quan, công chính và mang tính xây dựng, chứ không phải nhằm gây giắc rối và bất đồng mới, thậm chí là có dung tâm riêng.”

Trong cuộc gặp với ông Phạm Bình Minh, khi nói về Biển Đông ông Vương bảo thẳng: “Hai phía cần coi trọng lợi ích chung và nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan "thông qua đối thoại song phương".

Vương Nghị cũng khẳng định: “Trung Quốc sẽ "áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như các quyền và lợi ích trên biển".

Ông Vương cũng yêu cầu phía Việt Nam giải quyết "thích đáng" hậu quả các vụ bạo động bắt nguồn từ biểu tình chống Trung Quốc hồi tháng Năm.

Như vậy rõ ràng lập trường của Trung Cộng về tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Việt Nam và các nước khác trong khu vực như Phi Luật Tân ngày càng cứng rắn, kể từ khi gìan khoan HD 981 rút khỏi vùng biển Việt Nam ngày 15/07 (2014)

Lập trường “chỉ nói chuyện giữa Trung Cộng với mỗi nước có tranh chấp ở Biển Đông”không thay đổi vì từ xưa đến giờ Bắc Kinh vẫn quyết liệt chống c ác cuộc vận động ngọai giao để “quốc tế hóa vấn đề Biển Đông” của Việt Nam và Phi Luật Tân được Hoa Kỳ và một số quốc gia trong vùng như Nam Dương, Mã Lai và Brunei ủng hộ.

Theo báo chí Việt Nam thì cuộc gặp gỡ Minh-Vương “căng thẳng” vì ông Minh được trích lời đã: “Nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, tuy nhiên, thời gian qua, mối quan hệ này đã bị ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng trên biển do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam…. khẳng định lại lập trường nguyên tắc của Việt Nam đối với các vấn đề trên biển. Phó Thủ tướng cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là hai bên cần cùng nhau nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên biển, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình và quan trọng nhất là không để tái diễn vụ việc tương tự như vừa qua, thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết ổn thỏa tranh chấp bất đồng tại Biển Đông trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những nhận thức chung giữa hai nước như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.”

Báo Việt Nam cũng cho biết ông Minh còn: “Đề nghị Trung Quốc tích cực thúc đẩy đàm phán COC để sớm đạt kết quả thực chất, khẳng định Việt Nam luôn coi trọng, tham gia với tinh thần xây dựng và sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy, tăng cường hợp tác, hiểu biết ASEAN-Trung Quốc, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.”

DOC và COC

DOC (Declaration Of Conduct) là văn kiện giữa ASEAN và Trung Cộng ký kết tại Nam Vang (Cao Miên) năm 2002 gồm 10 Điểm, trong đó quan trọng nhất là hai Điểm 4 và 5 nguyên văn như sau:

4. Các bên liên quan cam kết giải quyết những tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực, thông qua tham khảo ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan, phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

5. Các bên liên quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống và xử lý các bất đồng một cách xây dựng;Trong khi chờ đợi có giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán, các bên liên quan cam kết tăng cường các nỗ lực trên tinh thần hợp tác và hiểu biết nhằm tìm ra phương cách xây dựng sự tin cậy và lòng tin giữa các bên, bao gồm:

a. Khi thích hợp, tiến hành đối thoại và trao đổi ý kiến giữa quan chức quân sự và quốc phòng của các bên có liên quan;

b. Bảo đảm đối xử nhân đạo và công bằng đối với tất cả mọi người gặp nguy hiểm hay lâm nạn;

c. Tự nguyện thông báo cho các bên liên quan khác về tập trận quân sự chung/hỗn hợp sắp diễn ra;

d. Tự nguyện trao đổi thông tin thích hợp.

Tuy nhiên, vì thỏa hiệp này “không có các biện pháp trừng phạt” các bên vi phạm nên Trung Cộng từ nhiều năm qua đã tự do thao túng, chiếm đóng một số đảo và đá ngầm của Việt Nam và Phi Luật Tân và tấn công và bắt giữ các ngư dân không phải của Trung Cộng và tịch thu tài sản.

Vì vậy, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã đưa ra sáng kiến thiết lập một quy chế có tính pháp lý thay cho DOC. Văn kiện mới đã được sọan thảo gọi là Code Of Conduct (COC) và đã đem ra thảo luận vài lần giữa ASEAN và Trung Cộng nhưng Bắc Kinh đã tìm mọi cách trì hõan và đòi các quốc gia có tranh chấp với Trung Cộng giải quyết với nhau trước rồi mới bàn tiếp trong khi họ vẫn đơn phương có hành động lấn chiếm và đe dọa để làm chủ ¾ diện tích 3.5 triệu cây số vuông của Biển Đông, bao gồm cả Hòang Sa và Trường Sa.

Nguyễn Chí Vịnh - Vũ Khoan

Tại Hội nghị “ngọai giao đa phương” ở Hà Nội, Thượng tướng Thứ trưởng Quốc phòng CSVN Nguyễn Chí Vịnh đã có bài phát biểu gọi là “Cách tiếp cận mới trong hợp tác quốc tế về an ninh – quốc phòng”.

