Saturday, August 16, 2014

Học trò nói xấu thầy cô



Thứ Bảy, 21:38  16/08/2014

Những lời đàm tiếu của học trò về thầy cô nhiều khi vượt quá giới hạn, gây tổn thương cho giáo viên. Đạo đức học trò xuống cấp hay việc bồi dưỡng tâm hồn, kỹ năng cho học trò ngày nay quá hổng?

Trước mặt thầy cô, chỉ có một em không lễ phép nhưng sau lưng thầy cô, những gì mà các em nói với nhau mới thật đáng sợ. Thầy cô được các em soi kính hiển vi tất cả mọi góc độ, từ trang phục, dáng hình, điệu bộ cử chỉ cho tới cả những khuyết tật trên cơ thể. Điều này không chỉ ở một số học sinh trường dân lập, trường thường mà cả những học sinh trường chuyên cũng không ngoại lệ. Thầy cô nhiều khi trở thành đề tài để các em đàm tiếu trong những lúc nhóm, hội cùng nhau.
Trò thường nói gì?
Lối xưng hô phổ biến các em gọi thầy cô là: ông, bà nhưng theo ngữ điệu mỉa mai chứ không phải là tôn kính. Đặc biệt những khi điểm không được như ý, cảm thấy không công bằng cho mình, các em không ngại ngần gọi thầy cô là thằng cha, con mẹ. Với những cô giáo có nhiều trang phục: “Bả đó thích khoe đồ”, còn ít trang phục: “Có bộ đồ mặc hoài chắc bốc mùi”. Thầy cô bị khuyết tật đi lại không được bình thường thì gọi: ông thọt, bà nhắc. Màu sắc của trang phục của thầy cô không trùng với sở thích của các em thì bị gọi là: “họ nhà mọi, quê một cục”. Ở một số học sinh nhà khá giả thì lời nói cũng đầy trịch thượng: “Con mẹ đó nghèo kiết xác mà còn làm phách”…
Học trò nói xấu thầy cô
Thầy cô nghiêm khắc cho điểm đúng mực thường bị học sinh ghét. Và rất nhiều trường hợp học sinh vi phạm khuyết điểm, thầy cô la thì bị học sinh thù ghét, cũng có không ít trường hợp thầy cô bị học sinh văng tục không thương tiếc. Một thực tế bất ngờ ở các trường phổ thông là những thầy cô dạy hay, nghiêm túc lại không được các em yêu thích bằng thầy cô cho điểm dễ hoặc vào lớp hay pha trò và kể chuyện tiếu lâm mặc dù trình độ chuyên môn không cao. Thầy cô còn bị học sinh đối xử theo môn chính, môn phụ. Coi khinh môn phụ coi khinh luôn cả thầy cô .
Có thể ban đầu những lời đàm tiếu của các em về thầy cô chỉ là hiện tượng cá biệt nhưng về sau thấy em này nói, em khác cũng nói theo và câu chuyện cứ thế rôm rả. Thầy cô nhiều khi vô tình nghe được cảm thấy rất xót xa trong lòng, chỉ biết lặng lẽ bỏ đi tránh đôi co với học trò. Chuyện học sinh “tám” với nhau không ai xử phạt nhắc nhở và cứ thế từ hiện tượng đơn lẻ trở thành phổ biến.
Uốn nắn, bồi dưỡng tâm hồn
Độ tuổi học trò luôn muốn thể hiện ta đây là “anh hùng”, biết mọi chuyện, muốn tỏ thái độ và phán xét về những điều xung quanh. Những lời nói của các em trong những cuộc vui có khi chỉ là nói cho sướng miệng mà chưa lường hết được hậu quả của những lời không hay, ý không đẹp, nhất là lại về người thầy của mình.
Tuy nhiên, nhìn sâu hơn, có thể thấy việc bồi dưỡng tâm hồn, lối sống cho học trò ngày nay chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, giáo dục kỹ năng, chia sẻ tâm lý với trẻ chưa sâu sát nên chỉ một hành động hoặc một lời nói của thầy cô có vấn đề một chút cũng dễ làm cho các em cảm thấy mình tổn thương và có những phản ứng thái quá. Và nếu có bị thầy cô xử phạt thì các em đã có vũ khí trong tay: ngay lập tức dùng điện thoại quay phim, chụp hình tung lên mạng. Thêm vào đó, một số phụ huynh tiếp tay cho con em mình nói càn. Bản thân phụ huynh cũng coi thường thầy cô thì làm sao con em họ có thái độ tôn kính được. Mỗi khi có sự việc xảy ra, phụ huynh thường đổ lỗi cho thầy cô, ít khi nhìn nhận do lỗi con em mình. Nhà trường lại thường đứng về phía học sinh, vì vậy mà các em được đà lấn tới, chỉ có giáo viên phải chịu nhiều áp lực, tổn thương mà phải ngậm cay, nuốt đắng.
Mặt khác, bản thân thầy cô không phải ai cũng có những xử lý đúng mực trong các tình huống sư phạm. Trò sai mà thầy cũng chẳng đúng dẫn đến sự ức chế tâm lý trong học sinh. Học trò sai phạm thì có người thầy uốn nắn, giúp đỡ cho các em nên người - đó mới chính là bản chất của giáo dục, thiên chức của nghề giáo.
Ngày xưa “trọng thầy mới được làm thầy” vì lúc đó người thầy, nghề thầy được vinh danh. Còn bây giờ, nghề người ta trọng vọng là kinh doanh, là những ông giám đốc thành đạt. Nhưng dù sao, sự đàm tiếu về người khác vốn đã không hay, đàm tiếu về thầy cô lại càng không nên có. Dù là ai, mối quan hệ thế nào thì sự thân thiện, tình yêu thương vẫn là điều cốt lõi nhất của đạo làm người từ xưa tới nay. 
Học trò sai phạm, được người thầy uốn nắn, giúp đỡ cho các em nên người - đó mới chính là bản chất của giáo dục, thiên chức của nghề giáo.

Hoàng Thị Thu Hiền (Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM)

No comments:

Post a Comment