Saturday, August 16, 2014

Nhà đầu tư trở lại VN sau những cuộc biểu tình phản đối TQ


Một công nhân làm việc tại xưởng sản xuất của công ty Ford ở Hải DươngMột công nhân làm việc tại xưởng sản xuất của công ty Ford ở Hải Dương


Ralph Jennings
Bạo động chống Trung Quốc cách đây vài tháng ở Việt Nam đã làm hư hại 400 nhà máy của chủ đầu tư nước ngoài và hàng ngàn công nhân nước ngoài đã rời bỏ vì lo sợ bạo lực. Nhưng dòng vốn nước ngoài lại tăng trở lại ở mức trước khi có các cuộc biểu tình nhờ vào việc chính phủ cam kết bảo vệ các nhà đầu tư và nền kinh tế tiếp tục phát triển và chi phí kinh doanh vẫn ở mức thấp. Từ Sài Gòn, thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA gởi về bài tường thuật.
Các nhà máy sản xuất quần áo, đồ nội thất và đồ điện tử gia dụng đã trở lại kinh doanh sau khi ít nhất 460 nhà máy bị hư hại trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi tháng 5.
20 người chết và hàng trăm người bị thương trong các cuộc biểu tình phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu trong vùng lãnh hải mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Hành động đó làm bừng lại sự hận thù kéo dài nhiều thế kỷ giữa Việt Nam và Trung Quốc, bao gồm cuộc chiến tranh biên giới 1979.
Nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại – họ đóng góp 17% vào nền kinh tế Việt Nam và 66% hàng xuất khẩu của đất nước. Chính phủ Việt Nam đã cam kết ngăn chặn những vụ rối loạn. Chính phủ cũng đã tạo ra những điều kiện đầu tư thuận lợi, bao gồm nhân công rẻ, để giữ dòng vốn nước ngoài tiếp tục chảy vào.
Ralf Matthaes, người làm chủ công ty tư vấn In Focus có trụ sở chính ở Sài Gòn, nói Việt Nam hồi phục trở lại vì chính phủ yêu cầu bảo đảm ổn định cho các nhà đầu tư:
“Tôi nghĩ thay đổi lớn nhất là mọi việc đã ổn định. Thành thật mà nói, tôi không nghĩ có một hệ quả kinh khủng nào. Mọi việc lại bình thường trở lại. Nó không đến nỗi ghê ghớm lắm. Ở đây chính phủ có mọi quyền hành – khi họ muốn giải quyết việc gì là họ làm được. Thế thôi.”
Các nhà đầu tư – chủ yếu là Nhật, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan – đến Việt Nam từ khi đảng Cộng Sản bỏ các rào cản đầu tư vào năm 1987. Các dự án của họ đã giúp vực dậy nền kinh tế 155 tỷ đô la của Việt Nam và giảm bớt tình trạng nghèo lan rộng bằng việc tạo thêm nhiều việc làm.
Việc Bắc Kinh hạ đặt 1 giàn khoan dầu do Tổng Công Ty Dầu khí Hải dương Quốc Gia của nhà nước Trung Quốc điều hành vào ngày 2 tháng 5 đã gây phẫn nộ cho nhiều người Việt Nam. Việt Nam cũng có các kế hoạch khai thác trên cùng vùng biển Nam Trung Hoa. Khoảng 20.000 người đã tham gia biểu tình và cơn giận dữ của họ đã ảnh hưởng đến cả các nhà đầu tư khác, đặc biệt những nhà máy có nguồn gốc Trung Quốc hoặc có biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc. Khoảng 9.000 nhân viên, chủ yếu là Đài Loan,  đã rời Việt Nam. Các quan chức Việt Nam bắt giữ 85 người có liên quan đến những vụ bạo động.
Kể từ đó, Trung Quốc và Việt Nam đã gặp gỡ ở cấp lãnh đạo để xem xét lại sự việc và vào tháng 7, Bắc Kinh đã rời dàn khoan đi. Các nhà đầu tư gốc Trung Quốc nói họ cảm thấy an toàn.
Ông Theng Bee Han, chủ tịch Phòng Thương Mại Malaysia ở thành phố HCM, nói họ đang muốn mở rộng nhà máy ở Việt Nam:
“Không bàn đến các vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ quan điểm của một doanh nhân tôi nghĩ rằng không có mối đe dọa nào, ngay cả đối với các đầu tư có yếu tố Trung Quốc, dù là Trung Quốc từ Đài Loan, Trung Quốc từ Hồng Kong, Trung Quốc từ Malaysia hay Trung Quốc Singapore. Trên thực tế mọi người rất lạc quan và hướng đến mặt tốt của Việt Nam.”
Các công ty Trung Quốc từ Trung Hoa lục địa cũng đang ganh đua ở Việt Nam. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 7 ở Việt Nam trước khi có các cuộc bạo động xảy ra. Họ rót 2.3 tỷ đô la vào Việt Nam năm ngoái, tăng 6 lần so với năm 2012. Nhưng hầu hết vốn đầu tư này ở dưới dạng nguyên vật liệu của công nghiệp may mặc, máy móc và hàng tiêu dùng. Các nguồn cung ứng này giảm mạnh từ tháng 5 do Việt Nam lo ngại vào việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và thay vào đó tìm kiếm những nguồn khác.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất phấn khởi bởi sự trở lại mức trước khi có biểu tình của thị trường chứng khoán sau khi sụt giảm 15% trong năm nay, và bởi nền kinh tế được dự đoán tăng trưởng ở mức 5.6% năm nay do thị trường xuất khẩu, như Mỹ, tăng lên. Các nhà phân tích cho rằng có phần chắc sẽ không xảy ra một vụ rối loạn nữa bởi vì phân nửa lượng thuế mà Việt Nam thu được là từ đầu tư nước ngoài.
Ông Michel Tosto, giám đốc điều hành công ty Chứng Khoán Việt Capital ở thành phố HCM, nói các nhà đầu tư xem sự bạo loạn của các cuộc biểu tình là 1 sự việc nhỏ:
“Nó chỉ là một hiện tượng ngắn hạn. Thị trường giảm sút 15%, là lớn, nhưng nó đã hồi phục trở lại. Nó làm tăng nguy cơ nhưng nó không hề ảnh hưởng đến bất cứ thứ gì về lâu dài.”
Trong kế hoạch lâu dài, Việt Nam sẽ đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư, mở rộng quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư nước ngoài, và xây dựng mới hệ thống giao thông nối thành phố Sài Gòn với các khu công nghiệp ngoại thành.

No comments:

Post a Comment