Ông nói: "Diễn đàn đa phương tạo tiếng nói bình đẳng cho các nước, nhất là các nước nhỏ. Không thể vì anh là nước lớn thì lại nói to hơn nước nhỏ được. Diễn đàn đa phương cung cấp cho bên có lẽ phải một điều kiện để công khai lẽ phải của mình. Và các bên tham gia vào diễn đàn đa phương thì phải tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Không nói đến bất cứ nước nào, nhưng ông Vịnh bảo: “Nước nào cũng theo lợi ích quốc gia, nhưng khi tham gia các diễn đàn đa phương, các nước phải đồng thời quan tâm đến cả lợi ích chính đáng theo luật quốc tế của các quốc gia khác nữa. Anh không thể chỉ vì lợi ích của mình mà muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói. Anh phải quan tâm đến [người khác] thì người ta mới nghe, thì người ta mới thấy sự tham gia của anh là có ích cho sự phát triển chung của khu vực và trên thế giới”.

Liên quan đến vấn để chủ quyền lãnh thổ, tướng Vịnh là người có nhiều kinh nghiệm với lập trường của Trung Cộng nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng thứ nhất là hợp tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia đồng thời tham gia bảo đảm ổn định hòa bình của khu vực và của thế giới. Thứ hai là đặt ra yêu cầu thế nào khi tham gia hợp tác quốc phòng mang tính đa phương. Nước nào cũng vậy, trước hết phải kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc mình, tuy nhiên phải quan tâm đến lợi ích quốc gia khác trên cơ sở chính đáng”.

Dường nhu để trả lời cho đòi hỏi phải “thảo luận song phương” hay “bác đề nghị quốc tế hóa vấn đề Biển Đông” của Trung Cộng, tướng Vịnh nói thẳng: “Vấn đề tranh chấp luôn phải được giải quyết giữa các nước với nhau, điều đó không ai bàn cãi, đặc biệt trong thế giới hội nhập như hiện nay, khi tranh chấp ấy mang tính phổ quát toàn cầu. Ví dụ như tranh chấp trên biển, rõ ràng nó ảnh hưởng đến an ninh khu vực và thế giới chứ không chỉ có các nước tranh chấp với nhau.” 

Ông tâm sự với cử tọa: “Tôi rất thấm thía trước sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với Việt Nam. Từ những thách thức do những cuộc chiến tranh trước đây để lại đến những thách thức an ninh phi truyền thống đến và những thách thức ngày hôm nay về tranh chấp lãnh thổ, tiếng nói quan tâm của cộng đồng quốc tế rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh giúp chúng ta vừa giữ được hòa bình, vừa giữ được chủ quyền.” (VOV, Voice of Vietnam—Đài Tiếng nói Việt Nam, 13/08/2014)

Diễn giả Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nói về “Nhận thức của Việt Nam: Cơ hội và thách thức đối với các nước vừa và nhỏ trong triển khai đối ngoại đa phương”.

Theo báo chí Việt Nam, ông Khoan đã nói về “tầm quan trọng đặc biệt của ngoại giao đa phương đối với Việt Nam trong việc bảo vệ độc lập và phá vỡ thế bao vây cô lập, nâng cao vị thế dân tộc và phát triển kinh tế đất nước, đồng thời giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ các lợi ích của nước vừa và nhỏ trước sức ép từ các nước lớn.”

Ông nói: “Hoạt động đa phương cũng đặt ra nhiều thách thức lớn như “sự bỡ ngỡ trước một rừng quy định, luật lệ rối rắm” mà nếu không hiểu biết sẽ rất dễ bị động, thậm chí thất thố. Bên cạnh đó, sự va chạm giữa lợi ích các nước là điều không thể tránh khỏi, làm thế nào thực hiện được chính sách ngoại giao đa dạng hóa mà không dẫn tới sự đối đầu, phương hại tới quan hệ song phương và lệch pha với bàn cờ quan hệ quốc tế là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, nhìn chung lại, nếu đưa lên bàn cân thì cán cân vẫn nghiêng về các cơ hội vì ý nghĩa rộng lớn và lâu dài của chúng.”

Như vậy, qua phát biểu của các ông Dũng, Minh, Vịnh và Vũ Khoan tại Hội nghị ngọai giao đa phương tại Hà Nội ngày 12/08 (2014), ai cũng có thể thấy đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam đã chọn “đa phương” làm mũi nhọn ngọai giao mới để hy vọng thoát khỏi “cái bẫy song phương” mà Trung Cộng đã giăng ra để bao vây Việt Nam trong cuộc tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền giữa hai nước.

Tuy vậy, vấn đề đặt ra là liệu Bộ Chính trị đảng CSVN, nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những Ủy viên thân Trung Cộng trong cơ cấu lãnh đạo đầu não này có “phủ quyết” những đề nghị thay đổi của hai ông Dũng và Minh, những người được coi đứng đầu phe “thân Tây phương”, hay chỉ cho phép làm nửa vời để không bị Bắc Kinh “dạy cho bài học” lần nữa?

(08/014)


No comments:

Post a Comment