(Baodatviet) - Cuối tháng 8/2014, kho nổi Haiyang Shiyou 118 - được mệnh danh là nhà máy lọc dầu trên biển của Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động.
Theo trang Asia Oil & Gas, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã đóng xong kho nổi (FPSO) thứ 17 mang tên Haiyang Shiyou 118 tại nhà máy đóng tàu Đại Liên với tổng chi phí 2,7 tỷ Nhân dân tệ (440 triệu USD). Kho nổi này dự kiến sẽ được sử dụng tại mỏ dầu Enping 24-2 ở cửa khẩu sông Châu Giang, phía đông của Biển Đông.
FPSO cỡ lớn Hải Dương 117 hiện hoạt động tại mỏ dầu Bột Hải. |
Kho nổi Haiyang Shiyou 118 dài thân 266,64m, diện tích boong tàu tương đương hai sân bóng đá tiêu chuẩn. Chiều cao lên tới 50,5m, ngang tòa nhà 17 tầng. Lượng giãn nước của Haiyang Shiyou 118 là khoảng 35.000 tấn. Tàu này có khả năng xử lý được 56.000 thùng dầu mỗi ngày.
FPSO viết tắt từ cụm "kho nổi, chứa, xử lý và xuất dầu thô". Đối với ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi, việc sử dụng FPSO được xem là một giải pháp hiệu quả đối với các mỏ dầu ở vùng nước sâu, xa bờ, đặc biệt là các mỏ cận biên khi chi phí xây dựng tuyến ống dẫn không hiệu quả.
Cũng theo Asia Oil & Gas, CNOOC vận hành "hạm đội" kho nổi này chủ yếu tại các khu vực Biển Đông và biển Bột Hải, ở các vùng nước có độ sâu từ 10 đến 330m.
Việc Trung Quốc chuẩn bị đưa kho nổi vào hoạt động trên Biển Đông là một bước đi nguy hiểm của Trung Quốc có thể dẫn tới những căng thẳng mới trên vùng biển tranh chấp.
Đặc biệt, thông tin trên được đưa ra sau khi Mỹ tuyên bố sẽ giám sát những vùng biển tranh chấp ở Biển Đông để xem căng thẳng có giảm đi hay không. Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa diễn ra ở Myanmar, Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị của Mỹ ngưng các hành động gây hấn.
Điều khiến Trung Quốc "nóng mặt" là Mỹ và Úc hôm 12/8 đã ký Hiệp ước tăng cường hợp tác quân sự, đặc biệt là chính thức hóa việc triển khai 2.500 lính thủy quân lục chiến Mỹ tại căn cứ Darwin, miền bắc nước Úc, sát Biển Đông.
An Nhiên
No comments:
Post a Comment